Với ý tưởng lấy ngắn nuôi dài, tạo ra vòng tuần hoàn trong chuỗi nuôi trồng, mô hình chăn nuôi và canh tác tổng hợp của vợ chồng chị Bùi Thị Lý và anh Nguyễn Văn Vương (xã Tiền Phong, huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng), đã thành công khi tạo ra những sản phẩm nông sản chất lượng cao, giá thành hợp lý. Đây cũng là kết quả của tinh thần dám nghĩ, dám làm của những người trẻ khi quyết định khởi nghiệp và làm giàu trên ruộng đất quê hương.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Trang trại chăn nuôi canh tác tổng hợp của vợ chồng anh Nguyễn Văn Vương và chị Bùi Thị Lý rộng 7.000m2 ở thôn An Lạc 2, xã Tiền Phong, huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng có cái tên khá ấn tượng là “Vạn thú gia trang”. Đây là mô hình kết hợp nhiều loại cây trồng, vật nuôi nhưng luôn tuân thủ nguyên tắc: khép kín chuỗi thức ăn nuôi trồng, giảm tối đa chi phí đầu vào và không sử dụng thuốc kháng sinh hay phân bón công nghiệp để tạo ra sản phẩm sạch, an toàn.
Anh Nguyễn Văn Vương cho biết: "Trung bình mỗi năm, trang trại xuất bán ra thị trường khoảng 2,5 tấn gà, 4 tấn cá cùng nhiều mặt hàng nông sản khác..., mang lại thu nhập khoảng 500 triệu đồng sau khi trừ chi phí. Giai đoạn khó khăn nhất chính là giai đoạn mới xây dựng trang trại. Kinh phí còn hạn hẹp, mình phải đầu tư rất nhiều, rất khó khăn. Ngày xưa ở đây là ruộng, người ta cấy nhưng không hiệu quả, trồng cây thì chuột phá hoại, năng suất thấp nên chính quyền địa phương mới có kế hoạch dồn điền đổi thửa, khuyến khích các hộ dân ra làm trang trại. Mình phải múc ao, lấp gần 5.000 m2 mặt bằng. Vốn 2 vợ chồng bỏ ra ban đầu là 400 triệu. Đến thời điểm bây giờ, kinh phí bỏ ra cho trang trại này là 2 tỷ đồng".
Trại thỏ của gia đình chị Bùi Thị Lý rộng 500m2; phía trên hiện nuôi khoảng 1.000 con thỏ, phía dưới nuôi trùn quế - Ảnh: VOV |
Khu vực chăn nuôi của trang trại hiện nay rộng 500m2 được chia thành 2 tầng, tầng trên là nơi nuôi dế mèn và tầng dưới hiện nuôi khoảng 1.000 con thỏ. Trung bình mỗi tháng, trang trại của gia đình anh Nguyễn Văn Vương xuất bán 7-8 tạ thỏ thịt, không đủ đáp ứng nhu cầu thị trường. Phía dưới chuồng thỏ là khu vực nuôi trùn quế để xử lý chất thải của thỏ và nguồn rác thải hữu cơ...,rồi trùn quế lại được khai thác để làm thức ăn cho cá, nuôi gà và xử lý làm phân bón cho các loại rau và cây trồng trong trang trại.
Ít ai biết rằng, trước khi trở thành “ông bà chủ” của trang trại, anh Nguyễn Văn Vương là thủy thủ tàu viễn dương, còn chị Bùi Thị Lý từng học sư phạm. Năm 2017, khi đấy anh Vương 34 tuổi và chị Lý 28 tuổi, trở về quê lập nghiệp, phát triển kinh tế từ đồng đất quê hương là quyết định khá bất ngờ của hai vợ chồng.
Để có được thành công như hôm nay, anh Vương và chị Lý đã trải qua nhiều bước thử nghiệm cùng những đêm thức trắng nghiên cứu tài liệu hay khăn gói đi học tập những mô hình trang trại ở nhiều nơi. Ban đầu, cùng với nuôi dế mèn, anh chị nuôi chim bồ câu Pháp nhưng nguồn thức ăn chăn nuôi phải mua hoàn toàn nên giá thành sản phẩm cao. Anh chị bàn bạc và chọn phương án kết hợp các loại vật nuôi để có thể tận dụng những nguyên liệu có sẵn tại địa phương... Thời gian đó, xã Tiền Phong có chính sách dồn điền đổi thửa nên anh chị quyết định xây dựng trang trại, chăn nuôi quay vòng khép kín... Chị Bùi Thị Lý kể: "Lúc mới đầu cũng có rất nhiều khó khăn, vì mình chưa quen với việc lao động chân tay, cũng chưa có kinh nghiệm chăn nuôi. Sau đó, mình vừa làm, vừa học hỏi, nghiên cứu thêm. Tôi cũng đi tham quan và học hỏi ở những người chăn nuôi trước ở Thái Bình, Hải Dương..., tìm hiểu thêm trên mạng internet. Dần dần, mình tự rút ra kinh nghiệm của bản thân và áp dụng vào mô hình hiện tại của trang trại".
Trùn quế được chị Lý tận dụng để nuôi gà, nuôi cá và xử lý làm phân trùn quế bón cây - Ảnh: VOV |
“Vạn thú gia trang” đang từng bước được áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý, sản xuất với hệ thống làm mát và đang thiết kế, lắp đặt hệ thống tự động điều khiển nhiệt độ chuồng nuôi để bảo đảm hiệu quả cao nhất. Thời gian tới, anh Vương và chị Lý sẽ mở rộng quy mô theo mô hình trang trại sân vườn; xây dựng các khu nuôi lươn và cua đồng để tận dụng nguồn thức ăn từ trùn quế và trồng thêm các loại cây dược liệu.
Ông Vũ Văn Thụ, Chủ tịch UBND xã Tiền Phong cho biết: "Từ mô hình của gia đình cô Bùi Thị Lý, từ năm 2019 đến nay, ở xã đã có 4 đoàn viên khởi nghiệp. Nhiều thanh niên đang đi làm công nhân trong các doanh nghiệp, công ty đã mạnh dạn trở về, khởi nghiệp tại địa phương. Những mô hình, cách suy nghĩ mới, cách làm mới trong nông nghiệp đã được lan tỏa, giúp nâng cao thu nhập của người dân địa phương, góp phần giúp xã Tiền Phong xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu và thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội địa phương".
Mô hình chăn nuôi tuần hoàn và tinh thần khởi nghiệp, dám nghĩ, dám làm của anh Nguyễn Văn Vương và chị Bùi Thị Lý đã nhận được sự động viên, nhiều giấy khen, bằng khen của huyện Vĩnh Bảo và Thành đoàn Hải Phòng. Mô hình cũng được trao giải thưởng và được bầu chọn là Dự án triển vọng trong cuộc thi “Ươm mầm Khởi nghiệp Hải Phòng” năm 2021.