Du lịch Việt: Làm mới mình, hồi sinh mạnh mẽ và phát triển bền vững

Hà Linh
Chia sẻ
(VOV5) - PV Đài TNVN trò chuyện với ông Trương Quốc Hùng, Chủ tịch Câu lạc bộ lữ hành UNESCO Hà Nội nhân chuyến khảo sát tiềm năng du lịch tỉnh Tuyên Quang.

Ngày 15/03 vừa qua, Việt Nam hoàn toàn mở cửa mọi hoạt động du lịch, với nhiều chính sách mở rộng, khuyến khích các giải pháp kích cầu. Sau khoảng thời gian dài tạm lắng vì dịch bệnh Covid-19, các chương trình như xúc tiến tour tuyến, kết nối lại thị trường trong ngoài nước…đang rộn ràng trở lại. Với những doanh nghiệp lữ hành thì xen lẫn niềm vui, sự kỳ vọng thường trực mối lo là làm sao để nhập cuộc trở lại một cách suôn sẻ vào sân chơi đầy tiềm năng này- nơi đang cần sự đổi mới về tư duy, sáng tạo về cách làm và thích ứng linh hoạt. Về nội dung này, PV Đài TNVN trò chuyện với ông Trương Quốc Hùng, Chủ tịch Câu lạc bộ lữ hành UNESCO Hà Nội nhân chuyến khảo sát tiềm năng du lịch tỉnh Tuyên Quang.

Nghe âm thanh phỏng vấn tại đây: 
PV: Thưa ông, CLB lữ hành UNESCO Hà Nội, với hàng nghìn hội viên ở khắp 3 miền đất nước, đang triển khai những chương trình gì để cùng sẵn sàng tham gia vào mùa Du lịch mới, rất đặc biệt của năm 2022 này?
Du lịch Việt: Làm mới mình, hồi sinh mạnh mẽ và phát triển bền vững - ảnh 1 Ông Trương Quốc Hùng - (trái thứ 4,) cùng đại diện Công ty Cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội khởi động chuyến tàu charter (hình thức thuê tàu nguyên chuyến phục vụ khách du lịch) Hà Nội - Quảng Bình.

Ông Trương Quốc Hùng: Rất là vui mừng từ ngày 15/03 Tổng cục du lịch Việt Nam thông báo mở cửa hoàn toàn du lịch trở lại. Đây là một tín hiệu rất vui đặc biệt với những doanh nghiệp lữ hành, đánh giá, nói rằng,ban đầu hơn 1 tháng để các công ty lữ hành đủ thời gian chuẩn bị cho một mùa hè 2022 bắt đầu. Về phía Câu lạc bộ lữ hành UNESCO Hà Nội, chúng tôi tham gia rất nhiều chuyến khảo sát Fam trip, Road Show, như du lịch về Nghệ An, Thanh Hóa, Quảng Bình, Nha Trang... và lúc này chúng tôi đang ở Tuyên Quang để khảo sát, đánh giá cụ thể tiềm năng để xây dựng những sản phẩm mới cho du khách trong thời gian dịch bệnh đang dần được kiểm soát.

PV: Vâng, Để trở lại hoạt động, bên cạnh kỳ vọng thì các doanh nghiệp lữ hành chắc hăn cũng đang trăn trở khi đang phải đối diện với nhiều khó khăn thách thức?

Ông Trương Quốc Hùng: Phải nói thật là, thứ nhất tín hiệu là rất vui, các doanh nghiệp cũng phấn khởi ,tuy nhiên chúng ta cũng phải nhìn vào một hoàn cảnh thực tế là không phải mở cửa ra là chúng ta hoàn toàn có khách ngay, mà phải có thời gian để đánh giá dịch bệnh cũng như tâm lý của du khách. Bởi vì hiện nay, có rất nhiều người muốn đi du lịch song ở đâu đó vẫn còn nhiều người với tâm lý còn e ngại. Do ảnh hưởng của dịch bệnh, gần đây có nhiều doanh nghiệp đã dừng hoạt động và đóng cửa, tuy nhiên để mà khởi động trở lại cũng hết sức khó khăn. Thứ nhất là việc thu hút lại nguồn nhân lực,nhân viên lúc cũ. Đây  là một trong những khó khăn nhất của các doanh nghiệp lữ hành hiện nay. Bởi vì có khách mà không có lực lượng lao động thì rất ảnh hưởng. Đặc biệt, trong khối lao động phục vụ sản phẩm du lịch, ngoài nhân viên của các hãng lữ hành còn là lực lượng của các khu, điểm đến thăm quan, rồi các khối dịch vụ lưu trú.

Tôi nghĩ rằng, để giải quyết vấn đề này đòi hỏi ngành du lịch cần phải nỗ lực hết sức,  làm sao hỗ trợ cho các doanh nghiệp tái đào tạo và thu hút trở lại lực lượng lao động du lịch trước đây, để đáp ứng nhu cầu của du khách cũng như kỳ vọng vào chất lượng, sản phẩm phong phú. Đây là một trong những yếu tố mà các doanh nghiệp nói chung đang rất lưu tâm và suy nghĩ .

Du lịch Việt: Làm mới mình, hồi sinh mạnh mẽ và phát triển bền vững - ảnh 2Đoàn đi khảo sát xúc tiến đầu tư thương mại và du lịch ở Tuyên Quang.

PV: Tôi để ý là hiện nay ngày càng có nhiều người thích tự tổ chức chuyến đi mà không cần qua công ty lữ hành. Nhờ vào công nghệ, mạng internet mà chỉ cần vài click nhấp chuột là có thể tự liên hệ với nơi cần đến. Ông có suy nghĩ như thế nào về xu hướng đi du lịch mới này?

Ông Trương Quốc Hùng: Đúng là thời gian gần đây, việc thay đổi nhu cầu của khách du lịch, cách tiếp cận với thông tin sản phẩm du lịch cũng thấy rõ đặc biệt là trong 2 năm gần đây.  Về thói quen, trước đây thường thông qua công ty lữ hành nay rất nhiều gia đình, cá nhân, khối cơ quan sử dụng công nghệ thông tin tốt tự search trên trang thông tin tìm kiếm các nơi cung cấp dịch vụ chuyến đi cũng như các sản phẩm tour. Tôi nghĩ rằng, việc hình thành nhu cầu mới cũng là tất yếu trong sự phát triển cuộc sống. Trong đó, ngành du lịch chúng tôi đang cùng nhau để thay đổi, mà hiện nay gọi là chuyển đổi số, công nghệ thay đổi cách thức để đáp ứng nhu cầu của du khách.

Nhiều công ty du lịch đã xây dựng trang web, ứng dụng, tạo đầu mối cung cấp thông tin trên facebook, ticktok, các diễn đàn trang mạng xã hội khác.. cũng đã bắt đầu có những tín hiệu đáng mừng. Tuy nhiên, đây là một thay đổi lớn và để áp dụng vào công nghệ 4.0, kỹ thuật số không thể làm được trong một sớm một chiều.. nhưng làm gì thì mục đích cuối cùng của chúng ta phải đi theo khách hàng, đáp ứng theo nhu cầu của khách khàng. Không có cách nào khác là chúng ta phải làm mới chính mình, bằng việc thay đổi, áp dụng công nghệ 4.0 vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Du lịch Việt: Làm mới mình, hồi sinh mạnh mẽ và phát triển bền vững - ảnh 3Tuyên Quang đang thiết kế nhiều sản phẩm du lịch mới mời gọi sự quan tâm của các công ty lữ hành. Ảnh HL

PV: Trong bối cảnh đầy cạnh tranh đó, lại có thêm nhiều doanh nghiệp lữ hành quốc tế đang rất quan tâm tới thị trường du lịch Việt Nam. Vậy, để không bị đứng ngoài cuộc chơi, thì các doanh nghiệp lữ hành Việt cần phải lưu ý những gì?

Ông Trương Quốc Hùng: Hiện nay, trong bối cảnh cạnh tranh nhiều hãng công nghệ làm về du lịch đang mở rộng đầu tư vào Việt Nam. Đây là một vấn đề các doanh nghiệp lữ hành Việt đang rất cần phải có sự thay đổi lớn ngay và luôn. Bởi vì, hiện nay trong việc đầu tư cơ sở hạ tầng về cơ sở hạ tầng kỹ thuật số, các doanh nghiệp lữ hành Việt còn thiếu và yếu.

Nếu như các doanh nghiệp nước ngoài, với số vốn khổng lồ và vốn toàn cầu đầu tư vào công nghệ thì doanh nghiệp trong nước đang rất thiệt thòi, thậm chí đang bị thụt lùi rất xa Để cạnh tranh một cách sòng phỏng ngoài về kinh tế thì còn là vấn đề về cơ chế. Tôi nghĩ rằng cơ chế mở cửa của Việt Nam là rất tốt nhưng mở làm sao để khuyến khích các doanh nghiệp Việt theo kịp và chủ động phát triển.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông và xin chúc những người làm du lịch Việt luôn vững niềm tin và thành công.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu