Giám đốc quốc gia ADB: Việt Nam đã có sẵn những yếu tố cần thiết để tăng trưởng vượt bậc

Nguyễn Hiền Anh Thư
Chia sẻ
(VOV5) - Chính sách tài khoá cùng với chính sách tiền tệ phù hợp của Việt Nam đã giúp kiểm soát lạm phát, đảm bảo đà tăng trưởng.

Việt Nam đã có sẵn những yếu tố cần thiết để tăng trưởng vượt bậc, và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) sẽ tiếp tục song hành với Chính phủ Việt Nam để đạt mục tiêu phát triển xanh, bền vững và bao trùm. Đây là khẳng định của ông Shantanu Chakraborty, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam trong cuộc phỏng vấn với phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam, về viễn cảnh tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong trung và dài hạn. Mời quý vị và các bạn cùng nghe. 

Nghe âm thanh phỏng vấn tại đây: 

 
 PV: Thưa ông, trong báo cáo tăng trưởng mới nhất, ADB dự đoán kinh tế Việt Nam có thể đạt 5.8% trong năm nay. Ông bình luận như thế nào về con số này?

Tôi nghĩ con số này Việt Nam hoàn toàn có thể đạt được. Không may là nửa đầu năm, nền kinh tế có phát triển chậm hơn dự kiến, chỉ đạt khoảng 3.7%. Điều này khiến cho chúng tôi phải giảm dự báo tăng trưởng trong cả năm của Việt Nam xuống còn 5.8%, từ 6% trong báo cáo trước đó. Nhưng rõ ràng trong Quý 3, chúng ta đã thấy kinh tế Việt Nam có sự khởi sắc, tăng trường đạt 5.2%, nhờ đó kéo tăng trưởng GDP trong 9 tháng đầu năm đạt mức 4.4%. Như vậy, tôi nghĩ rằng, kinh tế Việt Nam đang dần phục hồi và con số 5.8% mà ADB dự đoán là có thể đạt được. 

Giám đốc quốc gia ADB: Việt Nam đã có sẵn những yếu tố cần thiết để tăng trưởng vượt bậc - ảnh 1Ông Shantanu Chakraborty, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam ( phải)

Tất nhiên là cũng sẽ có một số khó khăn, cả trong nước và quốc tế. Ví dụ, kinh tế toàn cầu đang tăng trưởng chậm lại, chính sách thắt chặt tiền tệ tại nhiều nước, cũng như sự gián đoạn trong hoạt động toàn cầu do các cuộc xung đột địa chính trị. Tất cả những điều này đều sẽ gây ảnh hưởng tới phát triển kinh tế tại Việt Nam. Nhưng ADB tin tưởng vào khả năng ứng phó với thách thức và phục hồi của Việt Nam, để đạt được mức tăng trưởng 5.8%.

PV: Vậy đâu là những yếu tố chính để thúc đẩy kinh tế Việt Nam tăng trưởng, cả về trung hạn và dài hạn, thưa ông?

Ông  Shantanu Chakraborty:  Tôi nghĩ đến thời điểm này, Chính phủ Việt Nam đã có những chính sách kiểm soát nền kinh tế khá tốt, trong bối cảnh toàn cầu có nhiều thách thức như hiện nay. Chỉ số lạm phát được giữ ở mức khá thấp. Lãi suất cũng được giữ ở mức vừa phải, phù hợp để thúc đẩy kinh tế phát triển. Đây là 2 yếu tố chính góp phần quan trọng cho tăng trưởng kinh tế trong cả trung và dài hạn. Một lĩnh vực mà tôi muốn nhấn mạnh đó là tăng cường đầu tư tư nhân. Hiện quá trình đầu tư công còn đang có một số chậm trễ. Và tôi nghĩ việc tăng cường đầu tư tư nhân, có thể góp phần thúc đẩy tiêu dùng, việc làm và tăng trưởng. Do đó, tôi muốn đề xuất là Chính phủ Việt Nam có thể chú trọng vào lĩnh vực này, và tiếp tục theo đuổi một chính sách tiền tệ hài hoà nhằm tăng cường đầu tư công. 

Bên cạnh đó, một điểm rất quan trọng đó là tiếp tục thu hút vốn đầu tư nước ngoài FDI. Trong một vài năm qua, Việt Nam đã thu hút được một lượng lớn vốn đầu tư nước ngoài. Và trong 9 tháng đầu năm nay, đã có tới 15 tỷ đô la vốn đầu tư được giải ngân. Đây là một con số rất lớn, đặc biệt là trong bối cảnh khó khăn như hiện nay. Việt Nam cần tiếp tục chú trọng duy trì môi trường đầu tư thông thoáng, với các chính sách minh bạch. Nhờ đó, các doanh nghiệp nước ngoài cảm thấy yên tâm và thoải mái khi cân nhắc đầu tư tại Việt Nam. 

Ngoài ra, các bạn cũng nên tập trung chi tiêu cho hệ thống cơ sở vật chất, phục vụ quá trình chuyển đổi số. Việt Nam đang đặt ra mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và thu nhập cao vào năm 2045. Điều này đòi hỏi tăng trưởng GDP ở mức cao hơn hẳn so với thời điểm hiện tại. Do đó, Việt Nam nên tăng cường cả đầu tư công, đầu tư tư nhân để hiện đại hoá cơ sở vật chất. Đây là một trong những yếu tố quan trọng để thu hút FDI - một điều then chốt cho sự phát triển của Việt Nam. 

PV: Nhắc đến việc thu hút nguồn đầu tư nước ngoài FDI, đây cũng được coi là một trong những thế mạnh của Việt Nam. Vậy ông nhận định như thế nào về môi trường đầu tư nước ngoài tại Việt Nam ở thời điểm hiện tại? 

Ông  Shantanu Chakraborty:: Hiện môi trường đầu tư FDI tại Việt Nam có khả năng ứng phó khá tốt trước các khó khăn. Tuy là những thách thức toàn cầu sẽ gây ảnh hưởng đến FDI trong ngắn hạn. Nhưng theo tôi, Việt Nam là một điểm đến hấp dẫn và thân thiện, với sức tiêu thụ mạnh mẽ, tầng lớp trung lưu cũng đang phát triển hơn. Như tôi đã nói, Chính phủ Việt Nam đã đưa ra những chính sách rất đúng đắn, cả chính sách tiền tệ và tài khoá. Nhưng chúng ta cũng không nên quên rằng vẫn còn nhiều quốc gia khác trong khu vực đang cạnh tranh để thu hút vốn đầu tư nước ngoài, và họ cũng đang làm rất tốt. Một số thế mạnh của Việt Nam có thể sẽ bị giảm bớt sức hút trong ngắn hạn, ví dụ như là chi phí lao động thấp. Do đó Việt Nam cần tiếp tục vươn lên chuỗi giá trị toàn cầu, tăng thêm giá trị sản xuất, và tăng cường sản lượng. Nhờ đó nguồn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam cũng sẽ mạnh mẽ và trôi chảy hơn. 

PV: Ông cũng vừa nhắc đến mục tiêu của Việt Nam, trở thành nước có thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và có thu nhập cao vào năm 2045. Từ tình hình hiện nay, ông đánh giá như thế nào về độ khả thi của mục tiêu này?

Ông  Shantanu Chakraborty: Tôi nghĩ là những yếu tố cần thiết đều đã có sẵn. Chúng ta đang nói về mục tiêu tăng GDP gấp khoảng 6-7 lần. Rõ ràng đây là một mục tiêu đầy tham vọng. Tuy nhiên, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của chính phủ Việt Nam cũng đã đặt ra được nền tảng cho sự phát triển này. Tôi nghĩ điều quan trọng hiện nay là phải tăng trưởng bền vững và bao trùm, để tất cả mọi người đều là một phần của sự phát triển này. Trên toàn cầu, các nước cũng tin tưởng cao vào sức chống chịu của nền kinh tế, cũng như vào kế hoạch hành động của Chính phủ Việt Nam. Dù chúng ta sẽ còn nhiều việc cần phải làm, nhưng  dựa vào cách mà Việt Nam đang ứng phó với thách thức vĩ mô, tôi tin tưởng vào khả năng đạt được những mục tiêu này của Việt Nam. 

Tôi cũng muốn chúc mừng Chính phủ Việt Nam vì đã kiểm soát nền kinh tế khá tốt, trong bối cảnh toàn cầu có nhiều thách thức như hiện nay. Tôi nghĩ rằng chính sách tài khoá cùng với chính sách tiền tệ phù hợp đã giúp kiểm soát lạm phát, đảm bảo đà tăng trưởng. Tuy có đôi chút chậm lại so với năm ngoái, nhưng động lực để tăng trưởng đã có sẵn. Và cần nhớ rằng, phát triển phải xanh, bền vững và bao trùm. Với những điều đó, tôi tin chắc Việt Nam có thể đạt được mục tiêu trở thành nước có thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và có thu nhập cao vào năm 2045. 

PV: Là một trong những đối tác phát triển quan trọng của Việt Nam, ADB có kế hoạch gì để hỗ trợ Việt Nam đạt được mục tiêu tăng trưởng trong trung hạn cũng như khát vọng đạt các mục tiêu phát triển trong dài hạn mà chúng ta vừa nhắc đến, thưa ông?

Ông  Shantanu Chakraborty: ADB là một đối tác đáng tin cậy của Việt Nam trong rất nhiều  thập kỷ qua. Chúng ta đã có những dự án hợp tác với tổng trị giá lên tới hàng tỷ đô-la. Và chúng tôi hi vọng có thể góp phần vào sự tăng trưởng và phát triển của Việt Nam. ADB đã đưa ra chiến lược hợp tác quốc gia với Việt Nam trong giai đoạn 2022-2026. Và chiến lược này cũng rất song hành với mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam. 

Có 3 trụ cột trong chiến lược này, bao gồm phát triển xanh, phát triển lĩnh vực tư nhân và đảm bảo công bằng xã hội. Về tăng trưởng xanh, ADB đang chuyển mình thành một ngân hàng xanh của khu vực châu Á, mọi hoạt động đều phải song hành với Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. Chúng ta đều biết rằng, biến đổi khí hậu đang là thách thức tại khu vực. Chúng ta cũng nhận thức rõ tầm quan trọng của việc đảm bảo cân nhắc đến khí hậu trong mọi quyết định được đưa ra. Do đó, các hỗ trợ của ADB cũng cần đảm bảo đóng góp được cho mục tiêu phát thải ròng bằng 0 của Việt Nam. Về phát triển lĩnh vực tư nhân. Có thể thấy Việt Nam cần nguồn đầu tư khổng lồ, và điều này không thể chỉ phục thuộc vào lĩnh vực công. Các doanh nghiệp tư nhân sẽ tiếp tục đóng vai trò rất quan trọng. Vai trò của ADB chính là một cầu nối, để lĩnh vực tư nhân có thể kết nối và đầu tư, đưa ra hỗ trợ từ chính sách, quy định, gợi ý các dự án có thể phù hợp tới cho vay để họ thực sự có nguồn quỹ để đầu tư. Về công bằng xã hội, đây cũng là một phần quan trọng trong mọi hoạt động của ADB. Chúng tôi mong muốn phát triển phải đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau. Do đó, mọi dự án của ADB đều đảm bảo công bằng xã hội, và tất cả mọi người đều được hưởng lợi.

Với những điều này, chúng tôi đang rất tích cực hợp tác với Chính phủ Việt Nam để tìm hiểu xem đâu sẽ là yếu tố quan trọng nhất và đâu sẽ là những dự án có tính lan toả nhất đối với Việt Nam. Chúng tôi có rất nhiều gói sản phẩm có thể đưa ra, từ cho vay ở cấp Chính phủ, tới cấp độ tư nhân. Chúng tôi cũng có thể hỗ trợ về kỹ thuật, giúp Việt Nam nâng cao khả năng, kiến thức và học được các cách thực hành tốt nhất. Chúng tôi cũng có những chuyên gia có thể đưa ra lời khuyên cho Chính phủ về cách thu hút vốn đầu tư. Chúng tôi có rất nhiều phương thức trợ giúp và sẵn sàng sát cánh với Việt Nam để giúp các bạn đạt được mục tiêu đã đề ra.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu