Định vị và nhận diện tiềm năng kinh tế số Việt Nam trong bối cảnh số toàn cầu

Chia sẻ

(VOV5) - 72 triệu người Việt Nam đang sử dụng Internet. Bình quân mỗi năm, mỗi người đang dùng 288 USD mua sắm trực tuyến. Việt Nam đang có tiềm năng rất lớn để phát triển kinh tế số, nhưng song song với đó là nhiều thách thức cần được nhận diện, giải quyết sớm. Đây là khẳng định của các chuyên gia tham dự Hội thảo “Kinh tế số: nhận diện, định vị các tiềm năng và thách thức” do Khoa Quốc tế Pháp ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội, phối hợp với Viện Chiến lược chuyển đổi số và Viện Nghiên cứu Châu Phi-Trung Đông, tổ chức chiều qua (23/8), tại Hà Nội.

Tại Hội thảo, các chuyên gia nhấn mạnh kinh tế số phải được nhìn nhận bao quát hơn, bao gồm nhiều hoạt động, từ thương mại điện tử, truyền thông số, quảng cáo trực tuyến, phần mềm, dịch vụ viễn thông và công nghệ tài chính tác động từ khâu sản xuất, đến phân phối, tiêu dùng... Trong đó, các công nghệ kỹ thuật số, như: Blockchain, Bigdata, IoT… đang hỗ trợ chuyển đổi các mô hình kinh doanh truyền thống và tạo ra những cơ hội cho đổi mới và tăng trưởng. Ông Nguyễn Hữu Tuấn, Trưởng phòng Quản lý hoạt động thương mại điện tử, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công thương, nêu rõ: "Quy mô nền kinh tế internet định nghĩa có 4 nhóm, là: Thương mại điện tử, gọi xe trực tuyến, du lịch trực tuyến và các nội dung nghe nhìn và quảng cáo trực tuyến. Nếu dựa vào đó thì Thương mại điện tử của Việt Nam thuộc Top 5 quốc gia có tốc độ phát triển nhanh nhất thế giới. Nhưng đó là tốc độ thôi, còn giá trị thì còn rất nhỏ. Năm ngoái, Việt Nam đạt khoảng 23 tỷ USD. Năm 2025 dự kiến khoảng 49 tỷ USD".

Tại hội thảo, các đại biểu cũng cho rằng nhận định tiềm năng kinh tế số, nhận định những tác động của kinh tế số cũng chính là cách thức hiệu quả để các nhà hoạt định chính sách Việt Nam sớm nghiên cứu, giải quyết các vấn đề tồn tại trong bảo mật thông tin, hạ tầng công nghệ, nguồn nhân lực…, để tăng trưởng kinh tế số đạt kỳ vọng, đóng góp vào tăng trưởng chung.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu