Khơi thông những lĩnh vực tiềm năng, tạo động lực cho phát triển kinh tế đất nước

Thu Hoa
Chia sẻ
(VOV5) - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành chủ trương lớn, đúng đắn của Đảng để khơi thông những lĩnh vực còn nhiều tiềm năng, tạo động lực cho phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.

Tại Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XIII diễn ra tháng 6/2022, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành một số Nghị quyết quan trọng, trong đó có 3 nghị quyết liên quan trực tiếp đến người dân, được dư luận đánh giá cao. Đây là những chủ trương lớn, đúng đắn của Đảng để khơi thông những lĩnh vực còn nhiều tiềm năng, tạo động lực cho phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.

Đó là Nghị quyết số 18-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa Việt Nam trở thành nước phát triển có thu nhập cao. Nghị quyết 19-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nghị quyết số 20-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới.

Khơi thông những lĩnh vực tiềm năng, tạo động lực cho phát triển kinh tế đất nước - ảnh 1Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII. Ảnh: Trọng Phú/ VOV

Tạo sức bật từ nguồn lực đất đai

Nghị quyết số 18-NQ/TW về "Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa Việt Nam trở thành nước phát triển có thu nhập cao" là nghị quyết nhận được sự quan tâm đặc biệt của mọi tầng lớp nhân dân. Nghị quyết được xây dựng trên cơ sở tổng kết gần 10 năm thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW năm 2012 đặt ra nhiều vấn đề mới, chặt chẽ và quyết liệt hơn. Trong đó đặt ra mục tiêu năm 2023 phải hoàn thành sửa đổi Luật Đất đai 2013 và các luật liên quan, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất. Đến năm 2025 phải hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu số và hệ thống thông tin quốc gia về đất đai tập trung, thống nhất, đồng bộ, đa mục tiêu và kết nối liên thông.

Nghị quyết 18 với những chủ trương lớn về đất đai như hoàn thành sửa đổi Luật Đất đai năm 2013 và các luật khác có liên quan.... được đánh giá đảm bảo cho công tác quản lý đất đai được chặt chẽ, hiệu quả, phát huy nguồn lực to lớn từ nguồn tài nguyên quý giá thuộc sở hữu toàn dân này.

Một số vấn đề vướng mắc khác mà Nghị quyết 19 chưa đưa ra giải pháp hiệu quả thì Nghị quyết 18 đã bám rất sát vào thực tế để định hướng. Đặc biệt, việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, Nghị quyết 18 đã đưa ra yêu cầu rất cụ thể, đi thẳng vào những vấn đề nóng hiện nay, tạo sức bật cho nguồn lực đất đai để đất nước phát triển. Bà Bùi Thị An, Viện trưởng Viện tài nguyên, môi trường và Phát triển cộng đồng, nhận định:

"Nghị quyết 18 ban hành lúc này rất đúng lúc, nhằm khai thác tài nguyên đất đai, thu thêm cho ngân sách, thông qua vấn đề thuế, giao đất, giao dịch đất đai của thị trường làm hợp lý hơn, công bằng hơn. Tôi cho rằng nếu chúng ta thực hiện nghiêm túc Nghị quyết 18 này, sẽ sử lý được một loạt những vấn đề đất đai và những tồn đọng vừa qua".

Phát huy sức mạnh kinh tế nông nghiệp và kinh tế tập thể

Khơi thông những lĩnh vực tiềm năng, tạo động lực cho phát triển kinh tế đất nước - ảnh 2

Một góc thành phố Đà Nẵng. Ảnh minh họa: VOV

Các địa phương và nhất là người nông dân cũng đặc biệt quan tâm tới nghị quyết 19 về "Nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Đây không chỉ là sự phát triển nối dài của Nghị quyết số 26 của Trung ương khóa 10 năm 2008 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn mà còn có những sự phát triển mới, những mục tiêu mới, rõ nét hơn. Ông Nguyễn Trí Ngọc, Phó chủ tịch Tổng Hội Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam chia sẻ, Nghị quyết 19 mới ra đời tạo động lực mạnh mẽ cho khu vực nông nghiệp, nông thôn, tạo điều kiện phát triển hài hoà giữa nông thôn và thành thị, giữa các vùng, miền, địa phương theo hướng “nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”: "Nghị quyết mới thể hiện được quyết tâm của cả hệ thống chính trị đối với vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Để Nghị quyết khả thi, chúng tôi nghĩ rằng phải có những giải pháp đột phá. Riêng về lĩnh vực nông nghiệp nói chung, lĩnh vực trồng trọt nói riêng chúng tôi thấy phải có đột phá về hoàn chỉnh Luật đất đai vì thể chế về đất đai có ý nghĩa quyết định đối với vấn đề phát triển nông nghiệp, đặc biệt là phát triển nông nghiệp hàng hóa khi chúng ta thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp".

Trong khi đó, Nghị quyết 20 về "Tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới" đã xác định rõ các mục tiêu và hệ thống nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu để phát triển kinh tế tập thể trong giai đoạn tới. Đặc biệt là bổ sung, hoàn thiện luật pháp, cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, các tổ chức kinh tế hợp tác. Nghị quyết nhấn mạnh quan điểm, kinh tế tập thể là thành phần kinh tế quan trọng, phải được củng cố và phát triển cùng kinh tế nhà nước trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân. Phát triển kinh tế tập thể là xu thế tất yếu trong bối cảnh hội nhập quốc tế, phù hợp với kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. 

Các nghị quyết mà Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII vừa ban hành đã và đang được các tầng lớp nhân dân đồng tình và đây là những chủ trương được trông đợi sẽ tạo sức bật cho nền kinh tế đất nước trong giai đoạn tới.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu