Sinh ra và lớn lên ở miền đất Văn Yên, tỉnh Yên Bái; thường ngày thấy gia đình và bà con trong bản đun nấu bằng bếp củi, nhiệt dùng thì ít mà nhiệt thừa thì nhiều, chàng thanh niên dân tộc Tày Nguyễn Văn Huỳnh đã quyết định tìm tòi, sáng chế ra Bếp đun củi nóng lạnh, hoạt động nhờ tận dụng nhiệt thừa. Sự quyết tâm và mạnh dạn này đã giúp anh khởi nghiệp thành công.
Anh Nguyễn Văn Huỳnh có niềm đam mê sáng chế từ thuở nhỏ. Ảnh: VOV |
Khởi nghiệp vào năm 2016, khi mới 23 tuổi, Nguyễn Văn Huỳnh bán chiếc xe máy dream được 2,5 triệu đồng, vay thêm tiền làm kinh phí. Chàng thanh niên tốt nghiệp ngành Công tác xã hội, Trường Cao đẳng Công nghệ và Thương mại Hà Nội (năm 2015), tận dụng phế liệu như vỏ tôn, ống nhựa, tuýp sắt, vòi nước…để nghiên cứu, chế tạo bếp đun bình nước nóng từ tận dụng nhiệt thừa trong quá trình đun nấu.
Sau thời gian miệt mài chế tạo, thử nghiệm, Huỳnh đã cho ra đời sản phẩm bếp đun củi nóng lạnh Huỳnh Phát. Bếp hoạt động theo nguyên lý giữ nhiệt tự nhiên, sử dụng thay cho kiềng 3 chân, kết nối hệ thống đường ống nối với bình bảo ôn chứa nước ở trên cao. Khi gia đình đun nấu, nhiệt năng được đẩy từ bếp và chuyền lên bình bảo ôn. Nhiệt năng này có thể làm nước nóng sau 5-7 phút và bình bảo ôn giữ nhiệt tới 48 giờ.
Anh Nguyễn Văn Huỳnh chia sẻ: "Việc tôi làm xuất phát từ nhu cầu của cá nhân và đặc thù của địa phương là bà con sử dụng nước nóng rất nhiều. Để có được nước nóng, bà con quan tâm đến chi phí đầu tư, chi phí vận hành. Từ đó, tôi có ý tưởng làm sản phẩm phù hợp với bà con, nhất là giảm được chi phí đầu tư và chi phí vận hành, rồi cho ra sản phẩm như hiện tại."
Anh Huỳnh say sưa giới thiệu cấu trúc của bếp do mình sáng chế. Ảnh: VOV |
Bếp đun củi nóng lạnh Huỳnh Phát là sản phẩm được sử dụng thay cho bình nóng lạnh điện, nóng lạnh gas, bình năng lượng mặt trời....Từ khi xuất hiện, nó đã được đánh giá cao bởi có thể tiết kiệm chất đốt, đun nấu lửa tập trung, không lo cháy nổ, điện giật. Nước thì nóng nhanh hơn so với đun trực tiếp trên bếp lửa…Ông Nguyễn Văn Đoan ở thôn Làng Cau, xã An Thịnh, huyện Văn Yên, cho biết: "Nhà tôi sử dụng bếp này 6 -7 năm nay rồi, bếp và bình cũng an toàn lắm. Tôi sử dụng bình 62 lít đủ cả nhà tắm. Nhà có công việc (có cỗ) thì cũng toàn xả nước này xuống dùng. Đun thì nó cũng rất tiết kiệm củi."
Cùng với bếp đun củi nóng lạnh, anh Huỳnh còn cho cho ra đời máy cấy không sử dụng đến động cơ máy nổ hay điện, giúp giảm chi phí sản xuất, giảm giá thành cho người dân. Máy hoạt động bằng sức người kéo, tuy nhiên gọn nhẹ nên lực ma sát kéo chỉ khoảng 3 kg đến gần 6 kg, tùy thuộc vào ruộng nhiều nước hay ít nước, hiệu quả gấp từ 8 - 12 lần so với cấy thủ công.
Từ những sản phẩm thô sơ ban đầu, đến nay, anh Huỳnh đã cho ra đời 5 loại bếp đun củi nóng lạnh, như: hệ thống nồi đun tắm lá thuốc; hệ thống nồi nóng lạnh xông hơi; nồi hơi nấu rượu…và 2 loại máy cấy lúa mang tên Huỳnh Phát.
Cùng với đó, anh cũng thành lập Hợp tác xã dịch vụ Nông nghiệp Huỳnh Phát do anh làm chủ. Hợp tác xã của anh thường xuyên tạo việc làm cho khoảng 25 lao động với thu nhập từ 6,5 đến khoảng 20 triệu/người/tháng, chưa kể hàng chục lao động thời vụ.
Về khối lượng sản phẩm, riêng đối với bếp đun củi nóng lạnh Hùng Phát, mỗi năm anh cho ra đời khoảng 2.400 chiếc; sau khi trừ chi phí, anh đã có thu nhập gần 2 tỷ đồng.
Hiện anh đã có 42 đại lý bán sản phẩm ở các tỉnh miền núi Phía Bắc; các đại lý này chủ yếu là do đoàn viên, thanh niên làm chủ. Anh Trần Trọng Luật, Bí thư Đoàn xã An Thịnh, huyện Văn Yên cho biết: "Nguyễn Văn Huỳnh là tấm gương điển hình của thanh niên xã An Thịnh nói riêng và của huyện Văn Yên nói chung về phát triển kinh tế của đoàn viên thanh niên. Ngoài lập thân, lập nghiệp của bản thân, anh Huỳnh đóng góp nhiều cho phong trào chung của xã, nhất là giải quyết việc làm của đoàn viên thanh niên. Đây là tấm gương điển hình để đoàn viên thanh niên học hỏi khởi nghiệp, lập thân, lập nghiệp."
Từ những thành công sau 8 năm khởi nghiệp, Nguyễn Văn Huỳnh chia sẻ sẽ tiếp tục theo đuổi đam mê và mang sản phẩm hữu ích phục vụ đời sống, nhất là bà con miền núi còn nhiều khó khăn: "Thời gian tới, tôi sẽ nâng cấp sản phẩm gồm nâng cấp về mẫu mã, kiểu dáng, chất lượng, sản lượng. Tập trung vào phát triển thị trường mới ở khu vực Tây Nguyên; khai thác, hỗ trợ, chăm sóc thị trường ở các đại lý cũ..."
Với sáng tạo góp phần cải thiện đời sống, phát triển kinh tế, Nguyễn Văn Huỳnh trở thành người trẻ nhất được vinh danh nhà khoa học của nhà nông 2022, do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức (tháng 12/2022).
Anh còn được các bộ, ngành trao tặng Huy chương “Nhà Sáng Tạo Trẻ”; gương mặt thanh, thiếu niên tiêu biểu của tỉnh Yên Bái năm 2016; Bằng khen “Festival sáng tạo trẻ toàn Quốc”…Đây là động lực để anh tiếp tục sáng tạo, sáng chế giúp ích cho cuộc sống cộng đồng.