Trong bối cảnh tình hình kinh tế trong và ngoài nước diễn biến khó lường, ngành nông nghiệp năm 2023 tạo nhiều dấu ấn thành công, đặc biệt tư duy kinh tế và tư duy thị trường nông nghiệp tiếp tục được mở rộng. Nhân dịp Năm mới Giáp Thìn phóng viên Minh Long có cuộc trao đổi với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan câu chuyện của ngành nông nghiệp trong năm qua và những định hướng cho năm 2024 và những năm tiếp theo.
Nghe âm thanh phỏng vấn tại đây:
Phóng viên: Thưa Bộ trưởng, về đích với những kết quả nổi bật vừa đảm bảo mục tiêu an ninh lương thực trong nước và thế giới; kim ngạch xuất khẩu đạt cao ở nhiều ngành hàng như: gạo, rau quả…Bộ trưởng có thể cho biết những kinh nghiệm trong chỉ đạo điều hành để ngành có thể tận dụng tốt được các cơ hội để vượt qua những khó khăn trong năm qua?
Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Quan trọng nhất là tổ chức lại cấu trúc của ngành hàng, tổ chức sản xuất, thị trường và liên kết giữa giữa nông dân với doanh nghiệp để giảm đổ vỡ, đứt gãy. Nông dân với doanh nghiệp là hai đầu của ngành hàng. Theo đó, một bên là đầu vào và một bên đầu ra, một bên sản xuất và một bên thị trường. Khi hai đối tượng này không gặp nhau sẽ không bền vững. Tư duy kinh tế là tư duy thị trường và tư duy thị trường là tư duy doanh nghiệp.
Thị trường gần nhất là doanh nghiệp, không có doanh nghiệp thì không có thị trường. Doanh nghiệp phải chủ động tạo ra nguyên liệu ổn định, giúp nông dân con giống, quy trình canh tác. Bản thân doanh nghiệp cũng phải thoát khỏi tư duy mua bán vì tư duy này sẽ làm rối thị trường. Khi liên kết với nhau thì cần cân bằng lợi ích giữa nông dân với lợi ích của doanh nghiệp để cả hai bên cùng thắng. Còn nông dân cần thay đổi và cơ quan chức năng giúp nông dân không phải bằng tiền mà phải có gói tín dụng gói hỗ trợ; đồng thời sâu xa hơn nữa là tri thức, kiến thức.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan lan tỏa hơn nữa tư duy kinh tế trong nông nghiệp |
Phóng viên: Đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp, chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, nông nghiệp xanh, nông nghiệp tuần hoàn. Bộ trưởng có thể chia sẻ về quá trình chuyển đổi này của toàn ngành nông nghiệp?
Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Nông nghiệp xanh là một xu thế không thể đảo ngược, chúng ta phải chủ động thích ứng và thực tế là bà con đã thích ứng được. Chẳng hạn như ở Tứ Kỳ, Hải Dương, nông dân sản xuất lúa – rươi - cáy, ba tầng giá trị. Nông dân thu nhập bán rươi nhiều hơn bán lúa, nhưng không có lúa thì sẽ không có hai sản phẩm kia. Hay mô hình lúa – tôm, lúa – cá ở Bạc Liêu, Cà Mau…nông dân Việt Nam đã và đang hướng tới một nền nông nghiệp sinh thái.
Trong bối cảnh giá vật tư đầu vào tăng, những mô hình này giúp nông dân giảm chi phí. Bởi khi giá sản phẩm không tăng, nhưng chi phí giảm thì lợi nhuận của nông dân vẫn tăng. Ngành nông nghiệp cũng cần lan tỏa những mô hình như vậy và đó là xu hướng nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp xanh, nông nghiệp sinh thái thuận theo tự nhiên. Theo tôi, mọi sự thay đổi đều khó khăn, nhưng nếu không thay đổi sẽ khó khăn hơn.
Phóng viên: Với những kết quả nổi bật trong năm 2023 tiếp tục khẳng định là trụ đỡ của nền kinh tế, bước sang năm mới Giáp Thìn năm 2024, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ có những định hướng phát triển như thế nào, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Cần lan tỏa và sâu sắc hơn nữa về tư duy kinh tế. Chúng ta đang nói câu chuyện chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp nhưng phạm vi của việc này là rất lớn gồm cả truyền thông, cơ chế vận hành của nhà nước, sự thay đổi tư duy, nhận thức của người nông dân.
Tư duy thay đổi, hành động thay đổi, khi đó, các cơ chế chính sách sẽ vận động theo. Nông nghiệp không chỉ là nông nghiệp mà nông nghiệp đã tích hợp cho nhiều ngành, nhiều lĩnh vực từ đó mới cộng hưởng ra giá trị. Còn nếu chúng ta cứ nghĩ đơn giản chỉ là những con số sản lượng, kim ngạch thì có thể nó đã tới hạn về không gian phát triển. Chúng ta cần có tầm nhìn dài hơi. Những gì đang làm thì làm cho tốt hơn. Liên kết các ngành hàng bền vững, từ tổ chức lại sản xuất, tổ chức lại thị trường, liên kết giữa người sản xuất với doanh nghiệp, tạo ra thị trường, ứng dụng những khoa học công nghệ cao hơn nữa. Nhiều người đặt những câu hỏi về kim ngạch xuất khẩu năm sau dự kiến đạt được bao nhiêu? Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đặt mục tiêu như thế nào cho tăng trưởng năm tới?
Tuy nhiên, tôi xin nhắc lại có những cái có thể đong đo đếm được bằng số liệu nhưng có những cái không đong đo đếm được bằng số liệu. Có thể nó chưa thể hiện được vào tăng trưởng năm 2024 nhưng mang lại kết quả cho năm 2025 và các năm tiếp theo.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển đang xây dựng một cái thang chỉ số để đo đếm chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn. Ở đó, Bộ sẽ không chỉ nhìn vào con số tăng trưởng toàn ngành nông nghiệp hay kim ngạch xuất khẩu mà còn đo lường được thu nhập của người nông dân. Đây mới mới là yếu tố quan trọng nhất. Giá bán không quyết định thu nhập.
Lợi nhuận là bài toán trừ chi phí chứ không chỉ là vấn đề đầu ra. Thị trường, giá cả đầu ra chúng ta không quyết định được, đó là quy luật cung cầu. Việt Nam không phải là quốc gia duy nhất tạo ra nông sản. Chúng ta bán sầu riêng sang thị trường Trung Quốc thì Thái Lan, Malaysia cũng bán sầu riêng sang thị trường này. Chúng ta bán quả xoài sang thị trường Nhật Bản thì người Thái Lan họ cũng bán quả xoài sang thị trường Nhật Bản. Rõ ràng, chúng ta có thể quyết định được giá và có thể quy định giá nếu kéo giảm chi phí đầu vào. Khi chi phí đầu vào giảm một đồng thì lợi nhuận sẽ tăng được một đồng. Và ở đây, chúng tôi nhấn mạnh tư duy hợp tác, hợp tác và hợp tác. Việc này giúp bà con nông dân giảm bớt rủi ro về giá, về thị trường, có thể giảm chi phí và gia tăng lợi nhuận.a
Phóng viên: Xin cảm ơn Bộ trưởng đã trả lời phỏng vấn của phóng viên Đài TNVN!