Trong 18 năm nay, Hội bảo trợ trẻ em nhiễm chất độc da cam điôxin tại Pháp (VNED) gồm những người Pháp yêu mến Việt Nam luôn đồng hành với nhiều cảnh đời bất hạnh ở Việt Nam. Bằng sự trợ giúp thiết thực, hiệu quả, những gia đình nạn nhân da cam Việt Nam đang được tiếp thêm niềm tin để vượt qua nỗi đau bệnh tật, vươn lên trong cuộc sống. Bà Tạ Thị Thịnh, đại diện của Hội VNED tại Việt Nam trả lời phỏng vấn về tình cảm mà những người bạn Pháp dành cho Việt Nam.
Cô Tạ Thị Thịnh, đại diện của VNed ở Việt Nam gắn bó với công việc thiện nguyện của Hội từ hơn chục năm nay |
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
PV: Xin chào bà Tạ Thị Thịnh, được biết, Hội bảo trợ trẻ em Việt Nam bị nhiễm chất độc da cam tại Pháp là một tổ chức nhân đạo hoạt động lâu năm và hiệu quả tại Việt Nam. Xin bà cho biết thêm về Hội của những người Pháp yêu quý Việt Nam này?.
Đây là một hội nhân đạo với thành viên là những người Pháp yêu quý Việt Nam thật sự. Đó là những người bình thường nhưchúng ta ở tất cả các nước nhưng vì tình yêu Việt Nam mà muốn giúp đỡ những hoàn cảnh khốn khó.VNED có hàng trăm thành viên ở đủ mọi thành phần: người về hưu, bác sĩ, giáo viên, công nhân, kỹ sư, nội trợ, bác sĩ, cha đạo, những người làm tôn giáo...Phần lớn đều hiểu về lịch sử, về văn hóa Việt Nam, quan tâm tới hoàn cảnh của Việt Nam đặc biệt sau những cuộc chiến tranh. Rất nhiều trong đó chưa từng đến Việt Nam nhưng qua báo đài, TV mà yêu mến đất nước con người Việt Nam. Hội bảo trợ trẻ em Việt Nam nhiễm chất độc da cam dioxin tại Pháp được thành lập sau chuyến thăm Pháp của bà Nguyễn Thị Bình năm 2001, khi đó là Phó Chủ tịch nước. Đối tượng trợ giúp chủ yếu là những em từ 17 tuổi trở xuống ở những gia đình nghèo của các cựu chiến binh nhiễm chất độc da cam trong chiến tranh.
Bà Tạ Thị Thịnh cùng với ông Patrice Lerch và đại diện chính quyền địa phương trao quà cho các gia đình ở Hà Nam ngày 18/3/2018 |
PV: Hội đang trợ giúp hàng trăm gia đình nạn nhân da cam tai Việt Nam thông qua những hình thức nào, thưa bà?
Thông thường Hội giúp đỡ các gia đình chất độc da cam dưới 3 hình thức. Thứ nhất là thông qua đỡ đầu kể cả với những cháu không đi học. Theo định kỳ 2 lần một năm, Hội cung cấp tiền cho mỗi gia đình hơn 5 triệu đồng một năm và một số khoản phụ đặc biệt khác. Hình thức thứ 2 là trao học bổng cho những cháu đang đi học mỗi suất 3 triệu một kỳ. Hình thức thứ ba là cho vay vốn không lãi để phát triển kinh tế hộ gia đình quy mô nhỏ, trong 3 năm với khoản vay là 10 triệu. Sư trợ giúp đó với mỗi gia đình tuy chưa lớn nhưng lâu dài bền vững để qua đó, các gia đình nghèo cải thiện, ổn định cuộc sống. Ngoài ra, các cháu còn được hưởng thêm quyền lợi về y tế khi ốm đau. Hội tài trợ cho việc thăm khám, chữa bệnh, phẫu thuât cùng những tốn kém về chi phí thuốc men, chăm sóc khác. Toàn bộ số tiền đó được chuyển tận tay và rất kịp thời.
PV: Hội bảo trợ trẻ em nhiễm điôxin tại Pháp hợp tác như thế với các hội ở Việt Nam trong các hoạt động nhân đạo này và xin bà cho biết về công việc của đại diện VNed tại Việt Nam.?
Hội bảo trợ trẻ em Việt Nam nhiễm dioxin chính là bên Pháp và có đại diện tại Việt Nam ở khắp 3 miền Bắc Trung Nam. Tất nhiên hoạt động của VNed thông qua ba tổ chức nhân đạo lớn của Việt Nam. Đó là Hội Chữ thập đỏ, Quỹ bảo trợ trẻ em Việt Nam và Hội nạn nhân da cam Việt Nam. Sau khi được các Hội vừa nêu cung cấp hồ sơ cần được trợ giúp, chúng tôi tiến hành khảo sát lại, đến tận nơi để hiểu rõ tất cả hoàn cảnh gia đình họ. Sau đó, gửi hồ sơ sang Pháp và Hội quyết định giúp các cháu như thế nào. Số tiền được gửi sang sau đó được đưa tận tay đến gia đình các cháu.
Một gia đình ở Hà Nam được Hội VNed hỗ trợ vay vốn để chăn nuôi |
Giữa Hội VNed bên Pháp và gia đình các cháu được học bổng hoặc đỡ đầu ở Việt Nam thường xuyên liên lạc để cập nhật tình hình cuộc sống. Các cháu cũng gửi kết quả học tập hàng năm sang Pháp để Hội biết các em sức khỏe, học hành ra sao, tiến bộ thế nào. Tôi nghĩ rằng, điều quan trọng của việc làm này đó chính là sự nâng đỡ về mặt tinh thần. Những gia đình được thụ hưởng hiểu rằng, ở một đất nước rất xa Việt Nam, những người hoàn toàn không quen biết mà sẵn sàng chia sẻ nỗi đau và khó khăn với họ. Vì thế, họ có thêm động lực, niềm tin để vượt lên số phận. Đã có nhiều cháu học đến Đại học, đi làm rồi quay lại giúp việc cho Hội. Tất cả vì sự thiện nguyện, nhân văn ấm áp tình người.
Thăm một gia đình nạn nhân da cam ở Hà Nam |
PV: Trong suốt gần 18 năm quac, Hội bảo trợ trẻ em Việt Nam dioxin tại Pháp đã trợ giúp về tài chính cho rất nhiều hoàn cảnh bất hạnh vì chất độc da cam tại Việt Nam. Nguồn kinh phí hoạt động được duy trì như thế nào, thưa bà.?
Hình thức quyên góp định kỳ là họ bỏ tiền riêng trực tiếp gửi vào tài khoản của Hội. Ngoài ra, họ tìm cách kiếm tiền chung thông qua những hoạt động ý nghĩa khác như tổ chức biểu diễn văn nghệ,chiếu phim kêu gọi ủng hộ nạn nhân da cam Việt Nam hay tổ chức bữa cơm thân mật để công bố trích bao nhiêu phần trăm ủng hộ trẻ em nghèo Việt Nam. Sau khi thăm Việt Nam, nhiều người Pháp còn mua đồ thủ công mỹ nghệ, đồ thêu, tơ lụa truyền thống Việt nam về Hội bán lấy tiền từ thiện. Nhân dịp những buổi chiếu phim về chất độc da cam, Hội còn giới thiệu những hồ sơ cần được giúp đỡ. Nhiều gia đình Pháp còn kết nối con em họ làm bạn với các em hoàn cảnh khó khăn Việt Nam. Hội hoạt động liên tục suôn sẻ trong hơn chuc năm qua còn là do tính minh bạch về kiểm soát tài chính, tuân thủ nghiêm túc luật của Pháp với các hội làm từ thiện, nhân đạo có từ năm 1901.
Hình ảnh trong bộ phim về nạn nhân da cam. L'Agent Orange |
Việc làm thiện nguyện của Hội VNed có thể rất nhỏ so cái chung của xã hội tại Việt Nam, nơi còn rất nhiều mảnh đời da cam bất hạnh. Tiêu chí của Hội là không phân biệt nạn nhân da cam được công nhận hay không mà xem xét hoàn cảnh thực tế của họ để giúp đỡ. Đến nay, quy mô của Hội không chỉ ở Pháp mà lan sang một số quốc gia lân cận ở Bỉ, Thụy Sĩ, và Đức. Là người làm công việc nhân đạo, tôi khâm phục và cảm động trước những tình cảm tuyệt vời mà rất nhiều người Pháp dành cho Việt Nam. Những việc làm của họ chính động lực để những người như tôi tích cực hơn trong công tác thiện nguyện vì cộng đồng này.
PV: Xin cảm ơn và Chúc bà sức khỏe.