Độc đáo hương vị Bánh trứng kiến Cao Bằng, Tuyên Quang

Hà Linh
Chia sẻ
(VOV5) - Khoảng thời gian tháng ba âm lịch cho đến tháng 7 là thời gian sinh trưởng mạnh nhất của loài kiến rừng.

Nếu có dịp du lịch lên Cao Bằng, Tuyên Quang, Bắc Cạn hay Hà Giang vào dịp từ tháng 4 đến tháng 7 hàng năm, chắc chắn du khách sẽ được thưởng thức một loại bánh nếp nhân trứng kiến. Mùa bánh trứng kiến cũng trùng với ngày Tết hàn thực, nên đây là một trong những món khoái khẩu của những người thích đặc sản vùng cao. Dù không có hình thức bắt mắt, nhưng bánh trứng kiến có hương vị độc đáo rất riêng và điểm hấp dẫn thực khách nhất chính là phần nhân bánh.

Nghe âm thanh bài viết tại đây: 
Độc đáo hương vị Bánh trứng kiến Cao Bằng, Tuyên Quang - ảnh 1Bánh trứng kiến, đặc sản của Cao Bằng, Tuyên Quang, Hà Giang...

Đến với những ngôi nhà sàn trong bản của người Tày ở Tuyên Quang, Cao Bằng du khách sẽ mời món bánh dân dã và quen thuộc của người dân ở đây. Đó chính là món bánh nếp nhân trứng kiến mà Người Tày gọi loại bánh này là Pẻng Lăng Lay…Khoảng thời gian tháng ba âm lịch cho đến tháng 7 là thời gian sinh trưởng mạnh nhất của loài kiến rừng.

Chị Thu Hương ở Hàm Yên, Tuyên Quang cho biết, không phải trứng của loại kiến thông thường mà là của loại kiến đen mà người Tày gọi là tua rày, có thân nhỏ, đuôi nhon. Loại kiến này có tổ màu đen hình bầu dục được làm từ cây mục và bám chặt vào cành cây. Tùy vào kích thước của từng tổ mà số lượng trứng kiến nhiều hay ít. Trứng kiến lớn bằng hạt gạo, thân mẩy và tròn được mang về để chế biến thành nhân bánh. 

“Việc tìm nhộng kiến khá vất vả vì phải cất công lên rừng già, trèo lên thân cây to hoặc bụi rậm để lấy tổ kiến. Để tìm được một tổ kiến ngon và nhiều chất dinh dưỡng phải lựa chọn tổ có lớp màng trắng liên kết các lá bọc bên ngoài. Trứng kiến càng trắng mọng sữa thì làm bánh càng ngậy ngon. Tôi nghĩ rằng bí quyết để làm ngon thì phải là nguyên liệu phải lấy từ núi rừng rồi giá vị độ dẻo thơm như thế nào nhìn thì dễ nhưng ko phải ai cũng làm được”. Chị Hương cho biết,

Độc đáo hương vị Bánh trứng kiến Cao Bằng, Tuyên Quang - ảnh 2Trứng kiến lớn bằng hạt gạo, thân mẩy và tròn được mang về để chế biến thành nhân bánh. Ảnh VOV

Đúng như tên gọi, nguyên liệu chính của bánh trứng kiến gồm trứng kiến non, bột gạo nếp nương và lá  ngõa non ( lá vả) - một loại lá cây rừng cùng họ với lá sung thường mọc ở ven đường rừng. Cách làm không quá cầu kỳ, nhưng muốn bánh được ngon cần phải có sự khéo léo, đặc biệt là chọn được nguyên liệu đúng chuẩn hảo hạng.

Trứng kiến sau khi làm sạch được bắc lên chảo phi với hành khô. Một chiếc bánh ngon phải có nhân là trứng kiến nguyên chất, chỉ cần hành phi thêm chút mỡ và muối không trộn thêm các nguyên liệu khác. Tuy nhiên, để thêm hương vị, người làm có thể đã cho thêm thịt lợn xay, lạc rang giã nhỏ làm nhân và một ít lá kiệu thái nhỏ trộn thêm tạo vị đậm đà cho bánh.

Phần bánh được làm từ hạt nếp nương to và dẻo đãi sạch và ngâm nước lạnh qua đêm, xay thành bột và để không bị nhão quá pha thêm một chút bột tẻ. Bột ráo nước, dẻo dính đủ độ đem trộn nhào với chút bột ngọt. Đặt lá ngõa to bằng bàn tay vào mẹt, sau đó dát mỏng bột vừa phải, dày cỡ nửa phân. Tiếp đến là cho hỗn hợp trứng kiến đã rang phi với hành, thịt lợn băm nhỏ, rải đều trên mặt miếng bột, rồi cho tiếp bột nếp, lá vả thêm lần nữa. Ép nhẹ nhàng cho mặt bánh phẳng đều, rồi xếp vào nồi hấp cách thủy khoảng 45 phút là chín.

Độc đáo hương vị Bánh trứng kiến Cao Bằng, Tuyên Quang - ảnh 3Khi ăn có thể bóc lớp lá vả gói ở ngoài, và ăn được lớp lá non ở bên trong

 Khi ăn bánh trứng kiến, mọi người bóc lớp lá vả gói ở ngoài nếu bánh có 2 lớp lá. Được gói bằng lá vả non, khi ăn có thể ăn được cả lá gói bánh. Bánh trứng kiến khi thưởng thức dù nóng hay nguội sẽ mang lại nhiều cảm nhận dư vị khác nhau. Có vị béo ngậy của nhộng kiến, vị dẻo của bột nếp, vị ngai ngái của lá ngõa. Tất cả hòa quyện làm nên vị đặc trưng vừa lạ, vừa hấp dẫn.

Anh Tiến Hoàng du khách Hà Giang chia sẻ: Ngon tuyệt vời luôn, thơm lắm, béo béo ngây ngậy nữa. Bánh trứng kiến ý. Trứng kiến làm được nhiều món lắm xôi trứng kiến, chả trứng kiến, trứng kiến xào nữa. Lưu ý những người không quen có thể bị dị ứng nhưng không sao. Món bánh này thưởng thức chuẩn vào hết tháng 3 âm lịch thôi nhé”.
Độc đáo hương vị Bánh trứng kiến Cao Bằng, Tuyên Quang - ảnh 4Độc lạ món bánh trứng kiến, đặc sản có một không hai của vùng núi Đông Bắc

Theo chị Thu Trà, một chuyên gia về ẩm thực Tuyên Quang, bánh trứng kiến ngoài hương vị thơm ngon đặc biệt lại có hàm lượng dinh dưỡng cao:  Đây là một loai trứng côn trùng. Thành phần dinh dưỡng cũng giống như khi ta ăn con nhộng. Nó có ưu điểm là giàu protein, axits amin và các vi khoáng, vitamin khoáng chất, rất giàu trong trứng kiến. Cũng giống như món ăn giàu đạm, cân đối, giàu vi lượng như chúng ta ăn con nhộng tằm”

Làm trong ngành du lịch tỉnh, mỗi lần có đoàn khách đến thăm Tuyên Quang, chị Hương rất thích giới thiệu về món bánh đặc sản trứng kiến. Trong số thức quà mang về biếu tặng thường không thể thiếu bánh trứng kiến được đặt gói từ hôm trước. “Bánh trứng kiến. Nó độc đáo và gây sự tò mò với bất cứ ai bởi cái tên và nguyên liệu đặc biệt. Bánh rất dễ làm nhưng ko hiểu sao phải chính tay người dân địa phương làm mới chuẩn ngon. Là người con Tuyên Quang tôi rất tự hào với những đặc sản nơi đây. Và bánh trứng kiến luôn là món quà quê hương dành tăng du khách. Nhiều người ăn một lần ấn tượng nhờ tôi gom mua để làm quà biếu.

Ngon và lạ miệng là thế, nên nếu có dịp đến với Cao Bằng, Tuyên Quang khám phá thiên nhiên tuyệt đẹp nơi đây, vào đúng dịp tháng 4-7 du khách nhất định ghé thăm các chợ bản của bản người Tày để được thưởng thức chuẩn vị món bánh nếp nhân trứng kiến ăn một lần nhớ mà mãi này.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu