Sáng 29/10, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương tổ chức Hội nghị tham vấn cấp cao “Cải cách hướng tới phát triển bền vững và hội nhập kinh tế quốc tế: trọng tâm và lộ trình đến năm 2025”.
Các chuyên gia trình bày tại Hội nghị.
Ảnh: thoibaotaichinhvietnam.vn
|
Nhiều ý kiến tại Hội nghị cho rằng, kể từ khi đại dịch COVID-19 xảy ra, vấn đề cải cách thể chế kinh tế, đặc biệt là về chính sách cạnh tranh, môi trường kinh doanh…được đặt ưu tiên hàng đầu. Điều này góp phần đáng kể, củng cố niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư. Tuy nhiên, về lâu dài, các cải cách này cần nhiều nỗ lực, cả về công tác điều hành và chất lượng các văn bản chính sách hỗ trợ nền kinh tế. Tiến sĩ Cấn Văn Lực, Kinh tế trưởng Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam, khuyến nghị: "Trong bối cảnh dịch bệnh, những nước nào làm tốt 4 lĩnh vực sau sẽ vượt qua khó khăn kinh tế. Một là chuyển đổi số và kỹ năng số. Hai là hệ thống an sinh xã hội tốt. Ba là mức độ lành mạnh và sức chống chịu của hệ thống tài chính. Bốn là quản trị quốc gia phải luôn có kế hoạch dự phòng và hệ thống dự báo. Phải cân đối giữa y tế và kinh tế".
Hội nghị tập trung thảo luận nhiều vấn đề trọng tâm khác nhằm tạo động lực cải cách ở Việt Nam giai đoạn 2021-2025 như duy trì cải cách trong quá trình phục hồi, trong đó yêu cầu đặt ra là cải cách song song thay vì cải cách sau khi đã phục hồi kinh tế; Huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực sẵn có; Cần không gian cho các hoạt động kinh tế mới; Tạo động lực cho cải cách thể chế, tận dụng ưu đãi từ các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới; Và cuối cùng là cần tiếp tục nâng cao năng lực nội tại của nền kinh tế, trong đó quan tâm nhiều đến khu vực kinh tế tư nhân.