Diễn đàn đẩy mạnh liên kết vùng, tăng tốc phát triển kinh tế

Mạnh Quỳnh
Chia sẻ
(VOV5) - Ngày 26 /10, tại Hà Nội, diễn ra diễn đàn “Đẩy mạnh liên kết vùng – tăng tốc phát triển kinh tế: kết nối tiêu thụ sản phẩm cho doanh nghiệp, hợp tác xã”.

Diễn đàn có sự tham dự của lãnh đạo Liên minh hợp tác xã Việt Nam, Cục chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương), Viện nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, các chuyên gia kinh tế cùng đại diện các nhà phân phối, doanh nghiệp và các hợp tác xã (HTX).

Diễn đàn đẩy mạnh liên kết vùng, tăng tốc phát triển kinh tế - ảnh 1TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện nghiên cứu kinh tế Trung ương, phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: Mạnh Quỳnh/ VOV5

Trước bối cảnh tình hình kinh tế xã hội trong nước và trên thế giới có nhiều biến động thì vấn đề liên kết vùng và kết nối tiêu thụ sản phẩm là hết sức cấp bách. Đặc biệt sau tác động của đại dịch Covid-19 trong hơn 2 năm qua càng cho thấy liên kết vùng còn nhiều bất cập.

Bà Đỗ Thị Kim Thông, Chủ tịch hội đồng quản trị hợp tác xã thương mại dịch vụ Kim Thông chia sẻ: “Triển khai thì rất nhiều nhưng thực hiện mới là quan trọng. Nếu như không giám sát và hỗ trợ kịp thời như những vùng nguyên liệu, chẳng hạn như đất hiện nay bà con bỏ rất nhiều, bỏ hoang rất nhiều. Các đơn vị lớn họ cũng thuê nhưng hầu như vẫn không triển khai ở những nơi có quỹ đất. Hợp tác xã của chúng tôi tuy nhỏ nhưng cung mong muốn thuê được của nhà nước, hoặc bản thân hợp tác xã có quỹ đất để chúng tôi trồng các sản phẩm đó, để có thể làm theo quy trình đưa công nghệ vào quá trình sản xuất và chế biến”.

Theo Tiến sỹ Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương thì nền kinh tế Việt Nam đang phục hồi mạnh mẽ, cần có sự “vươn mình mạnh mẽ” từ tất cả các khu vực kinh tế, trong đó có một số nội dung mà các hợp tác xã liên minh có thể cân nhắc, thực hiện trong thời gian tới.

Tiến sỹ Trần Thị Hồng Minh cho biết: “Liên quan đến chuyển đổi số thì các hợp tác xã cần phải ứng dụng các quá trình này một cách mạnh mẽ hơn, gắn với việc tổ chức sản xuất, thương mại gắn với quá trình gia tăng hợp tác cùng các chủ thể khác trong các cụm liên kết ngành, trong nước và quốc tế. Thường phải có kết nối thường xuyên với các cơ quan hoạch định chính sách, cộng đồng doanh nghiệp, các nhà khoa học giữa liên minh hợp tác xã Việt Nam, liên minh hợp tác xã các cấp, các chủ thể liên quan để cùng tìm ra những vấn đề, khó khăn để tìm ra những giải pháp tháo gỡ những khó khăn đó”.  

Liên kết kinh tế một mặt quy tụ các hộ nông dân sản xuất nhỏ lẻ, phân tán thành cụm, thành tổ để thuận lợi cho việc ứng dụng các tiến bộ của khoa học công nghệ, đưa công nghệ mới vào sản xuất, đẩy mạnh cơ giới hóa.Mặt khác, hướng sản xuất vào cây, con là thế mạnh để tăng năng suất, chất lượng, điều chỉnh giá thành hợp lý, phù hợp với yêu cầu của thị trường, từ đó, hình thành các vùng sản xuất tập trung, chuyên canh.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu