Xuất khẩu sản phẩm của doanh nghiệp khởi nghiệp có nhiều thuận lợi

Thành Trung
Chia sẻ
(VOV5) - Bộ Công thương phối hợp với các bộ, ngành địa phương đã có nhiều giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm ra thị trường quốc tế. 

Tiêu thụ sản phẩm luôn là thách thức với mọi doanh nghiệp khởi nghiệp do hạn chế về nguồn vốn cũng như kinh nghiệm. Xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài để đạt giá trị kinh tế cao hơn, lại càng khó khăn hơn do hàng loạt rào cản kỹ thuật. Thế nhưng, với định hướng khởi nghiệp đúng đắn cùng môi trường hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước ngày càng mạnh mẽ, vấn đề tiêu thụ và xuất khẩu sản phẩm của doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam được đánh giá là đang có nhiều điều kiện thuận lợi.

Nghe âm thanh bài viết tại đây:
 

Hợp tác xã Sản xuất và Dịch vụ nông nghiệp Thanh Hà (Hợp tác xã Thanh Hà) ở Hà Nội là đơn vị tiên phong đưa dòng sản phẩm rau mầm ra thị trường (năm 2012). Nhờ những nỗ lực không ngừng trong việc tiếp cận, nghiên cứu thị trường, áp dụng khoa học kỹ thuật công nghệ và chuyển đổi canh theo phương thức mới, năm 2016, Hợp tác xã Thanh Hà đã được Tổng hội Nông nghiệp Việt Nam trao tặng danh hiệu “Thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam”; năm 2019, được UBND thành phố Hà Nội cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao cho 15 sản phẩm rau an toàn. Trong nhiều năm liền, sản phẩm của Hợp tác xã luôn có sức tiêu thụ tốt với nhiều đối tượng người tiêu dùng không chỉ tại khu vực Hà Nội mà cả các vùng lân cận.

Xuất khẩu sản phẩm của doanh nghiệp khởi nghiệp có nhiều thuận lợi  - ảnh 1Bà Bùi Thị Thanh Hà, Giám đốc Hợp tác xã Thanh Hà - Ảnh: tuoitrethudo.com.vn

Bà Bùi Thị Thanh Hà, Giám đốc Hợp tác xã Thanh Hà cho biết, do được đảm bảo chất lượng, phù hợp thị hiếu và có giá thành hợp lý, sản phẩm của Hợp tác xã luôn được tiêu thụ tốt ngay cả trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19. Trên cơ sở sự đón nhận của người tiêu dùng và hệ thống siêu thị của nước ngoài như Aeon, Big-C…, doanh nghiệp đang có kế hoạch mở rộng tiêu thụ sản phẩm ra nước ngoài. Bà Bùi Thị Thanh Hà tin cho rằng, cơ hội tiêu thụ sản phẩm của Hợp tác xã ở thị trường quốc tế đang rất rộng mở: “Những năm gần đây thì Nhà nước, nhất là Hà Nội, đã có nhiều chương trình xúc tiến thương mại, ở cả thị trường trong nước và quốc tế. HTX Thanh Hà nhận thấy cơ hội xuất khẩu sản phẩm là rất nhiều, rất lớn. Đơn vị cũng đã có định hướng xuất khẩu, trước mắt là xuất khẩu tại chỗ ở nội địa cho người nước ngoài tại Việt Nam, sau đó hướng tới xuất ngoại”.  

Để hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm ra thị trường quốc tế, thời gian qua, Bộ Công thương phối hợp với các bộ, ngành địa phương đã có nhiều giải pháp để quảng bá sản phẩm, kết nối cung cầu, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp phát triển thị trường, tìm đầu ra cho sản phẩm. Trong đó, đã triển khai hàng loạt các Hiệp định thương mại tư do thế mới (FTA) với hàng chục đối tác. Bà Lê Thị Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước, Bộ Công thương cho biết: “Việt Nam hiện đã tham gia vào 16 Hiệp định thương mại có hiệu lực. Thời gian tới, sân chơi của Việt Nam sẽ hội nhập vào sân chơi quốc tế để đưa những sản phẩm chất lượng cao vào được hệ thống phân phối hiện đại. Trong tương lai, hệ thống phân phối truyền thống như chợ hay các cửa hàng tạp hóa cũng sẽ áp dụng những quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật của các bộ ngành cũng như của Bộ Khoa học và công nghệ đưa ra”.

Theo ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội, chưa bao giờ cơ hội xuất khẩu sản phẩm của doanh nghiệp khởi nghiệp lại rộng mở như hiện nay, khi đồng thời doanh nghiệp khởi nghiệp tìm đúng hướng đi và sự hội nhập kinh tế quốc tế diễn ra mạnh mẽ.

Xuất khẩu sản phẩm của doanh nghiệp khởi nghiệp có nhiều thuận lợi  - ảnh 2Ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội - Ảnh: Hanoisme

“Các doanh nghiệp khởi nghiệp có cơ hội rất lớn với thị trường quốc tế. Bởi vì trong các hiệp định song phương, đa phương mà chúng ta đã ký kết thì các nước đối tác đều dành ra hẳn một phần hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các doanh nghiệp khởi nghiệp. Bởi vì họ đánh giá đây là một cấu phần của các doanh nghiệp đang gặp nhiều hạn chế, cần sự hỗ trợ. Thứ hai nữa là rất nhiều nhà đầu tư, tổ chức tài chính, các quỹ rất mong muốn đầu tư vào doanh nghiệp khởi nghiệp bởi vì ở đó họ luôn đổi mới, luôn sáng tạo, đều có tính đột phá, có sức vươn mạnh mẽ. Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp cũng đã mạnh dạn đưa các sản phẩm vùng miền, sản phẩm truyền thống có các nét văn hóa của vùng miền, của các dân tộc Việt Nam đến với bạn bè quốc tế. Đây là yếu tố làm tăng sức cạnh tranh rất tốt cho sản phẩm khởi nghiệp” - ông Mạc Quốc Anh nói.

Nắm bắt và tận dụng tốt cơ hội tiêu thụ sản phẩm tại các thị trường quốc tế, doanh nghiệp khởi nghiệp không chỉ nhận được giá trị kinh tế lớn cho chính mình, mà còn góp phần khẳng định thương hiệu hàng hóa Việt Nam, đóng góp hiệu quả vào quá trình phát triển kinh tế đất nước.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu