TS. Nguyễn Phan Thắng: Tôi muốn tạo ra những giá trị có ích cho con người và môi trường sống

Lan Phương
Chia sẻ
(VOV5) - Mục tiêu nghiên cứu của TS. Nguyễn Phan Thắng trong thời gian tới là tạo ra những sản phẩm thực tế, góp phần làm xanh, sạch môi trường.

Anh Nguyễn Phan Thắng là giáo sư tập sự, Đại học Gachon, Hàn Quốc. Anh là một trong 5 tài năng trẻ người Việt đang học tập và làm việc tại nước ngoài được nhận giải thưởng Khoa học - Công nghệ thanh niên Quả Cầu Vàng năm 2020. Đây là phần thưởng do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp tổ chức hàng năm từ năm 2003 nhằm tôn vinh các tài năng trẻ có thành tích xuất sắc trong học tập, công tác trong lĩnh vực khoa học và công nghệ; tạo động lực và thúc đẩy phong trào nghiên cứu khoa học và áp dụng các thành tựu khoa học công nghệ vào sản xuất và đời sống.

TS. Nguyễn Phan Thắng: Tôi muốn tạo ra những giá trị có ích cho con người và môi trường sống - ảnh 1TS. Nguyễn Phan Thắng

Nghe âm thanh phỏng vấn tại đây:

 

Phóng viên: Chào anh Nguyễn Phan Thắng. Trước tiên, xin chúc mừng anh là một trong 10 gương mặt trẻ xuất sắc nhất của Giải thưởng Khoa học - Công nghệ thanh niên Quả Cầu Vàng. Cảm xúc của anh khi nhận được tin vui này như thế nào?

TS. Nguyễn Phan Thắng: Tôi cảm thấy vinh dự, tự hào là một trong 10 gương mặt trẻ xuất sắc nhận giải thưởng khoa học công nghệ thanh niên Quả cầu vàng năm 2020. Giải thưởng này tôi cũng theo dõi trong nhiều năm. Tôi nhận thấy các ứng viên tham dự giải thưởng đều là những người có nhiều thành tích xuất sắc trong các lĩnh vực. Do vậy, tôi thấy may mắn và tự hào khi được vinh danh.

TS. Nguyễn Phan Thắng: Tôi muốn tạo ra những giá trị có ích cho con người và môi trường sống - ảnh 2

Phóng viên: Anh vừa đoạt giải thưởng Khoa học-Công nghệ thanh niên Quả Cầu Vàng của Trung ương Đoàn trong lĩnh vực Công nghệ vật liệu mới. Anh có thể giới thiệu khái quát về những công trình hoặc bài báo khoa học của mình đóng góp trong lĩnh vực này?

TS. Nguyễn Phan Thắng: Hướng nghiên cứu của tôi tập trung vào các vật liệu thấp chiều và ứng dụng trong lĩnh vực năng lượng và môi trường. Trên thực tế, tôi đã nghiên cứu các vật liệu sử dụng trong phản ứng tích nước tạo hidro và hidro cũng là một trong những nguồn năng lượng sạch trong tương lai hứa hẹn không gây ra ô nhiễm môi trường.

Ngoài ra, rất may mắn, tôi cũng phối hợp với phòng thí nghiệm hóa sinh để tạo ra một loại cảm biến sinh học, phát hiện một loại vi rút trong hàu biển. Đó là norovirus. Vi rút này là một loại vi rút gây nôn mửa vào mùa đông. Công trình được đánh giá cao và được đăng trên tạp chí về thực phẩm đó là Food control. Đây là một tạp chí khá uy tín trong lĩnh vực này. Ngoài ra, nghiên cứu của tôi hiện nay đang làm về pin tích trữ năng lượng sử dụng các ion kim loại như: liti (lithium), natri, canxi. Do tôi mới bước vào lĩnh vực này trong 2 năm gần đây, các nghiên cứu sẽ được công bố trong thời gian tới, hứa hẹn sẽ cải thiện khả năng tích trữ năng lượng của pin ion kim loại.

TS. Nguyễn Phan Thắng: Tôi muốn tạo ra những giá trị có ích cho con người và môi trường sống - ảnh 3TS. Nguyễn Phan Thắng tham dự Hội nghị Điện hóa Hàn Quốc, 2019.

Phóng viên: Sau khi nhận được giải thưởng này, anh có những dự định cũng như quyết tâm gì trong thời gian tới để góp sức vào lĩnh vực mà mình đang theo đuổi?

TS. Nguyễn Phan Thắng: Giải thưởng là một nguồn động viên khích lệ tôi để có những động lực lớn trong các hướng nghiên cứu tiếp theo. Mục tiêu của tôi là sẽ tạo ra những sản phẩm thực tế để góp phần làm xanh, sạch môi trường và tạo ra những giá trị có ích cho con người và cho môi trường sống.

TS. Nguyễn Phan Thắng: Tôi muốn tạo ra những giá trị có ích cho con người và môi trường sống - ảnh 4

Phóng viên: Là một trong 5 tài năng trẻ người Việt đang học tập và làm việc tại nước ngoài được nhận giải thưởng Quả Cầu Vàng năm nay, anh nhìn nhận như thế nào về các trí thức trẻ Việt Nam đang sinh sống, học tập ở nước ngoài?

TS. Nguyễn Phan Thắng: Môi trường ở nước ngoài là môi trường có đầy đủ điều kiện để phát triển năng lực nghiên cứu khoa học. Do vậy, các trí thức trẻ nước ngoài đã có rất nhiều các công trình khoa học hữu ích cho cuộc sống.

Các trí thức trẻ có thể đóng góp cho nước nhà trực tiếp bằng cách sau này trở về Việt Nam để thực hiện các dự án của mình hoặc cũng có thể thông qua các dự án hợp tác và hỗ trợ các dự án trong nước, góp phần đẩy mạnh nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Phóng viên: Xin cảm ơn anh.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu