Là bộ phận quan trọng trong cộng đồng người Việt Nam sinh sống tại hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, số lượng phụ nữ Việt Nam ở nước ngoài ngày càng tăng và có nhiều ảnh hưởng tích cực đến cộng đồng, đến quan hệ nhiều mặt của Việt Nam với nước sở tại và quốc tế. Bên cạnh đó, phụ nữ VN ở nước ngoài còn góp một phần công sức không nhỏ cùng toàn thể cộng đồng người VN ở nước ngoài gìn giữ truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc.
Được khởi động từ năm 2018, cuộc thi Hoa hậu áo dài phu nhân toàn châu Âu do Hội văn hóa nghệ thuật VN tại CH Séc khởi xướng được ghi nhận là một hoạt động văn hóa nhằm tôn vinh hình ảnh người phụ nữ và quảng bá tà áo dài Việt Nam, qua đó tăng cường gắn kết cộng đồng và lan tỏa văn hóa Việt Nam tới người dân sở tại.
Áo dài không chỉ là trang phục, mà là nét văn hóa thuần khiết Việt, thể hiện cốt cách, sức vươn lên, sự lan tỏa của phụ nữ VN trong quá trình hội nhập, sinh sống ở nước ngoài.
Bên cạnh đó, với việc thành lập Quỹ nhân ái Hoa hậu áo dài phu nhân, cuộc thi còn góp phần kết nối các thành viên trong “ngôi nhà chung châu Âu”, cùng nhau chung tay góp sức, giúp những mảnh đời kém may mắn ở trong nước cũng như tại các nước sở tại ở châu Âu. Vẻ đẹp người phụ nữ Việt Nam không chỉ là sự duyên dáng từ ngoại hình mà còn là vẻ đẹp của tấm lòng nhân hậu, biết sẻ chia.
Với tinh thần ấy, VOV5 thực hiện tọa đàm với chủ đề: "Vẻ đẹp người phụ nữ Việt
Nam tỏa sáng ở nước ngoài".
Nghe âm thanh tọa đàm tại đây:
Bà Nguyễn Việt Triều, Ủy viên thường trực Liên hiệp hội người VN ở nước ngoài, Chủ tịch Hội phụ nữ VN tại Ba Lan, Chủ tịch Hội đồng phu nhân Hoa hậu áo dài phu nhân toàn Châu Âu.
Ông Phạm Gia Hậu, Ủy viên thường trực Hội người Việt Nam tại Cộng Hòa Séc, Chủ tịch Hội Văn hóa nghệ thuật Việt Nam tại Cộng hòa Séc. Ông cũng là người khởi xướng cuộc thi Hoa hậu áo dài phu nhân toàn châu Âu.
Bà Nguyễn Thị Kim Thoa, người vừa giành vương miện cuộc thi Hoa hậu Áo dài phu nhân toàn châu Âu 2022, cũng là một trong 5 đại sứ nhân ái của Quỹ nhân ái.
"Chương trình Áo dài phu nhân lan tỏa trong cộng đồng, làm cho bản thân những người phụ nữ và cộng đồng người Việt ở Châu Âu đều cảm nhận được rằng hình ảnh người phụ nữ và tà áo dài Việt Nam đã trở thành một nét văn hóa, một thế mạnh trong ngoại giao cũng như trong những chương trình mang đậm nét văn hóa của người Việt... Chúng tôi mong muốn qua mỗi năm, cuộc thi sẽ được kiện toàn hơn, để hình ảnh người phụ nữ Việt Nam cũng như việc Ban tổ chức tổ chức được chương trình đó sẽ được lan tỏa không chỉ trong cộng đồng người Việt mà còn lan tỏa trong chính nước sở tại" - ông Phạm Gia Hậu nhấn mạnh.
"Tôi muốn đưa ra 3 nhìn nhận. Thứ nhất, chị em phụ nữ Việt Nam dù ở đâu cũng luôn mang trong mình niềm tự hào. Họ tự hào về trang phục, về vẻ đẹp, về văn hóa của mình. Và cuộc thi Hoa hậu áo dài toàn Châu Âu là một sức hút ngẫu nhiên đối với tất cả chị em người Việt sống ở nước ngoài. Thứ hai, cuộc thi này chính là cơ hội để mỗi người phụ nữ muốn tham gia thì đều phải hoàn thiện bản thân, làm đẹp chính mình cả về hình thức cũng như trau dồi trí thức. Thứ ba, cuộc thi đã tụ hội tất cả những tinh hoa của phụ nữ Việt Nam ở Châu Âu. Đó chính là cơ hội để chị em học hỏi lẫn nhau, lan tỏa được nét đẹp của từng nước nơi mình đang sống, từ đó xây dựng được những kết giao được rất nhiều mối quan hệ mới..." - bà Việt Triều khẳng định.
"Người phụ nữ Việt Nam luôn có tấm lòng bao dung, nhân ái và luôn muốn sẻ chia với những mảnh đời còn gặp nhiều khó khăn. Tôi nghĩ rằng dù ở trong nước hay ở nước ngoài, người phụ nữ Việt luôn biết cách tổ chức, biết cách vận động và kết nối, để mọi người cùng chung tay và lan tỏa tình yêu thương" - hoa hậu Kim Thoa chia sẻ.