Tập trung phục hồi kinh tế, duy trì các động lực tăng trưởng

Hồng Vân
Chia sẻ
(VOV5) - Việt Nam phải áp dụng nhiều biện pháp chưa có tiền lệ, mạnh mẽ, quyết liệt để ưu tiên trên hết, trước hết bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân.

Báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội năm 2021 dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2022, tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV sáng 20/10, Thủ tướng Phạm Minh Chính khái quát lại những kết quả quan trọng mà Việt Nam đạt được trên các lĩnh vực, trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến công tác phòng chống dịch COVID - 19. Thủ tướng cũng đưa ra những mục tiêu trọng tâm phát triển kinh tế, xã hội năm 2022 và những giải pháp đồng bộ để phục hồi kinh tế, duy trì các động lực tăng trưởng.

Tập trung phục hồi kinh tế, duy trì các động lực tăng trưởng - ảnh 1Quang cảnh phiên khai mạc kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV - Ảnh: TTXVN

Đánh giá tình hình, Thủ tướng cho biết dịch COVID-19 bùng phát lần thứ 4 ở nhiều địa phương, với sự xuất hiện của biến chủng Delta lây lan nhanh, xâm nhập sâu vào nhiều trung tâm kinh tế, buộc Việt Nam phải áp dụng nhiều biện pháp chưa có tiền lệ, mạnh mẽ, quyết liệt để ưu tiên trên hết, trước hết bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân.

Công tác phòng, chống dịch COVID-19 là ưu tiên hàng đầu trong chỉ đạo, điều hành

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, những tháng vừa qua công tác phòng, chống dịch COVID -19 là ưu tiên hàng đầu trong chỉ đạo, điều hành quyết liệt, mạnh mẽ của Chính phủ, các cấp, các ngành, các địa phương; với tinh thần vừa có kế thừa và vừa có đổi mới, bám sát yêu cầu thực tiễn, phù hợp với biến chủng mới. Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và toàn dân, công tác phòng, chống dịch ngày càng chuyển biến tích cực, hiệu quả hơn. Nhất là sau khi nâng cấp, kiện toàn Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 và kịp thời điều động một lực lượng lớn chưa từng có, trong một thời gian rất ngắn với khoảng hơn 300 nghìn lượt cán bộ, chiến sỹ các lực lượng y tế, quân đội, công an từ Trung ương và các địa phương khác hỗ trợ cho các địa phương thực hiện giãn cách và tăng cường giãn cách xã hội. Đồng thời, đẩy mạnh ngoại giao vaccine, phát động chiến dịch tiêm chủng lớn nhất từ trước tới nay.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: "Có thể nói, chúng ta đã nỗ lực hết sức mình trong điều kiện có thể. Kết quả đạt được như Trung ương đã đánh giá: “Các chủ trương, chính sách, biện pháp được triển khai trong thời gian qua là đúng đắn, kịp thời và chỉ đạo, tổ chức thực hiện khẩn trương, quyết liệt, đạt được những kết quả quan trọng. Đến nay dịch bệnh cơ bản được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc và đang thực hiện lộ trình thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh tại nhiều địa phương”. Điều nổi bật là, trong những thời điểm khó khăn, thử thách gay gắt nhất của dịch bệnh, tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc được phát huy mạnh mẽ, đã xuất hiện rất nhiều tấm gương, nghĩa cử cao đẹp, lay động lòng người".

Không để suy giảm các động lực tăng trưởng trong dài hạn

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, do ảnh hưởng của dịch COVID - 19, dự kiến có 4/12 chỉ tiêu kinh tế-xã hội chủ yếu của năm 2021 chưa đạt mục tiêu đề ra, sức chống chịu của nền kinh tế suy giảm; số lượng người lao động tạm ngừng việc, thiếu, mất việc làm gia tăng. Ngoài ra, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, tạm ngừng hoạt động hoặc chờ giải thể tăng và ở mức khá cao.

Tập trung phục hồi kinh tế, duy trì các động lực tăng trưởng - ảnh 2Thủ tướng Phạm Minh Chính báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội năm 2021, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2022 - Ảnh: VGP

Trước thực tế này, người đứng đầu Chính phủ khẳng định trong những tháng cuối năm, sẽ tập trung nỗ lực cao nhất cho phòng, chống dịch COVID-19. Có lộ trình thích ứng an toàn, linh hoạt, phấn đấu kiểm soát hiệu quả dịch bệnh trên phạm vi toàn quốc để tập trung khắc phục hậu quả của dịch bệnh và khôi phục, phát triển kinh tế xã hội. Chính phủ cũng sẽ điều chỉnh linh hoạt chính sách tài khóa, tiền tệ và các chính sách khác để giữ vững ổn định vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Tập trung ưu tiên triển khai các cơ chế, chính sách hỗ trợ thiết thực, hiệu quả cho người dân, doanh nghiệp.

Đề cập dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2022, người đứng đầu Chính phủ cho rằng khó khăn, thách thức còn nhiều. Do đó mục tiêu chung là: "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19, bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của Nhân dân, cùng với tập trung tận dụng tốt cơ hội để thúc đẩy phục hồi và phát triển KTXH với các giải pháp tổng thể kích thích nền kinh tế, hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, không để suy giảm các động lực tăng trưởng trong dài hạn. Giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, nâng cao tính tự chủ, khả năng chống chịu, thích ứng của nền kinh tế. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, nhất là một số công trình trọng điểm quốc gia; đầu tư nâng cao chất lượng nhân lực gắn với phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo".

Thủ tướng đưa ra 16 chỉ tiêu chủ yếu của năm 2022, trong đó tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) đạt khoảng 6 - 6,5%; tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4%. Để thực hiện 16 chỉ tiêu này là 12 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, trong đó đầu tiên là tập trung thực hiện linh hoạt, hiệu quả mục tiêu vừa phòng, chống dịch COVID-19, vừa phục hồi, phát triển KTXH; tiếp đó là ưu tiên công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, tập trung tháo gỡ khó khăn, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Việt Nam cũng thực hiện thực chất, hiệu quả hơn cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh… 

Thủ tướng cũng cho biết: "Việt Nam sẽ kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền quốc gia; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển đất nước. Triển khai đồng bộ, hiệu quả hoạt động đối ngoại, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, góp phần củng cố vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. Triển khai các hoạt động đối ngoại, làm sâu sắc hơn quan hệ song phương với các đối tác, gia tăng tin cậy chính trị, đan xen lợi ích, xử lý hài hòa quan hệ với các nước lớn. Tăng cường các hoạt động ngoại giao cấp cao, khai thác hiệu quả các khuôn khổ quan hệ đối tác chiến lược, đối tác toàn diện, các hiệp định thương mại tự do (FTA). Làm tốt hơn nữa công tác thông tin đối ngoại, ngoại giao văn hóa, công tác người Việt Nam ở nước ngoài và bảo hộ công dân".

Người đứng đầu Chính phủ tin tưởng với sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và niềm tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, nhất định Việt Nam sẽ sớm đẩy lùi dịch bệnh để phục hồi và phát triển KTXH, đưa đất nước vững bước tiến lên trên con đường đổi mới, hội nhập và phát triển.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu