Đảm bảo tính thống nhất trong nghi lễ thờ cúng các Vua Hùng

Hoàng Hướng
Chia sẻ
(VOV5) - Khu di tích Đền Hùng những năm qua được nhà nước và tỉnh Phú Thọ đầu tư, tu bổ nhiều hạng mục công trình tâm linh cũng như cơ sở hạ tầng cũng như hướng dẫn đồng bào thực hành tín ngưỡng theo đúng truyền thống văn hóa của dân tộc.

Phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam phỏng vấn ông Nguyễn Duy Anh, Trưởng ban quản lý khu di tích đền Hùng, tỉnh Phú Thọ về những công việc đã triển khai trong việc tu bổ di tích và thực hành tín ngưỡng Hùng Vương.

Đảm bảo tính thống nhất trong nghi lễ thờ cúng các Vua Hùng - ảnh 1Ông Nguyễn Duy Anh trả lời phỏng vấn của phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam.

Ảnh: Ánh Huyền

Phóng viên: Thưa ông, Thực hành tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại có tác động như thế nào đến công tác quản lý, bảo vệ khu di tích trong thời gian vừa qua?

Ông Nguyễn Duy Anh: Kể từ khi được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây là niềm vinh dự rất lớn cho cả nước, và đặc biệt là đối với chúng tôi, những người được cả nước giao nhiệm vụ, trọng trách trực tiếp trông coi lăng miếu tổ tiên ở đây. Để phát huy tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương theo đúng Chương trình hành động của UNESCO, chúng tôi tập trung công tác tuyên truyền về Đền Hùng, về thời đại Hùng Vương, về tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đến đồng bào trong nước, đặc biệt là tại những dịp tổ chức giỗ tổ Hùng Vương tại Đền Hùng hàng năm. Bên cạnh đó, để bảo tồn và phát huy giá trị của tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, chúng tôi cũng tạo một không gian để đồng bào khi về đây thực hành tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Chúng tôi tiếp tục tu bổ các thiết chế văn hóa như đền, chùa, lăng tại Đền Hùng và tạo không gian, cảnh quan, môi trường để đảm bảo xanh, sạch, đẹp, đón đồng bào về hành hương. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng chú ý hướng dẫn đồng bào về thực hành tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương theo truyền thống. Trong đó, hàng năm có đào tạo, tập huấn, tuyển chọn các ông Từ từ các xã vùng ven và xã Hy Cương để đảm nhiệm vai trò ông Từ trên các đền. Điều này thể hiện tính cộng đồng sâu sắc từ các khu dân cư, trực tiếp là người dân tham gia bảo tồn giá trị di sản. Đối với Khu di tích lịch sử Đền Hùng, chúng tôi cũng tăng cường công tác nghiên cứu về thời đại Vua Hùng và tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, có những đề tài nghiên cứu sâu, không những tại khu vực Đền Hùng, tại khu vực phụ cận của Đền Hùng, mà trên địa bàn các địa phương trong toàn tỉnh, các nơi có di tích thờ cúng Hùng Vương, các danh nhân, danh tướng thời Hùng Vương cũng như gia thất các vua Hùng để qua đó nghiên cứu sâu sắc hơn tín ngưỡng Hùng Vương, để thông qua đó, giới thiệu cho đồng bào ta ở trong nước và du khách quốc tế khi về đền Hùng cũng như tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. 

Phóng viên: Theo ông thì những điểm nào cần quan tâm nghiên cứu để giới thiệu về di tích và tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đối với đồng bào trong nước và bạn bè quốc tế?

Ông Nguyễn Duy Anh: Đây là vấn đề chúng tôi thường xuyên bàn bạc, trao đổi. Đây cũng là vấn đề các nhà nghiên cứu hết sức quan tâm. Đó là tiếp tục nghiên cứu để thông qua đó chúng ta tìm hiểu, chứng minh nội dung truyền thuyết liên quan đến thời đại Hùng Vương và tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương bởi vì hiện nay chúng ta mới chủ yếu thông qua truyền thuyết trong dân gian. Thông qua khảo cổ thì chúng ta chứng minh rằng thời đại Hùng Vương, thời kỳ của các Vua Hùng là có thật trong lịch sử và nó có giá trị như thế nào thông qua khảo cổ. Tuy nhiên, đối với khu di tích, trong vài năm trở lại đây, do điều kiện, chưa thực hiện được nhiều. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ cùng các cơ quan, đơn vị trong địa bàn tỉnh tiếp tục nghiên cứu trong khu vực đền Hùng và vùng phụ cận và trong địa bàn toàn tỉnh.

Phóng viên: Thưa ông, hiện nay trên cả nước, hầu như địa phương nào cũng có di tích,  đền thờ các Vua Hùng. Trong thực hành tín ngưỡng, theo ông chúng ta phải hướng dẫn như thế nào để thực hiện thống nhất ở trong nước cũng như kiều bào ta ở các nơi trên thế giới?

Ông Nguyễn Duy Anh: Trong những năm gần đây, Bộ Văn Hóa Thể thao và Du lịch có các văn bản hướng dẫn các địa phương trên cả nước có di tích thờ Hùng Vương, các danh nhân, danh tướng và gia quyến các Vua Hùng khi tỉnh Phú Thọ tổ chức lễ dâng hương tưởng niệm Vua Hùng và ngày Giỗ tổ Hùng Vương vào ngày 10/3 thì các địa phương cũng tổ chức các nghi lễ tưởng niệm các Vua Hùng cùng một thời điểm. Trong địa bàn tỉnh Phú Thọ thì Sở Văn hóa thể thao và du lịch cũng có những văn bản hướng dẫn các địa phương có di tích tổ chức nghi lễ đảm bảo mang tính thống nhất chung, nhưng cũng vẫn đảm mỗi địa phương thể hiện bản sắc văn hóa riêng trong thờ cúng các Vua Hùng.

PV: Xin cảm ơn ông.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu