Bà Rịa – Vũng Tàu chuyển đổi số để nâng cao hiệu quả quản lý tài nguyên – môi trường

Lưu Sơn
Chia sẻ
(VOV5) - Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực tài nguyên – môi trường.

Hiện nhiều giải pháp chuyển đổi số của ngành Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã đưa vào ứng dụng thực tiễn, không chỉ giúp cơ quan chức năng thuận tiện trong việc quản lý mà còn tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận các vấn đề liên quan đến lĩnh vực Tài nguyên – Môi trường. Thành công đầu tiên là từ tháng 6 năm 2021, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã cho ra mắt ứng dụng Sổ tay Quản lý đất đai trên thiết bị di động (App) với tên gọi iLand.

Bà Rịa – Vũng Tàu chuyển đổi số để nâng cao hiệu quả quản lý tài nguyên – môi trường - ảnh 1Sau khi cài đặt ứng dựng iLand người dân dễ dàng cập nhật quy hoạch, thông tin đất đai tại nơi cư trú. Ảnh: Lưu Sơn 

Nghe âm thanh tại đây:

 Mang đến lợi ích cho dân

Người sử dụng chỉ cần vào kho ứng dụng App Store hoặc Google Play, tìm kiếm theo từ khóa iLand rồi chọn ứng dụng này cài đặt một cách dễ dàng. Ứng dụng chia thành 4 hình thức sử dụng liên quan đến tài khoản đăng nhập.

Ngoài ứng dụng Sổ tay quản lý đất đai, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu còn đưa vào ứng dụng tra cứu thông tin quy hoạch, quản lý đất công, ứng dụng tra cứu giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được người dân, doanh nghiệp đánh giá cao vì hạn chế các thủ tục hành chính, giảm thời gian đi lại và giúp cơ quan chức năng quản lý tốt hơn lĩnh vực phụ trách.

Bà Rịa – Vũng Tàu chuyển đổi số để nâng cao hiệu quả quản lý tài nguyên – môi trường - ảnh 2Nhân viên ngành tài nguyên môi trường hướng dẫn người dân cài đặt sổ tay quản lý đất đai trên điện thoại thông minh. Ảnh: Lưu Sơn

Ông Đỗ Quang Khuê, khu phố 5, phường Phước Hiệp, Thành phố Bà Rịa cho biết, trước đây mỗi lần muốn xem thông tin về một thửa đất, ông thường phải nhờ người quen xem quy hoạch, vừa mất thời gian vừa phiền hà. Sau khi cài đặt ứng dụng “Sổ tay quản lý đất đai” trên điện thoại thông minh, ông Khuê dễ dàng tra cứu được các thông tin: diện tích, loại đất, quy hoạch toàn vùng: “Người dân chúng tôi từ trước đến nay không hiểu gì về vấn đề đất đai cả, sau khi tải app “Sổ tay quản lý đất đai” thì chúng tôi biết được tình trạng đất đai của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, trong đó cung cấp thông tin, dữ liệu về đất đai, quy hoạch rất là tiện lợi. Người dân chúng tôi mong muốn Sở Tài nguyên- Môi trường đưa toàn bộ thông tin về đất đai, tài nguyên môi trường trong app này để chúng tôi tìm hiểu”.

Còn bà Trần Thị Kim Nga, Tổ trưởng tổ 8, khu phố 6, phường Phước Hiệp, Thành phố Bà Rịa chia sẻ, ngoài thông tin quy hoạch về đất đai về, giá đất, những khu đất sẽ được đấu giá… ứng dụng “Sổ tay quản lý đất đai” của ngành tài nguyên và môi trường còn tích hợp việc phản ánh của người dân về tình trạng môi trường, sử dụng đất không đúng mục đích, lấn chiếm đất công… việc này giúp chính quyền tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và ngành tài nguyên có thể cập nhật và xử lý kịp thời: “Ứng dụng này rất là hay, nhiều khi ở khu phố có phản ánh thì ý kiến trực tiếp đến UBND Thành phố hay tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu luôn mà không phản ánh ở phường nữa. Khi mình phản ánh lên phường thì cũng qua Thành phố, lên tỉnh để giải quyết. Trong app này có số điện thoại phản ánh thì mình trực tiếp gọi điện luôn”.

Quản lý tài nguyên trên không gian số

Những năm gần đây, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu luôn chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực Tài nguyên và Môi trường. Ngay từ đầu năm, Sở đã tập trung giải quyết hồ sơ đúng hạn, hạn chế tối đa tình trạng hồ sơ quá hạn, đặc biệt là tình trạng “ngâm” hồ sơ thông qua việc thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông.

Bà Rịa – Vũng Tàu chuyển đổi số để nâng cao hiệu quả quản lý tài nguyên – môi trường - ảnh 3Ngành Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thí điểm cấp giấy Chứng nhận Quyền sử dụng đất không biên giới. Ảnh: Lưu Sơn

Nhờ đó, đến nay chỉ số tiếp cận đất đai của Bà Rịa-Vũng Tàu tăng từ 6,85 điểm năm (năm 2020) lên 7,01 điểm (năm 2021). Đây là mức cao nhất trong vòng 6 năm qua, giúp tỉnh vươn lên vị trí thứ 2 trong khu vực Đông Nam bộ, chỉ sau Bình Dương (thứ 6) và vượt qua Thành phố Hồ Chí Minh (thứ 14).

Ông Lê Anh Tú, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, cho biết, có được kết quả trên là nhờ thời gian qua Sở Tài nguyên và Môi trường đã triển khai thực hiện có hiệu quả phương châm “4 không, 1 có”: làm việc không giấy; hội họp không tập trung; dịch vụ công không gặp mặt; thanh toán không dùng tiền mặt và có số hóa thông tin, dữ liệu.

Sở đã xây dựng cơ sở dữ liệu Tài nguyên - Môi trường; duy trì hoạt động hệ thống thông tin, dữ liệu của ngành. Đồng thời, điều tra, thu thập, cập nhật dữ liệu tài nguyên và môi trường; nâng cấp phần mềm ViLIS phục vụ công tác xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai; vận hành phần mềm quản lý đất công trên địa bàn tỉnh. Ông Lê Anh Tú cho biết: “Trong giai đoạn tới Sở sẽ tiếp tục thực hiện thêm 7/13 cơ sở dữ liệu bao gồm: dữ liệu khí hậu, thuỷ văn, cơ sở dữ liệu quản lý các văn bản vi phạm pháp luật. Sở sẽ thực hiện kết nối, chia sẻ dữ liệu, thông tin của ngành Tài nguyên và Môi trường với các ngành khác cũng như xây dựng trợ lý ảo của ngành Tài nguyên và Môi trường để phục vụ công tác chỉ đạo điều hành của tỉnh”.

Trung tâm Công nghệ thông tin (Sở Tài nguyên và Môi trường), đã triển khai thí điểm một số thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền sử dụng đất “không biên giới” tại thành phố Bà Rịa, huyện Long Điền. Nhờ vậy công tác cải cách hành chính của Sở Tài nguyên và Môi trường thời gian qua đã có chuyển biển tích cực, đặc biệt là trong lĩnh vực đất đai.

Ông Phạm Huỳnh Quang Hiếu, Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin, cho biết, Sở đã triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến ở các mức độ 3, mức độ 4 với 107/116 tổng số dịch vụ công (chiếm 92%) trên cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh. Tổ chức xây dựng cơ sở dữ liệu cho 7.571 khu đất với tổng diện tích hơn 11.000 ha và thực hiện công bố dữ liệu đến công dân và doanh nghiệp: “Chúng tôi hướng đến là người dân thực hiện thủ tục hành chính thì chỉ cần kê khai thông tin, tất cả dữ liệu của cơ quan nhà nước đã xây dựng thì không cần phải cung cấp lại. Dự kiến đến cuối năm 2023 chúng tôi sẽ hoàn thành kết nối dữ liệu với hệ thống giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh. Tổng thể về mặt hạ tầng CNTT đến nay chúng tôi đã tham mưu tương đối hoàn thiện”.

Ngành Tài nguyên – Môi trường được chọn là một trong những lĩnh vực đầu tiên phải có trong mắt xích của “đô thị thông minh, chính quyền điện tử” của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Vì vậy, thời gian tới, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh sẽ đẩy mạnh phương thức tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích và môi trường mạng mức độ 3, 4; triển khai thanh toán phí, lệ phí và các chi phí khác để người dân, doanh nghiệp thanh toán không dùng tiền mặt bằng nhiều phương tiện khác nhau. Đồng thời, xây dựng bổ sung các cơ sở dữ liệu thành phần của ngành Tài nguyên và Môi trường để chia sẻ thông tin, dữ liệu cho các cơ quan chức năng và kết nối dữ liệu với Trung tâm điều hành giám sát thông minh của tỉnh.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu