Vĩnh Phúc hiện có 19 làng nghề truyền thống với 235 hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Tỉnh cũng có một số vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung quy mô lớn, phát triển khá toàn diện. Đây là tiềm năng sẵn có để các tổ chức, cá nhân tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo ra những sản phẩm giá trị, có sức cạnh tranh trên thị trường.
Sản xuất nấm tại Công ty TNHH nấm Phùng Gia. Ảnh: VOV |
Nghe âm thanh tại đây:
Năm 2017, sau khi kết thúc hợp đồng lao động tại Hàn Quốc, ba anh em họ Phùng ở huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc, quyết định lập công ty trồng nấm theo mô hình nông nghiệp hiện đại. Ban đầu mới thành lập, Công ty TNHH nấm Phùng Gia của họ, cũng như nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp khác, gặp không ít khó khăn. Nhưng đến nay, sau gần 6 năm hoạt động, công ty đã cho thu hoạch trên 2 tấn nấm/ ngày, doanh thu được trên 60 tỷ đồng/ năm (2,6 triệu USD). Anh Phùng Đức Cường, Phó Giám đốc Công ty TNHH nấm Phùng Gia, cho biết: Sản phẩm nấm của công ty được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap. Hiện, nấm của công ty đạt chứng chỉ OCOP 4 sao nên dễ dàng quảng bá thương hiệu sản phẩm, phát triển thị trường: “Khi tham gia vào Chương trình OCOP, công ty cũng phấn đấu đạt các chỉ tiêu đề ra. Chúng tôi mong muốn được hỗ trợ về vốn, thủ tục giấy tờ để mở rộng quy mô sản xuất”.
Là một trong những đơn vị sớm tham gia Chương trình OCOP, Công ty cổ phần ong Tam Đảo trụ sở tại xã Đạo Đức, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc hiện có 13 sản phẩm được chứng nhận sản phẩm OCOP đạt chất lượng 4 sao, sản xuất trên dây chuyền đạt chứng chỉ GMP thực phẩm (Chứng chỉ thực hành sản xuất tốt). Mỗi năm, đơn vị tiêu thụ tại thị trường nội địa khoảng 160 tấn và xuất khẩu khoảng 600 tấn mật ong. Theo ông Trần Văn Tuy, Giám đốc điều hành Công ty cổ phần ong Tam Đảo, chương trình OCOP mang lại những giá trị tích cực, nâng tầm thương hiệu sản phẩm công ty: “Hiệu quả mang lại rõ rệt nhất 2 năm trở lại đây là người tiêu dùng biết đến sản phẩm trong chương trình OCOP và niềm tin vào sản phẩm chất lượng 4 sao rất là cao. Doanh nghiệp tham gia vào các chuỗi siêu thị cũng có lợi thế”.
Những sản phầm hàng hóa làm từ mật ong. Ảnh: VOV |
Khi chưa có Chương trình OCOP, những sản phẩm nông nghiệp ở tỉnh Vĩnh Phúc mang tính nhỏ lẻ, manh mún, chưa được nhiều người biết đến. Đến nay, sau 4 năm thực hiện Chương trình, toàn tỉnh Vĩnh Phúc có 105 sản phẩm nông nghiệp đạt chứng nhận OCOP, trong đó có 26 sản phẩm đạt OCOP 4 sao (hạng cao nhất) và 79 sản phẩm đạt OCOP 3 sao. Nhiều sản phẩm ngày càng được cải thiện về chất lượng, mẫu mã, bao bì, được người tiêu dùng tin tưởng lựa chọn, như: Trà hoa vàng Tam Đảo, đông trùng hạ thảo, thanh long đỏ Lập Thạch, Mật ong Tam Đảo...
Bên cạnh những kết quả đạt được, trong thực tế triển khai Chương trình OCOP ở Vĩnh Phúc vẫn đang còn một số tồn tại, hạn chế. Đáng chú ý là cơ chế, chính sách hỗ trợ cho Chương trình OCOP lồng ghép với nhiều chính sách khác, tuy khá đầy đủ, nhưng thiếu đồng bộ, dẫn đến sự lúng túng và khó khăn trong triển khai thực hiện. Công tác xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc vẫn chưa được quan tâm, không có chiến lược, định hướng cụ thể, nên chưa tạo được thương hiệu và đầu ra ổn định cho các sản phẩm. Ông Phùng Xuân Tiến, Phó Chánh Văn phòng điều phối xây dựng Nông thôn mới tỉnh Vĩnh Phúc, cho rằng: Xây dựng giá trị sản phẩm nông nghiệp đạt tiêu chuẩn OCOP và duy trì, giữ chất lượng các sản phẩm đạt chứng chỉ đang được các cấp, các ngành rất quan tâm: “Văn phòng cũng đã có kế hoạch phối hợp với sở ngành liên quan đi kiểm tra sử dụng tem nhãn sản phẩm, thậm chí sẽ đi kiểm tra ngẫu nhiên các sản phẩm đạt chứng nhận OCOP xem có đảm bảo hay không, nếu không sẽ có biện pháp xử lý đề xuất thu hồi lại sản phẩm”.
Chương trình mỗi xã một sản phẩm nhằm phát triển kinh tế khu vực nông thôn thúc đẩy, phát triển các sản phẩm nông nghiệp từ nguồn lực của địa phương. Đây đang là hướng đi của tỉnh Vĩnh Phúc trong giai đoạn phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững.