Hợp lực để tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế

Hồng Vân
Chia sẻ
(VOV5) - Báo cáo thẩm tra do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội công bố hôm đầu tuần (22/5) cho biết kinh tế Việt Nam có dấu hiệu tăng trưởng chậm từ cuối năm ngoái.

Quý I năm nay, GDP của Việt Nam đạt mức tăng trưởng 3,32%, dù thấp so với cùng kỳ nhiều năm, nhưng trong bối cảnh khó khăn rất lớn của kinh tế thế giới, kết quả này là khá tốt. Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều đại biểu Quốc hội, những thách thức đối với kinh tế Việt Nam vẫn đang ở phía trước, đòi hỏi phải có những giải pháp đúng, trúng để tháo gỡ, từ đó Việt Nam mới có thể đạt mục tiêu tăng trưởng 6,5% của năm 2023 như đã đề ra.

Hợp lực để tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế - ảnh 1Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN

Báo cáo thẩm tra do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội công bố hôm đầu tuần (22/5) cho biết kinh tế Việt Nam có dấu hiệu tăng trưởng chậm từ cuối năm ngoái, kéo dài sang đầu năm nay, kết quả là tăng trưởng GDP quý I chỉ tăng 3,32%. Để đạt mục tiêu tăng trưởng 6,5% năm nay, bình quân mỗi quý còn lại trong năm phải tăng khoảng 7,5%.

Nhận diện những thách thức

Hợp lực để tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế - ảnh 2Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng. Ảnh: hanoimoi.com.vn

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, những thách thức lớn nhất của doanh nghiệp hiện tại là dòng tiền, thị trường, đơn hàng và khả năng hấp thụ vốn. Nguyên nhân do những khó khăn từ thị trường thế giới, từ năng lực cạnh tranh nội tại, như: năng suất lao động, khả năng chống chịu của nền kinh tế chưa thể cải thiện nhanh. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp lo ngại về tình hình thực hiện các thủ tục hành chính ở nhiều địa phương. Nếu không giải quyết nhanh vấn đề này thì hoạt động của doanh nghiệp sẽ bị tác động. Từ đó, sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế.

Về vốn đầu tư công, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 4 tháng qua mới đạt 15,6 % của năm, gây lãng phí nguồn lực cho phát triển. Đại biểu Hà Sỹ Đồng, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị, cho biết tồn dư ngân quỹ Nhà nước đang gửi ở hệ thống ngân hàng ở mức khá cao. Tính đến giữa tháng này đã vượt 1 triệu tỷ đồng (khoảng 42,5 tỷ USD). Đây là một nghịch lý, ảnh hưởng đến dòng tiền trong nền kinh tế. Cũng đề cập đến vấn đề này, đại biểu Trần Hoàng Ngân, đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh, cho rằng cỗ xe tam mã của tăng trưởng kinh tế Việt Nam là xuất khẩu, tiêu dùng và đầu tư. Trong đó, xuất khẩu và tiêu dùng đang gặp khó khăn vì suy giảm sức mua ở thị trường quốc tế và trong nước: "Chỉ còn yếu tố thứ ba là còn dư địa. Đó là đầu tư, trong đó có đầu tư công. Giải ngân năm ngoái khoảng 500.000 tỷ đồng (khoảng 21,2 tỷ USD) thì năm nay dự kiến là 700.000 tỷ đồng (khoảng 29,7 tỷ USD). Nỗ lực này là cần thiết để giải quyết vấn đề tăng trưởng. Cho nên đầu tư công phải là động lực chính ở thời điểm hiện tại".

Tháo gỡ những khó khăn

Để hoàn thành chỉ tiêu tăng trưởng GDP 6,5%, trong các quý còn lại của năm, mức tăng trưởng GDP bình quân phải đạt từ 7,5%. Đây là thách thức rất lớn trong điều hành, đòi hỏi Chính phủ cần phải có các giải pháp mạnh mẽ, tháo gỡ các nút thắt hiện nay đã được nhận diện.

Về đầu tư công, các bộ, ngành liên quan cần tổng hợp phương án cắt giảm vốn của các bộ, ngành có tỷ lệ giải ngân thấp để điều chuyển cho các dự án quan trọng cần đẩy nhanh tiến độ, có khả năng giải ngân nhanh. Cùng với đó, phải ứng dụng công nghệ thông tin trong việc xử lý thủ tục về đầu tư; hình thành cơ chế giám sát thực hiện giải ngân vốn đầu tư công để đẩy nhanh tiến độ...

Đối với việc tiếp cận nguồn vốn của doanh nghiệp, nhiều đại biểu đề nghị Chính phủ cần có thêm các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh. Ông Trần Anh Tuấn, đại biểu Quốc hội đoàn TP HCM, cho rằng: "Về đầu vào, phải có những chính sách hỗ trợ cho những doanh nghiệp sản xuất để xuất khẩu. Chính phủ nên tiếp tục có những giải pháp mạnh hơn. Ngoài các chi phí đầu vào được cắt giảm như thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng, kể cả những khoản thuế sử dụng tài nguyên đất … thì có thể xem xét miễn, giãn, giảm chi phí lãi vay; theo dõi thị trường thế giới; điều hành theo xu hướng cắt giảm lãi suất tín dụng cho vay để các doanh nghiệp có thể tiếp cận nguồn vốn dễ hơn".

Trong bối cảnh tình trạng thiếu hụt đơn hàng từ cuối năm ngoái vẫn đang tiếp diễn khiến nhiều doanh nghiệp thu hẹp quy mô sản xuất, đại biểu Hà Sỹ Đồng kiến nghị: "Thị trường xuất khẩu bị đứt gãy. Nhiều nhà sản xuất tồn đọng hàng hóa. Sản xuất doanh nghiệp gặp khó. Cho nên, cần phải rà soát, đánh giá đầy đủ, cụ thể hơn và phải đưa ra giải pháp thật căn cơ. trong đó giải pháp tín dụng là quan trọng nhất. Thứ hai là giải pháp kết nối lại các thị trường xuất khẩu để giải quyết công ăn việc làm. Thứ ba là rà soát lại các thể chế các cơ chế, chính sách đã ban hành nhưng chưa đi vào thực chất. Cần phân cấp, phân quyền mạnh hơn cho các địa phương, nhờ đó hy vọng kinh tế sẽ phục hồi".

Việt Nam đã đi được gần nửa chặng đường của năm nay. Mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5% như đã đề ra cho cả năm là thách thức lớn. Ngoài việc đã nhận định rõ những thách thức, đòi hỏi Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương nỗ lực triển khai đồng bộ các giải pháp để giúp Việt Nam tìm được cơ hội phát triển mới, động lực phấn đấu hoàn thành mục tiêu.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu