Chung tay bảo vệ trẻ em, hãy lên tiếng phòng, chống xâm hại, bạo lực trẻ em”

Hà Nam
Chia sẻ
(VOV5) - Thông điệp liên quan đến việc chung tay bảo vệ trẻ em và phải lên tiếng tố cáo những hành vi xâm hại, bạo lực đối với trẻ em.

Tháng hành động vì trẻ em được tổ chức vào tháng 6 hàng năm nhằm thúc đẩy phong trào toàn dân chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em; tuyên truyền, phổ biến, vận động cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân thực hiện chính sách, chương trình, kế hoạch, dự án, xây dựng các công trình và vận động nguồn lực cho trẻ em.

Với chủ đề “Chung tay bảo vệ trẻ em, hãy lên tiếng phòng, chống xâm hại, bạo lực trẻ em”, Tháng hành động vì trẻ em năm nay nhằm tăng cường trách nhiệm của mỗi cá nhân, gia đình, người chăm sóc trẻ cũng như các ngành, các cấp và công tác phối hợp giữa các ngành tại địa phương trong thực hiện các biện pháp phòng ngừa, hỗ trợ, can thiệp để bảo vệ trẻ em kịp thời, hiệu quả trước các hành vi xâm hại, bạo lực đối với trẻ em. Phóng viên VOV phỏng vấn ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội).

Nghe âm thanh phỏng vấn tại đây: 
 PV: Thưa ông, trước hết xin ông cho biết Tháng hành động vì trẻ em năm nay hướng tới mục tiêu cụ thể gì?
Ông Đặng Hoa Nam: Tháng đầu năm nay có hai thông điệp. Thông điệp thứ nhất là chung tay bảo vệ, chăm sóc giáo dục trẻ em, đặc biệt là trong bối cảnh đại dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế xã hội sau đại dịch Covid-19 thì có những vấn đề mà trẻ em bị ảnh hưởng, có những đối tượng trẻ em bị ảnh hưởng bởi dịch như là liên quan đến sức khỏe tâm thần, liên quan đến chất lượng giáo dục, liên quan đến trẻ mồ côi sau Covid-19 và trẻ mồ côi nói chung.

Thì đó là những vấn đề mà rất cần các cơ quan nhà nước, rồi các tổ chức xã hội, các cá nhân, gia đình, nhà trường… làm đúng, làm đủ trách nhiệm của mình được pháp luật quy định và phải phối hợp được với nhau. Chính vì thế, Tháng Hành động vì trẻ em năm nay là thời điểm và là cơ hội để khẳng định lại trách nhiệm của các cấp bên liên quan trong việc bảo vệ, chăm sóc giáo dục trẻ em, đặc biệt là trong bối cảnh chúng ta đang phục hồi kinh tế xã hội sau dịch Covid-19, để đảm bảo không một trẻ em nào bị bỏ lại phía sau. Chưa nói đến việc là chúng ta phải ưu tiên cho trẻ em là đối tượng ưu tiên trong phục hồi kinh tế xã hội sau dịch Covid- 19. Thông điệp thứ hai, đó là thông điệp liên quan đến việc chung tay bảo vệ trẻ em và phải lên tiếng tố cáo những hành vi xâm hại, bạo lực đối với trẻ em.

 Chung tay bảo vệ trẻ em, hãy lên tiếng phòng, chống xâm hại, bạo lực trẻ em” - ảnh 1PV Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội).

PV:Chúng ta cứ kêu gọi cộng đồng chung tay bảo vệ trẻ em. Tuy nhiên, thời gian gia nhiều vụ xâm hại, bạo lực trẻ em vẫn xảy ra. Vậy đâu là những hạn chế, thưa ông?

Ông Đặng Hoa Nam: Thực tế là chúng ta làm khá tốt việc can thiệp, xử lý những vụ việc, những hành vi xâm hại trẻ em, trong đó có những hành vi xâm hại, bạo lực trẻ em trong gia đình, xâm hại tình dục trẻ em. Tuy nhiên, công tác phòng ngừa thì còn có những hạn chế. Và một trong những khâu phòng ngừa tốt, thì phải có sự ủng hộ đồng thuận cũng như thực hiện có trách nhiệm từ phía gia đình và xã hội. Đó là việc mỗi một cá nhân, mỗi một thành viên trong gia đình, mỗi một thành viên trong xã hội, ví dụ như: Hàng xóm, những người thân thiết, những người chăm sóc trẻ em... cần phải đặt mạnh vấn đề nghi ngờ, giám sát và lên tiếng tố cáo đến các cơ quan chức năng, các hành vi, các vụ việc xâm hại trẻ em. Qua đó, để chúng ta không có những đáng tiếc “giá như” “chúng ta biết thế thì”. Bởi vì qua những vụ việc điển hình như vừa rồi thì chúng tôi cũng phải nói là rất đáng tiếc là nếu như những thông tin như vụ việc em bé ở quận Bình Thạnh, thành phố Hồ Chí Minh, hay như vụ em bé ở Thạch Thất, Hà Nội…. Nếu như thông tin đó được chuyển tải đến các cơ quan chức năng sớm hơn, đến với Tổng đài Quốc gia bảo vệ trẻ em 111 sớm hơn thì chúng tôi có thể nói là có thể chúng ta đã cứu được sinh mạng đứa trẻ. Chúng ta có thể đã giảm được tổn hại cho những em bé này. Thì để không phải nói những câu đáng tiếc “giá như” nữa trước các vụ việc xâm hại trẻ em thì chúng ta cần phải tăng cường công tác phòng ngừa hơn nữa.

PV: Vâng như ông vừa nói, công tác phòng ngừa bảo vệ trẻ em khỏi những hành vi bạo lực, xâm hại còn có những hạn chế. Và thực tế, việc bảo vệ trẻ em khỏi bị xâm hại, bị bóc lột trên môi trường mạng đang là vấn đề đặt ra. Vậy Cục trẻ em đã có những hành động như thế nào để bảo vệ trẻ em trước thực trạng này, thưa ông?

Ông Đặng Hoa Nam: Bảo vệ trẻ em, phòng chống xâm hại trẻ em trên môi trường mạng đã có Chương trình của Thủ tướng giao Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì và muốn sử dụng Tổng đài Quốc gia bảo vệ trẻ em 111 như một đầu mối tiếp nhận thông tin và truyền thông tin đó đến các cơ quan, cá nhân, tổ chức có liên quan trong mạng lưới bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. Hiện nay, Bộ Thông tin và Truyền thông đã thành lập và vận hành một mạng lưới bảo vệ trẻ em môi trường mạng, bao gồm một số cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan vệ pháp luật, một số tổ chức xã hội và một số doanh nghiệp hoạt động trên môi trường mạng. Thì mô hình mạng lưới hoạt động khá là tốt, bước đầu cho thấy có hiệu quả. Tuy nhiên, bảo vệ trẻ em nó là các quy định của pháp luật, liên quan đến rất nhiều các quy định chặt chẽ về mặt pháp luật, như là: Bảo vệ bí mật đời sống riêng tư, như xử lý kịp thời, hỗ trợ kịp thời, cho nên đòi hỏi một quy trình khá chặt chẽ.

 Thực ra, quy trình về bảo vệ trẻ em, phòng, chống xâm hại trẻ em trong đời thực đã có quy định khá chặt chẽ rồi. Ví dụ Nghị định 56 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật trẻ em quy định rồi. Tuy nhiên, trên môi trường mạng thì làm thế nào để mà từ hành vi, từ những tổn hại trên môi trường mạng nó chuyển sang kết nối với những hỗ trợ bằng các dịch vụ, để làm sao giảm nhẹ những tổn hại đối với trẻ em, đặc biệt là tổn hại về mặt sức khỏe tâm thần về tâm lý là rất quan trọng. Cho nên, Cục Trẻ em cũng đang triển khai xây dựng quy trình, để có thể kết nối bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, kết nối với các dịch vụ về các điều kiện chăm sóc một cách nó đầy đủ và toàn diện để giảm tổn hại cho trẻ.

PV: Thưa ông, nhân Tháng hành động vì trẻ em năm nay, là cơ quan quản lý Nhà nước về lĩnh vực này, ông muốn gửi gắm hay nhắn nhủ điều gì đền mỗi cá nhân và cộng đồng xã hội trong việc chung tay bảo vệ trẻ em khỏi những hành vi bạo lực, xâm hại?

Ông Đặng Hoa Nam: Chúng tôi kêu gọi tất cả cộng đồng xã hội, các thành viên trong gia đình hãy thực hiện đúng trách nhiệm và bổn phận của mình là hãy mạnh dạn lên tiếng tố cáo những hành vi, những nghi ngờ về xâm hại bạo lực đối với trẻ em. Và các bạn hãy tin rằng, khi bạn tố cáo hành vi đó đến cơ quan công an, đến Tổng đài Quốc gia bảo vệ trẻ em 111 thì: Thứ nhất, các cơ quan này sẽ hành động; Thứ hai là thông tin của các bạn sẽ được bảo mật để bạn không phải lo ngại khi chuyển tải thông tin này. Thì đó là thông điệp mà chúng tôi rất mong được đông đảo cộng đồng xã hội và các cơ quan truyền thông, báo chí hưởng ứng để lan tỏa những thông điệp như thế.

PV: Vâng, xin cảm ơn ông.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu