Tiếp tục giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) từ 10% xuống còn 8% là một nội dung được các đại biểu Quốc hội quan tâm cho ý kiến tại trong nửa đầu kỳ họp Quốc hội đang diễn ra. Đánh giá chung của các đại biểu, đây là giải pháp cần thiết, góp phần giảm giá thành sản phẩm, kích cầu tiêu dùng, kích thích sản xuất, tạo việc làm cho người lao động, từ đó giúp phục hồi kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội.
Dư luận đánh giá việc giảm thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống còn 8% sẽ thúc đẩy tiêu dùng thị trường trong nước với quy mô 100 triệu dân, tạo cú hích cho doanh nghiệp phục hồi, lấy lại đà sản xuất trong năm 2023 và những năm tiếp theo. Đây là giải pháp tạo và nuôi dưỡng nguồn thu bền vững cho ngân sách nhà nước.
Thạc sĩ Vũ Xuân Trường, Giảng viên, chuyên gia thương hiệu, Khoa Marketing, Đại học Thương mại, nhận định: “Giảm thuế VAT còn 8% sẽ thúc đẩy động lực sản xuất cho những doanh nghiệp, đấy là một yếu tố từ phía nguồn cung. Yếu tố thứ hai thì rõ ràng là khi mà giá giảm đi thì người tiêu dùng sẽ có động lực tốt hơn. Người tiêu dùng có mong muốn sử dụng nhiều sản phẩm, từ đó thì sản phẩm cung ứng ra thị trường, của doanh nghiệp, của các tổ chức sẽ có giá hợp lý, phù hợp với túi tiền người tiêu dùng. Đặc biệt đây là một chủ trương phù hợp với bối cảnh sau đại dịch, người tiêu dùng phải thắt chặt chi tiêu và chú ý lựa chọn những sản phẩm hợp với túi tiền”.
Nhiều ý kiến cho rằng giảm 2% thuế GTGT sẽ có tác động rộng rãi đến tất cả các lĩnh vực, tác động tích cực đến người tiêu dùng, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh... Tuy nhiên, vấn đề là làm sao chính sách này được triển khai hiệu quả nhất. Nếu được thông qua, giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) từ 10% xuống còn 8%, người tiêu dùng sẽ là đối tượng được hưởng lợi trực tiếp của chính sách này.