Doanh nhân trẻ đi đầu trong chuyển đổi nông nghiệp số ở Bình Phước

Thiên Lý/VOV - TPHCM
Chia sẻ
(VOV5) - Bằng sự đam mê, tinh thần táo bạo, không ngừng tìm tòi, sáng tạo và đột phá, chàng kỹ sư tu nghiệp tại Pháp khiến nhiều người phải thán phục khi anh chọn trở về quê hương lập nghiệp.

Là kỹ sư ngành tự động hóa được đào tạo tại Pháp, Đặng Dương Minh Hoàng từng được nhiều công ty trong và ngoài nước “săn đón” với mức lương cả ngàn đô la Mỹ. Bỏ qua những lời mời chào hấp dẫn, Đặng Dương Minh Hoàng trở về quê nhà Bình Phước, bắt tay làm nông nghiệp. Dám nghĩ, dám làm, Hoàng đã đưa trái bơ Việt đi các nước. Anh còn tập hợp những người yêu đổi mới, sáng tạo để thành lập Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp số Bình Phước, từng bước giúp bà con nông dân ứng dụng khoa học công nghệ vào trồng trọt.

Doanh nhân trẻ đi đầu trong chuyển đổi nông nghiệp số ở Bình Phước - ảnh 1Anh Đặng Dương Minh Hoàng chia sẻ về việc ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp.
Nghe âm thanh tại đây:
 

Ở tuổi 35, Đặng Dương Minh Hoàng đã là ông chủ của Nông trại Thiên Nông rộng hơn 50ha ở huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước, trong đó có 12ha trồng bơ Mã Dưỡng (một đặc sản của Bình Phước), còn lại là cao su và hồ tiêu. Với năng suất bình quân 100 tấn/năm, mỗi năm vườn bơ đem lại cho Hoàng nguồn thu nhập hơn 6 tỷ đồng sau khi trừ chi phí. Trái bơ Mã Dưỡng ở Nông trại Thiên Nông không chỉ bán ở thị trường nội địa mà còn được xuất khẩu sang Lào, Campuchia, Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản. Hiện nay, Hoàng đang kết nối, mở rộng thị trường sang châu Âu.

Nói về hành trình đưa trái bơ Việt sang các nước, chinh phục những khách hàng khó tính, Hoàng cho biết, vườn bơ của gia đình được ứng dụng công nghệ Blockchain để truy xuất nguồn gốc. Trên các sàn giao dịch điện tử, khách hàng chỉ cần quét mã QR sẽ biết được thông tin nhà vườn, quy trình canh tác bơ, loại phân bón sử dụng, ngày thu hoạch và đặt hàng. Đây cũng là bước đi giúp thương hiệu "Bơ Ông Hoàng" trực tiếp đến tay người dùng, mở rộng thị trường không qua thương lái. Hoàng chia sẻ: “Rõ ràng xu hướng nông nghiệp sạch, ăn để không bị bệnh là xu hướng tất yếu của người tiêu dùng, đang được nhiều người săn đón. Tuy nhiên, nếu làm nông nghiệp hữu cơ mà không biết cách làm nông nghiệp số, hoặc chưa biết cách làm nông nghiệp số thì chúng ta mất đi cơ hội kết nối với người tiêu dùng. Việc kết hợp nông nghiệp số và nông nghiệp hữu cơ giúp người tiêu dùng giám sát được từ xa, minh bạch hóa quy trình sản xuất, quá trình canh tác của cây, bảo vệ thương hiệu, xây dựng thương hiệu”.

Doanh nhân trẻ đi đầu trong chuyển đổi nông nghiệp số ở Bình Phước - ảnh 2Mỗi cây bơ trong vườn của anh Hoàng đều có một mã QR để người mua có thể truy xuất nguồn gốc, tìm hiểu về quy trình canh tác.

Khi làm nông nghiệp, Hoàng không theo cách truyền thống, mà ứng dụng hoàn toàn công nghệ, thay thế sức người. Toàn bộ nông trang được lắp đặt hệ thống cảm biến, kết hợp hệ thống tưới nhỏ giọt và châm phân tự động lắp đặt tới từng gốc bơ. Mô hình số hóa trong nông nghiệp của Hoàng gặt hái được nhiều thành công và được nhiều người quan tâm. Hiện đã có rất nhiều người dân ở Bình Phước cùng tham gia mở rộng diện tích trồng bơ Mã Dưỡng lên 200ha. Hoàng quan niệm, trong nông nghiệp “muốn đi xa thì phải đi cùng nhau" nên anh luôn mong muốn chia sẻ cách làm cho mọi người. Ý tưởng đó của Hoàng được nữ doanh nhân Nguyễn Thị Thành Thực ủng hộ và gợi ý thành lập hợp tác xã nông nghiệp số, quy tụ 12 người cùng chí hướng, từ đó, Hợp tác xã Nông nghiệp số Bình Phước đã ra đời vào tháng 6/2022. Đây là một trong những đơn vị đầu tiên của tỉnh Bình Phước thực hiện chuyển đổi số trong nông nghiệp.

Doanh nhân trẻ đi đầu trong chuyển đổi nông nghiệp số ở Bình Phước - ảnh 3Ra mắt Hợp tác xã nông nghiệp số Bình Phước do ông chủ nông trại bơ Đặng Dương Minh Hoàng làm Giám đốc.

Với vai trò là Giám đốc Hợp tác xã, Hoàng đã tư vấn và chuyển giao công nghệ cho hàng chục doanh nghiệp. Từ đó tạo dựng ra hệ sinh thái với chất lượng tốt và phương pháp chăm sóc tối ưu, giúp cho bà con cùng có thu nhập tốt để cải thiện cuộc sống, đặc biệt là có thể mang nông sản của Việt Nam vươn xa. Anh Nguyễn Minh Hiếu, chủ sở hữu của Gia Bảo Ecofarm ở thị xã Phước Long, Phó Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp số Bình Phước nhận xét: “Hoàng có thế mạnh lĩnh vực công nghệ thông tin. rất nhạy bén với những đổi mới nên đã hướng dẫn anh em, cũng như kết nối nguồn thông tin để làm cho việc số hóa mạnh mẽ, mượt mà hơn”.

Doanh nhân trẻ đi đầu trong chuyển đổi nông nghiệp số ở Bình Phước - ảnh 4Nông trại bơ của Hoàng được nhiều người đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm.

Ông Trần Quốc Duy, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư thương mại và du lịch tỉnh Bình Phước cho biết, nông trại bơ của Hoàng là một trong những mô hình nông nghiệp thông minh ở Bình Phước. Hoàng đã chủ động kết nối, hỗ trợ, trao đổi kinh nghiệm cho thanh niên địa phương khởi nghiệp theo hướng áp dụng công nghệ.  Để tạo ra một hệ sinh thái khởi nghiệp phù hợp, giúp giới trẻ mạnh dạn đổi mới, sáng tạo, hiện nay Trung tâm đang cùng Hoàng thực hiện nhiều giải pháp. Ông Duy nói: “Đến bây giờ, chúng tôi đang đồng hành trên con đường lan tỏa những thông điệp yêu thương đến giới trẻ, giúp đỡ nông dân trong vùng, cùng góp sức cho hệ sinh thái đổi mới sáng tạo bằng những giải pháp cụ thể. Ví dụ như kết nối với các chuyên gia truyền lại những tư tưởng, thông điệp, hoặc chuyển giao khoa học công nghệ. Từ đó làm sao để nông nghiệp Bình Phước phát triển và đồng hành mang hình ảnh nông sản Việt đến các nước trên thế giới và trong khu vực”

Từ những cách làm sáng tạo, đổi mới, mô hình trồng bơ của Hoàng đạt tiêu chuẩn Vietgap, nhận được nhiều giải thưởng của các bộ, ngành. Hoàng cũng được trao Giải thưởng Lương Định Của năm 2021 do Trung ương Đoàn trao tặng.

Hiện nay, Hoàng còn là Chủ nhiệm mạng lưới Lương Định Của toàn quốc. Với vai trò này, Hoàng thường xuyên cùng các "gương Lương Định Của" kết nối, hỗ trợ thanh niên nông thôn khởi nghiệp theo hướng công nghệ 4.0.

Bằng sự đam mê, tinh thần táo bạo, không ngừng tìm tòi, sáng tạo và đột phá, chàng kỹ sư tu nghiệp tại Pháp khiến nhiều người phải thán phục về quyết định năm xưa của mình, khi anh chọn trở về quê hương lập nghiệp, góp phần đưa nông sản Việt đi xa.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu