Nhà ngôn ngữ học, kỹ sư Nguyễn Quyết Tiến: Cội nguồn và sức mạnh đoàn kết - sợi chỉ đỏ xuyên suốt mạch nguồn lịch sử.

Hà Linh
Chia sẻ
(VOV5) -   Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương đã trở thành là một ngày hội lớn của dân tộc Việt Nam ở Cộng hòa Séc.

Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương 10/03 hay gần tới ngày Giải phóng miền Nam thống nhất Đất nước 30/04. Vào dịp Lễ đặc biệt này, những người mang trong mình dòng máu con Lạc, cháu Hồng, sống xa quê hương Việt Nam tổ chức nhiều chương trình hoạt động phong phú, hướng về quê cha đất tổ, tri ân công đức Tổ tiên. Nhân ngày Giỗ Tổ mùng 10/3, chuyên mục Khách mời VOV hôm nay, mời quý vị cùng PV Hà Linh trò chuyện với nhà Ngôn ngữ học, kỹ sư Nguyễn Quyết Tiến, kiều bào tại Cộng hòa Séc, nghe ông chia sẻ về những giá trị của nguồn cội và tinh thần đoàn kết dân tộc.

             Nghe âm thanh phỏng vấn tại đây: 

PV: Thưa ông, sống xa quê hương bao năm, vào những dip này hàng năm, dường như trong mỗi người Việt mình đều có chút lắng lại để nhớ về quê hương, về nguồn cội, về gia đình tổ tiên.? Ông có thể chia sẻ một chút cảm xúc khi trờ về thăm quê hương đúng vào dịp đặc biệt này?

Nguyễn Quyết Tiến: Hôm nay, tôi rất vui và xúc động khi được ngồi đây và chia sẻ về ngày lễ Giỗ Tổ  và ngày thống nhất đất nước 30/04. Năm nay, "thiên thời địa lợi nhân hoà", ngày Giỗ Tổ Hùng Vương 10 tháng ba âm lịch lại gần kề với ngày Lễ Thống nhất Đất nước 30 tháng tư, niềm hân hoan phấn khởi của mọi con dân Đất Việt lại trào dâng gấp bội. Tôi thuộc thế hệ thanh thiếu niên lớn lên sau cách mạng tháng Tám, "lứa măng non đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà". Năm 1966, tôi được cử sang Tiệp Khắc (ngày nay gọi là CH Séc và CH Xlôvakia). Sau khi tốt nghiệp kĩ sư điều khiển học, tôi được giữ lại làm phiên dịch. Với những du học sinh như chúng tôi, sống xa quê hương Việt Nam, mỗi khi mà dò được Đài phát thanh Tiếng nói Việt Nam, nghe được giọng nói trên sóng radio, chúng tôi xúc động lắm.

Nhà ngôn ngữ học, kỹ sư Nguyễn Quyết Tiến: Cội nguồn và sức mạnh đoàn kết - sợi chỉ đỏ xuyên suốt mạch nguồn lịch sử. - ảnh 1

“Đây là Đài tiếng nói Việt Nam phát thanh từ Hà Nội, Thủ đô nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa”....Chương trình Dành cho đồng bào Việt Nam ở xa Tổ quốc”. Xúc động đến bật khóc!. Bởi vì, trong tiếng Việt của chúng ta có chữ “đồng bào” tức là tình máu thịt. Lạc Long Quân và Âu Cơ đẻ ra đồng bào trong bọc trứng. “Những ai đã khuất, những ai bây giờ, yêu nhau và sinh con đẻ cái gánh vác. Phần việc người đi trước để lại dặn dò con cháu. Chuyện mai sau hàng năm, anh đi đâu làm đâu cũng biết cúi đầu nhớ ngày Giỗ Tổ".

Vào ngày này hàng năm, những người con Việt sinh sống, làm việc ở nước ngoài, ai cũng cũng nhớ về quê nhà Việt Nam. Một kỷ niệm vô cùng thú vị khác nữa của tôi là đúng vào ngày 30 tháng tư năm 1975, chúng tôi được đón nhận phút giây lịch sử, nghe tin chiến thắng của Chiến dịch Hồ Chí Minh ngay giữa Thủ đô Praha, trái tim của Châu Âu.

Đến giờ, tôi vẫn nhớ như in: Sáng hôm ầy, những cán bộ Đại sứ quán chúng tôi quây quần bên chiếc radio, dò sóng để nghe tin trong nước, và chúng tôi đã bật khóc, reo lên vì sung sướng tột cùng khi được nghe những câu nói thân thương: "Đây là Đài phát thanh Tiếng nói Việt Nam, phát thanh từ Hà Nội, thủ đô nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà -  Chương trình phát thanh đặc biệt: Giải phóng Miền Nam, thống nhất Đất nước".

Nhà ngôn ngữ học, kỹ sư Nguyễn Quyết Tiến: Cội nguồn và sức mạnh đoàn kết - sợi chỉ đỏ xuyên suốt mạch nguồn lịch sử. - ảnh 2Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương đã trở thành một nếp sinh hoạt văn hóa phổ biến trong cộng đồng người Việt ở nước ngoài. 

Tiếp theo là những tiếng chuông điện thoại réo vang của những người bạn Tiệp Khắc gọi đến chúc mừng. Những nhà lãnh đạo và nhân dân nước bạn sau nhiều năm theo dõi và chia sẻ với chúng ta đã reo lên từ đáy lòng những lời chúc mừng thắm thiết nhất. Nhiều năm đã trôi qua, tôi vẫn nhớ mãi những kỉ niệm đó và mỗi dịp lễ thống nhất đất nước, lòng tôi vẫn hân hoan như thời trai trẻ.

PV: Thưa ông, Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương đã trở thành một nếp sinh hoạt văn hóa phổ biến trong cộng đồng người Việt ở nước ngoài. Vào dịp này người Việt mình tại CH Séc thường tổ chức những chương trình hoạt động đặc biệt như thế nào để  hướng về?

Kỹ sư Nguyễn Quyết Tiến: Cộng đồng Việt Nam ở Séc là một cộng đồng mạnh, đoàn kết, cần cù trong kinh doanh và học tập, sống hoà nhập tốt với nhân dân Séc và được bạn bè Séc và quốc tế rất trân trọng. Cộng đồng Việt Nam đã được công nhận là một dân tộc thiểu số của CH Séc. Nhiều năm gần đây, ngày Giỗ Tổ Hùng Vương là một ngày hội lớn của dân tộc Việt Nam ở Séc.

Từ năm 2011, Hội đồng hương Phú Thọ ở Séc đã chủ trì những ngày lễ hội Giỗ Tổ Hùng Vương rất hoành tráng và ý nghĩa. Năm nay, cũng vậy, tôi được biết ở bên đó các hoạt động Lễ Giỗ Tổ diễn ra rất sôi nổi với các chương trình phong phú. Vào ngày này, nhiều gia đình đều cố gắng làm mâm cơm dâng cúng Tổ tiên. Đây cũng  là dịp để kể cho thế hệ con cháu biết về 18 đời Vua Hùng, về truyền thuyết Lạc Long Quân - Âu Cơ để ra bọc trăm trứng và chia nhau lên rừng xuống biển như nào. Nếu ở Séc dịp này tôi cũng tham gia các hoạt động cùng bà con, cộng đồng người Việt. Rất vui, ý nghĩa và phấn khởi.

PV: Có thể thấy rằng, người Việt mình dù sống ở nơi nào đặc biệt là trong kỷ nguyên Hội nhập toàn cầu như càng luôn luôn trân trọng và gìn giữ tiếng nói dân tộc, cũng như bản sắc văn hóa riêng có của mình.

Kỹ sư Nguyễn Quyết TiếnCó lẽ trước hết, tôi muốn nói về tiếng Việt. Tiếng nói của dân tộc chúng ta đã không bị đồng hóa trong mấy nghìn năm Bắc thuộc. Bởi vì, chúng ta đã giữ được tiếng nói tiếng nói của mình. Nó là trường tồn và là vũ khí vô hình vô cùng quan trọng, để bảo vệ chúng ta giữ được nền độc lập. Hiện nay, tiếng Việt đang được nói rất nhiều trong các gia đình của người Việt. Ai cũng cố gắng dạy cho con cháu của mình nói tiếng Việt. Bởi vì, chúng ta hòa nhập nhưng không có nghĩa là hòa tan. Mỗi dân tộc cần phải có bản sắc riêng của mình. Người dân các nước tôn trọng mình, vì mình có bản sắc văn hóa và tiếng nói riêng, rất đặc sắc.

Nhà ngôn ngữ học, kỹ sư Nguyễn Quyết Tiến: Cội nguồn và sức mạnh đoàn kết - sợi chỉ đỏ xuyên suốt mạch nguồn lịch sử. - ảnh 3Bộ từ điển Séc - Việt gồm 6 tập
Nhà ngôn ngữ học, kỹ sư Nguyễn Quyết Tiến: Cội nguồn và sức mạnh đoàn kết - sợi chỉ đỏ xuyên suốt mạch nguồn lịch sử. - ảnh 4Nhà ngôn ngữ học, kỹ sư Nguyễn Quyết Tiến và nhà Việt Nam học, tiến sĩ Ivo Vasiljev. Ảnh nhân vật cung cấp

Kiều bào ta luôn có ý thức hướng về quê hương đất nước, luôn gìn giữ  phong tục những ngày giỗ, Tết và những ngày hội lớn gọi của Non sông. Ngoài ra, chúng ta có một ngày Việt Nam, hòa vào những ngày của các dân tộc thiểu số của CH Séc. Điều đó đã tạo thành một nét sinh hoạt văn hóa rất đặc trưng. Bạn hãy hình dung, giữa những đường phố cổ trên khắp đất nước Séc xuất hiện đoàn diễu hành Việt Nam với các cô gái mặc áo dài, đội nón là, các chàng trai trong trong phục các dân tộc Việt Nam, vừa đi vừa múa hát. Đẹp và tự hào biết bao

PV: Vâng, rất  đẹp và vô cùng tự hào! Được biết, ông cùng với nhà Việt Nam học, tiến sĩ Ivo Vasiljev, là đồng tác giả của Bộ Đại Từ điển Giáo khoa Séc Việt, gồm 6 tập. Và ông cũng có những phương pháp dạy - học tiếng Việt, tiếng Séc hiệu quả tại CH Séc? Ông có thể cho biết thêm?

Ông Nguyễn Quyết Tiến: Khi làm từ điển cùng với một nhà Việt Nam học - tiến sĩ Ivo Vasiljev, chúng tôi phải rất là chắt lọc để làm sao thu gọn được nhưng vẫn muốn giữ được toàn vẹn được cái đẹp của chữ viết và tiếng nói Việt Nam. Bây giờ mà bạn đi nước ngoài, sẽ gặp rất nhiều người Việt Nam nói tiếng Việt, kể cả các cháu nhỏ. Đó là điều rất phấn khởi vì chúng ta giữ được bản sắc văn hóa riêng…

Biên soạn từ điển là nỗi niềm trăn trở và đam mê của chúng tôi trong nhiều năm. Khi . chúng tôi bàn với nhau viết bộ từ điển thì TS Ivo Vasiliev nói rằng, với sự giàu đẹp của tiếng Việt thì chúng ta nên soạn một Bộ đại từ điển giáo khoa, để người ta có thể dùng để trích ra dạy học. Khi hoàn thành, Bộ Từ điển này đã nhận được rất nhiều giải thưởng quốc tế. Các trường Đại học dùng để trích dẫn trong giảng dạy rất nhiều. Ngoài việc giải thích kỹ về ngôn ngữ, Bộ từ điển còn giải thích chi tiết về Lịch sử, văn hóa, phong truyền thống của Việt Nam, cũng như của Séc, để những độc giả thế hệ sau có thể hiểu được.
Nhà ngôn ngữ học, kỹ sư Nguyễn Quyết Tiến: Cội nguồn và sức mạnh đoàn kết - sợi chỉ đỏ xuyên suốt mạch nguồn lịch sử. - ảnh 5Trung tâm tiếng Việt SAPA- Praha
Nhà ngôn ngữ học, kỹ sư Nguyễn Quyết Tiến: Cội nguồn và sức mạnh đoàn kết - sợi chỉ đỏ xuyên suốt mạch nguồn lịch sử. - ảnh 6Lớp học tiếng Việt

Phải nói rằng, tiếng Việt của chúng ta rất phong phú và giàu đẹp về ngữ nghĩa. Cho nên, trong công tác dạy học tiếng Việt, chúng ta phải giải thích cho các cháu hiểu được nguồn gốc tiếng Việt, từng từ, từng chữ như thế nào, ngữ pháp ra sao. Tiếng Việt có sự uyển chuyển rất linh hoạt. Mỗi từ đứng trong câu thì giữ một chức năng "từ loại" khác nhau. Vì thế, sự tinh tế của người cầm bút tạo nên sắc thái riêng của mình. Tôi rất thích nghe Đài TNVN và luôn nói với con cháu rằng, muốn học rèn luyện phát âm tốt thì nên xem truyền hình và tốt hơn nữa là nghe Đài TNVN. Ở đó có nhiều giọng đọc rất chuẩn. Phải cho các cháu hiểu được tiếng Việt thì mới thấy nó hay, rồi mới nói và hát hay được.

PV: Vâng, thưa ông nhìn thấy sự đổi thay từng ngày của quê hương, đất nước, lại càng thấy thấm thía hơn lúc nào hết về giá trị của nguồn cội và tinh thần đoàn kết để tạo nên sức mạnh dân tộc. Dưới góc nhìn của một nhà ngôn ngữ học, một người con xa quê, ông nghĩ về điều này như thế nào?

Nhà ngôn ngữ học, kỹ sư Nguyễn Quyết Tiến: Cội nguồn và sức mạnh đoàn kết - sợi chỉ đỏ xuyên suốt mạch nguồn lịch sử. - ảnh 7Viết chữ thư pháp Việt tặng người nước ngoài.

Ông Nguyễn Quyết Tiến: Tôi muốn nói thêm một chút về cách nhìn nhận từ đổi thay theo góc nhìn của Phật giáo. Hãy nhìn mọi việc theo một góc nhìn bằng trái tim và cái tâm an. Phải nói rằng, Việt Nam chúng ta đang thay đổi theo hướng tích cực. Năm nào, tôi cũng về Việt Nam. Vừa rồi, tôi cũng hực hiện một chuyến đi miền Trung. Thật sự, tôi thấy đất nước mình đẹp tuyệt vời. Tất nhiên trong quá trình đổi thay này nó còn có những cái khập khiễng, còn có những gì chưa tốt. Nhưng trên tất cả, chúng ta đang vươn lên rất nhanh và đang tiến tới mục tiêu xây dựng một đất nước Việt Nam tươi đẹp và hiện đại. Như chị nói đấy, cội nguồn và sức mạnh của đoàn kết chính là sợi chỉ đỏ xuyên suốt mạch nguồn lịch sử của chúng ta.Trong mỗi dòng họ, mỗi gia đình ai cũng có ngày cúng giỗ. Không phải là vào những ngày này, chúng ta chỉ tưởng nhớ tới người đã khuất mà chính là dịp để anh em, con cháu,quây quần tề tựụ bên nhau nhau và cho nhau thấy rằng, chúng ta cùng chung một dòng máu, là anh em ruột thịt. Vì thế, phải yêu thương đoàn kết, bảo vệ lẫn nhau.

Nhà ngôn ngữ học, kỹ sư Nguyễn Quyết Tiến: Cội nguồn và sức mạnh đoàn kết - sợi chỉ đỏ xuyên suốt mạch nguồn lịch sử. - ảnh 8Ảnh nhân vật cung cấp

Tôi nhớ, trong những năm chuẩn bị đến thống nhất đất nước, những người làm nghề phiên dịch như chúng tôi phải nhớ nằm lòng câu: Hòa hợp- hòa giải dân tộc. Chúng tôi giải thích bạn bè quốc tế rằng Việt Nam đang đi theo con đường đó. Hiện nay, Việt Nam chúng ta đang làm việc đó rất tốt. Đó chính là nội hàm của sức manh của dân tộc. Tôi luôn mong muốn rằng, trong mọi việc, chúng ta chỉ cần sống tốt ở hiện tại. Như như trong triết lý đạo Phậ có câu mà tôi rất tâm đắc “Bây giờ và ở đây"”. Tức là chúng ta hãy làm những gì tốt nhất cho giây phút hiện tại. Và nếu cứ làm tốt những việc ngày hôm nay, một tương lai tươi đẹp chắc chắn sẽ chờ gặp chúng ta ở phía trước. 

PV: Xin cảm ơn ông vì những chia sẻ tuyệt vời. Xin được chúc ông cùng gia có kỳ nghỉ lễ vui vẻ. Chương trình mong được gặp lại ông ở những cuộc trò chuyện tiếp theo ở VOV.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu