Cứ vào dịp tháng 5 lịch sử, nhà ngôn ngữ học, kỹ sư Nguyễn Quyết Tiến, kiều bào tại Séc, nay đã 76 tuổi lại nhớ về không khí hân hoan của ngày hội chiến thắng Điện Biên Phủ 07/05/1954. Bao nhiêu năm đã trôi qua nhưng trong trái tim của ông, bản hùng ca Điện Biên Phủ vẫn còn nguyên giá trị lịch sử to lớn và trên hết là tinh thần đại đoàn kết của toàn dân tộc Việt Nam lúc bấy giờ. Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ năm nay, thêm một lần nữa, chúng ta khẳng định thiên tài quân sự của Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng như sự lãnh đạo tài tình của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Nghe âm thanh phỏng vấn tại đây:
PV: Rất vui được gặp lại, và cảm ơn ông đã tham gia trong chương trình phát sóng đặc biệt hôm nay. Thưa ông, được biết là, sự kiện chiến thắng Điện Biên Phủ 7/5/1954, khi đó ông đang là cậu bé chừng 7-8 tuổi. Đến giờ, trong ký ức của mình hẳn còn nguyên hình ảnh và không khí của ngày hội năm đó?
Ông Nguyễn Quyết Tiến: Năm đó, tôi còn bé lắm chừng 7 tuổi. Tôi ở với gia đình Nghệ An tham gia kháng chiến. Sau này, gia đình tôi mới di chuyển dần về Hà Nội. Nghệ An hồi đó là một rất tỉnh nghèo nên tin chiến thắng không được dồn dập, nhanh lẹ như trong thơ ca của Tố Hữu là: "Tin về nửa đêm. Hỏa tốc, hỏa tốc. Ngựa bay lên dốc. Đuốc chạy sáng rừng. Chuông reo tin mừng. Loa kêu từng cửa. Làng bản đỏ đèn, đỏ lửa. Hoan hô chiến sĩ Điện Biên..."
Màn diễu hành của các đồng bào dân tộc chào mừng kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. Ảnh VN Economy. |
Ở Nghệ Anh hồi đó gần như không có báo chí. Nhưng mà thanh niên, họ truyền tin rất nhanh. Các bài hát về Điện Biên Phủ được các anh chị thanh niên chép tay rồi vẽ hình hình đôi chim bồ câu bay. Họ tặng nhau những bài hát chép tay có hình đôi chim bồ câu như một món quà mừng chiến thắng. Giai điệu thì hoàn toàn là học miệng, tức là người nọ truyền cho người kia. Rất lạ là chỉ trong vài ngày sau, trong các hội quán, thanh niên khoác vai nhau trên đường hát vang bài Giải phóng Điện Biên. Không khí, âm thanh rất hào hùng. Bọn trẻ con đi theo lập tức nghĩ ra ngay ra bài đồng dao từ đấy "Súng đại bác anh vác một vai, còn một tay anh dắt những 5 thằng tây". Vui lắm, từ người trẻ, người già thì thâm trầm hơn, đến trẻ con cứ chạy theo anh chị. Không khí vui tươi náo nức, sôi nổi nhất là lớp thanh niên.
Nhà ngôn ngữ học, kỹ sư kiều bào tại CH Séc Nguyễn Quyết Tiến. |
PV: Trong bộ phim tài liệu nghệ thuật "Việt Nam" của điện ảnh Liên Xô, đạo diễn Roman Karman có lời bình: “Chiến thắng Điện Biên Phủ là bản hùng ca của ý chí sắt đá, của tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc”. Vì thế mà, có thể coi ngày 7/5 hàng năm như là ngày hội của toàn thể dân tộc Việt Nam?
Ông Nguyễn Quyết Tiến: Trong bài thơ của Tố Hữu có đoạn "Dốc Fadin, chị gánh anh thồ, đèo Lũng Lô anh hò, chị hát. Dù bom đạn xương tan thịt nát, không sờn lòng, không tiếc tuổi xanh”. Đó là viết về những người vận tải – lực lượng dân công ra tiền tuyến. Và trong bài thơ của Minh Huệ Đêm nay không ngủ, “Bác thương đoàn dân công đêm nay ngủ ngoài rừng, chặt lá cây làm chiếu, manh áo ngủ làm chăn”. Bên cạnh chiến thắng có công lao của các chiến sĩ, bộ đội - những người trực tiếp chiến đấu, còn có đóng góp thầm lặng của lực dân công hỏa tuyến, thanh niên xung phong. Khi tôi còn bé, có dịp đi qua các làng quê, tôi thấy sao họ lại nghèo xơ xác đến vậy. Sau này, tôi mới hiểu ra rằng, Đó là vì tất cả nguồn nhân lực, vật lực mà họ có đều dồn cho chiến trường Điện Biên Phủ.
Tái hiện hình ảnh khối dân công hỏa tuyến với những chiếc xe đạp thồ huyền thoại trên đường Võ Nguyên Giáp trong lễ diễu hành hình niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. Ảnh VNeconomy |
Tướng De Castries, trong phiên điều trần trước Quốc hội Pháp có nói rằng: "Người ta có thể đánh bại được một đạo quân, nhưng không thể đánh được cả một dân tộc”. Đúng vậy, cả dân tộc Việt Nam đã đồng sức đồng lòng làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ mà ngay cả người Pháp, người Mỹ không thể ngờ được. Họ không thể hiểu nổi tại sao, với địa hình hiểm trở đến như vậy, mà chỉ với những phương tiện vô cùng thô sơ lại có thể tải được từng ấy lương thực, kéo pháo ra lại kéo vào, cực kỳ gian khổ và cuối cùng làm nên kỳ tích "chấn động địa cầu này".
PV: Vâng,vào những ngày tháng 5 lịch sử hàng năm, nhắc đến chiến thắng Điện Biên Phủ, chúng ta lại nhớ đến Đại tướng Võ Nguyên Giáp - nhà quân sự kiệt xuất và trên hết là sự lãnh đạo tài tình của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng?
Nguyễn Quyết Tiến: Đó, thật sự là con người vĩ đại. Các chuyên gia, học giả thế giới, họ biết tướng Giáp qua nghiên cứu. Có người được trực tiếp gặp ông hoặc biết ông qua lời kể của các tướng tá bên tham chiến.
Những gì tôi đọc được thì đó là một vị tướng có tài thao lược vượt trội, kiệt xuất, một chỉ huy quân sự có đường lối chiến tranh nhân dân xuất sắc. Nhưng cũng phải nói đến nghệ thuật dùng người, người biết dùng tướng lĩnh giỏi và người tài. Đó là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Năm 1942, nhìn một người thư sinh như ông Giáp mà Bác nói: Sau này chú sẽ phải lãnh đạo quân đội. Đó là nghệ thuật dùng người tuyệt vời của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nó mang tính chiến lược và cũng như là lời của tiên tri. Không thể tưởng tượng được là dưới sự chỉ huy của tướng Giáp mà từ 34 chiến sĩ, dưới gốc cây đa Tân Trào mà sau đó phát triển thành một đội quân hùng hậu, chỉ trong vòng mấy năm mà đánh thắng được quân Pháp.
Bác Hồ giao nhiệm vụ cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh: NSNA Triệu Đại/ nguồn Hanoimoi |
Khi các cố vấn của Trung Quốc nói rằng cần phải đánh nhanh thắng nhanh. Pháo đã chuẩn bị xong rồi, vô cùng gian khổ mới kéo được pháo lên, mà tướng Giáp quyết định dừng lại, lùi lại ở ẩn, rồi ngụy trang pháo lại đưa xuống, cất giấu đi... chờ đúng thời cơ, đầy đủ lực lượng Đánh chắc thắng chắc. Phải nói đó quyết định vô cùng cân não. Chỉ có những vị tướng tầm cỡ vĩ đại nhưng Võ Nguyên Giáp mới làm được. Ông thực sự là một thiên tài về quân sự tầm cỡ thế giới.
Chỉ nói riêng về chiến dịch Điện Biên Phủ, nhiều chuyên gia quân sự của ta và thế giới phân tích rồi, đúng là một một chiến lược cầm quân vĩ đại. Với các cứ điểm lập ra như thế, người Pháp muốn thu hút lực lượng Việt Minh, để chặn đường chuyển sang Lào. Khi đó, nếu mà ai mà giữ được vùng Tây bắc là coi như có thể giữ được cả Đông Dương. Và họ không thể ngờ, thậm chí còn thách thức là bộ đội Việt Minh vào đây bị tiêu diệt hoàn toàn.
Họ nghĩ không thể nào mà chúng ta có thể huy động lực lượng pháo binh, về lương thực, đặc biệt là khâu hậu cần. Thế mà tướng Giáp dùng chiến thuật chuẩn bị đánh đến nơi, rồi dừng lại rút quân, chờ thời cơ để củng cố lực lượng đánh đâu chắc đó. Nói như chủ tịch Hồ Chí Minh là khi ra trận, Tướng phải là người quyết định tất cả. Hùng tráng, vĩ đại là thế. Nhưng tôi rất tiếc rằng trong sử thi của Việt Nam ghi chép lại về chiến thắng Điện Biên Phủ còn ít quá. Điểm đi điểm lại không có có tác phẩm nào xứng tầm với bản hùng ca đó. Trong khi thế giới, người ta viết rất nhiều về những chiến thắng của họ.
Chúng ta có một Điện Biên lừng lẫy chấn động địa cầu "Hoan hô chiến sĩ Điện Biên.Hoan hô đồng chí Võ Nguyên Giáp! Sét đánh ngày đêm xuống đầu giặc Pháp nhưng mà đối với Tổ quốc thì "Vinh quang Tổ quốc chúng ta.Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.Vinh quang Hồ Chí Minh, Cha của chúng ta ngàn năm sống mãi. Quyết chiến quyết thắng cờ đỏ sao vàng vĩ đại". Rồi sau này chúng ta hay thuộc "Hoan hô chiến sĩ Điện Biên. Chiến sỹ Anh hùng. Đầu nung lửa sắt. Năm mươi sáu ngày đêm khoét núi ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt.. Đó là những tả lại về chiến sĩ Điện Biên ngắn gọn, hào hùng. Tôi cho đó là một trong những bài thơ xuất sắc nhất của nhà thơ Tố Hữu.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp quan sát trận địa Điện Biên Phủ lần cuối trước khi phát lệnh nổ súng tấn công. Ảnh: NSNA Triệu Đại/TTXVN |
PV: Vâng, Thưa ông, có lẽ tinh thần bản hùng ca và những bài học của chiến thắng Điện Biên Phủ sau này sẽ còn được lịch sử nhắc lại. Theo ông, cần làm gì để thế hệ trẻ Việt Nam có thể hiểu một cách thực chất và sâu sắc hơn nữa về lịch sử vẻ vang của dân tộc Việt Nam, như là về hào khí Điện Biên .., để nhắc nhớ mình cần làm gì cho xứng đáng với những hi sinh xương máu của thế hệ cha ông?
Ông Nguyễn Quyết Tiến: Tôi phải nói thẳng rằng, chúng ta có một chiến thắng Điện Biên vĩ đại như thế. Nhưng thử hỏi, chúng ta đã tuyên truyền, đã cho thế giới biết bao nhiêu. Ngày nay, người Việt mình biết rõ về Điện Biên Phủ cũng không nhiều. Ngay cả những ngày Việt Nam, kiều bào tổ chức khắp nơi nhưng không nói gì mấy về Điện Biên Phủ hay có ngày Điện Biên Phủ. Ở nhiều nước, người ta có những trận đánh nhỏ, nhưng hàng năm họ dựng lại, khôi phục, tái hiện lại các trận đấu tại địa điểm lịch sử. Công tác bảo tồn và bảo tàng của các nước tôi rất tốt. Cho nên, tại sao chúng ta cứ trách các cháu không thuộc sử Việt Nam, không biết về sử Việt. Đó là do chúng ta không tạo ra rất hào hứng cho các cháu học sử.
Ở nước ngoài, tôi hay nói với con con cháu, khoan nghĩ đến chuyện đưa con sang Mỹ, Pháp để đào tạo một thế hệ các cháu giỏi tiếng Anh, Mỹ, văn hóa lịch sử nước ngoài. Nhưng các cháu lại không biết tiếng Việt, lịch sử Việ Nam thì thật là nguy hiểm. Giữ gìn, bảo tồn trước hết phải bảo tồn tiếng nói, tiếng Việt chúng ta rất hay. Rồi trên trên cơ sở đó, chúng ta mới bảo tồn văn hóa, bảo tồn và khôi phục lại lịch sử để các cháu hiểu và tự hào. Chứ bây giờ, chúng ta chỉ nói ở đó, còn lừng lẫy, vĩ đại như nào thì cần phải cụ thể.
Hình ảnh duyệt binh đại lễ kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. Ảnh VOV |
Ở các nước, người ta tái hiện lịch sử, các trận đánh, các sự kiện thu hút rất nhiều người trong đó có giới trẻ...Tất nhiên phải tái hiện một cách trung thực. Muốn nói về lịch sử, dạy về lịch sử, phải cho các em được hiểu bằng mô hình, bằng hiện vật, bằng câu chuyện qua cho thấy sự hi sinh của cả hai bên cũng như giá trị của hòa bình.
Tái hiện trận chiến Điện Biên Phủ qua ngôn ngữ xiếc. Ảnh VOV |
Tái hiện lịch sử là việc làm vô cùng lớn, đòi hỏi công sức của nhiều người. Chúng ta phải có một tác phẩm về Điện Biên Phủ mang tầm cỡ quốc gia. Vì thế, những người làm phải rất có tâm huyết, say sưa, quên đi tiền tài. danh tiếng. Hãy cho đi trước đã. Chứ giờ làm một bộ phim lịch sử hay gì đó mà ta chỉ đặt vấn đề được bao nhiêu tiền,công sức bỏ ra được gì. Nếu mà nghĩ như thế, chúng ta khó mà có thể làm được việc đó cho lịch sử. Ở đây là tôi mới chỉ nói về người làm...
PV: Vâng, không chỉ chỉ trân trọng, ngợi ca mà chúng ta cần phải bảo tồn những giá trị lịch sử của dân tộc Việt Nam. Một lần nữa,xin trân trọng cảm ơn những chia sẻ rất thú vị của ông. Chúc ông sức khỏe và xin được gặp lại!