Chung tay tháo gỡ khó khăn để doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh

Thành Trung
Chia sẻ
(VOV5) - 6 tháng đầu năm nay, kinh tế Việt Nam tuy còn gặp nhiều khó khăn nhưng tổng sản phẩm trong nước (GDP) đã tăng 3,72%. 

Nghe âm thanh bài tại đây:

Tuy vẫn còn thấp so với cùng kỳ các năm trước nhưng đã xuất hiện xu hướng tăng từng tháng, quý II cao hơn quý I, đã tạo đà cho các tháng tiếp theo của năm nay. Để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế những tháng cuối năm và cả năm nay, Chính phủ, ban, ngành, địa phương cần chung tay tháo gỡ khó khăn để doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh.
Chung tay tháo gỡ khó khăn để doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh - ảnh 16 tháng đầu năm nay, kinh tế Việt Nam tuy còn gặp nhiều khó khăn nhưng tổng sản phẩm trong nước (GDP) đã tăng 3,72%. Ảnh minh họa: Minh Hiếu/Vietnam+

Ông Trần Văn Lê, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất Cơ điện và Thương mại Phương Linh, cho rằng những giải pháp mà Chính phủ thực hiện trong thời gian qua mang lại niềm tin của doanh nghiệp vào sự nỗ lực tháo gỡ khó khăn, đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Trong đó, Nghị quyết của Chính phủ về “Giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển bền vững đến năm 2025” đưa ra nhiều giải pháp hỗ trợ giảm chi phí cho doanh nghiệp, tăng cường khả năng doanh nghiệp được tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi trong ngắn hạn. Doanh nghiệp rất kỳ vọng vào những hành động cụ thể, để các gói hỗ trợ nhanh chóng đến được với doanh nghiệp.

Ông Trần Văn Lê cho rằng: "Việc tháo gỡ các nút thắt để đạt mục tiêu đến 2025 có 1 triệu doanh nghiệp rất tuyệt vời. Đây là một thông điệp quan trọng, đặc biệt trong giai đoạn rất khó khăn này. Doanh nghiệp chúng tôi như có được cái phao. Những chính sách của Nhà nước đều hướng đến sự tốt đẹp, nhưng vấn đề thực thi thì cần phải quyết liệt hơn."

Chung tay tháo gỡ khó khăn để doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh - ảnh 2Chuyên gia kinh tế, Tiến sỹ Nguyễn Minh Phong. Ảnh: Trung Hưng

Theo chuyên gia kinh tế, Tiến sỹ Nguyễn Minh Phong, doanh nghiệp đang phải đối diện với 3 nhóm khó khăn lớn nhất là khó khăn về dòng tiền, khó khăn liên quan đến thị trường và lãi suất ngân hàng.

Bên cạnh đó, chi phí tuân thủ của doanh nghiệp cũng là một rào cản đối với sự phát triển của doanh nghiệp. Có đến hơn 40% doanh nghiệp vẫn phải chi những khoản không chính thức khi đi làm thủ tục hành chính. Trong bối cảnh đó, đòi hỏi các bộ, ngành, địa phương thực hiện các giải pháp phù hợp để hỗ trợ doanh nghiệp.

Tiến sỹ Nguyễn Minh Phong cho rằng: "Các bộ, ngành, cơ quan chức năng cần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và xây dựng được chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thật cụ thể. Bên cạnh đó, chất lượng, năng lực, hiệu quả quản lý Nhà nước cũng phải được nâng lên, thông qua hệ thống pháp luật, thông qua đội ngũ cán bộ, thông qua cơ chế thanh tra, kiểm tra và cả công cuộc phòng chống tham nhũng. Việc thông tin, tuyên truyền, tạo sự đồng thuận và thực hiện các biện pháp khác, kể cả việc an sinh xã hội cũng rất cần thiết."

Khả năng tiếp cận các gói hỗ trợ về tài chính của doanh nghiệp hiện nay vẫn chịu sự ảnh hưởng của một số yếu tố, như: thủ tục pháp lý, yêu cầu về đối tượng được vay… Việc nhiều doanh nghiệp chưa tiếp cận được các gói hỗ trợ của Chính phủ cho thấy các bộ, ngành, địa phương cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa và cần có những cơ chế thông thoáng hơn cho doanh nghiệp.

Ngày 4/7, tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương, Chính phủ chỉ đạo cần tập trung tháo gỡ khó khăn, khắc phục ngay tình trạng sản xuất kinh doanh trì trệ, khôi phục và tìm kiếm thị trường, đơn hàng mới; yêu cầu từng bộ, ngành, địa phương phải chủ động rà soát, có biện pháp, hành động cụ thể để hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư một cách kịp thời, thiết thực, hiệu quả.

Ông Nguyễn Việt Long, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần tư vấn EY Việt Nam, nhận định: "Việc ứng dụng công nghệ số, cái gì là chuẩn, cái gì là hữu ích cho doanh nghiệp thì họ cần hỗ trợ. Vấn đề thứ 2, là vấn đề muôn thuở của doanh nghiệp vừa và nhỏ, là tiếp cận tài chính. Tôi nhìn thấy có 2 khó khăn đó nhưng đồng thời cũng có nhiều giải pháp cho doanh nghiệp để xử lý các vấn đề đó. Quan trọng là phải biết tìm hướng đi cho mình."

Dù còn những hạn chế nhất định, nhưng cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ trong các chính sách hỗ trợ đã ban hành. Qua nhiều lần sửa đổi và bổ sung, các chính sách dần hoàn thiện, phù hợp và kịp thời hơn trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Trong bối cảnh kinh tế thế giới đầy biến động, nhiều tổ chức quốc tế vẫn đánh giá cao khả năng phục hồi và tăng trưởng của Việt Nam. Với những chính sách hỗ trợ của Chính phủ và nỗ lực của doanh nghiệp, nền kinh tế đất nước chắc chắn sẽ phục hồi và phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu