2020 – Ngoại giao đạt nhiều thành tựu lớn song phương và đa phương

Châu Anh
Chia sẻ
(VOV5) - Việt Nam đang ngày càng đóng vai trò chủ động và dẫn dắt các vấn đề của khu vực và của thế giới. 

Trong cuộc trả lời phỏng vấn của báo chí dịp cuối năm vừa qua, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh khẳng định, Việt Nam đã chủ động, sẵn sàng cùng với khu vực và thế giới thích ứng với những khó khăn do đại dịch Covid 19 gây ra, đồng thời tham gia với vai trò hòa giải trong đời sống quan hệ quốc tế. Phó Thủ tướng cho rằng, Việt Nam đang ngày càng đóng vai trò chủ động và dẫn dắt các vấn đề của khu vực và của thế giới. VOV5 trân trọng giới thiệu cuộc trả lời phỏng vấn của Phó thủ tướng Phạm Bình Minh.

2020 – Ngoại giao đạt nhiều thành tựu lớn song phương và đa phương - ảnh 1Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh

Nghe nội dung phỏng vấn tại đây:

Phóng viên: Thưa Phó Thủ tướng, năm 2020 là một năm khác biệt và đặc biệt khó khăn do đại dịch Covid 19, ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống chính trị, kinh tế, xã hội, trong đó bao gồm cả ngoại giao. Trong bối cảnh không thuận lợi đó, Việt Nam vẫn đạt  được những dấu ấn đối ngoại quan trọng. Xin Phó Thủ tướng có thể chia sẻ những thành tựu đối ngoại quan trọng của chúng ta năm 2020 vừa qua?

PTT Phạm Bình Minh: Khi đại dịch Covid xảy ra, hoạt động đối ngoại chung của thế giới đều bị ảnh hưởng, chúng ta cũng vậy. Nhưng trong năm 2020 chúng ta vẫn triển khai được các hoạt động đối ngoại quan trọng cả song phương và đa phương. Việc chúng ta duy trì được quan hệ với các đối tác không phải qua các chuyến thăm mà chúng ta đã chuyển đổi hình thức điện đàm, trực tuyến. Trong năm 2020 chúng ta đã có 33 cuộc điện đàm, họp trực tuyến cấp cao với hầu hết các nước quan trọng trên thế giới, với những nội dung hợp tác vẫn được thống nhất và triển khai. Trong khi trung bình hàng năm thì khoảng 10-20 chuyến thăm cấp cao.

Năm 2020, chúng ta phải đảm nhiệm chủ tịch ASEAN 2020 và chủ tịch AIPA, đồng thời là thành viên không thường trực của HĐBALHQ. Cho đến thời điểm này chúng ta đã hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ này với những kết quả hết sức cụ thể: Đó là tiếp tục vai trò đoàn kết, gắn kết, vai trò trung tâm của ASEAN trong việc thích ứng với các biến động trên thế giới khu vực cũng như từng nước. Chúng ta cũng đóng góp vào việc giải quyết các vấn đề của HĐBA với tâm thế của một quốc gia có tiếng nói đại diện cho các nước đang phát triển trung bình và nhỏ trong HĐBA.

Về hội nhập kinh tế, chúng ta đã triển khai thúc đẩy thông qua phê chuẩn FTA với EU, đồng thời thúc đẩy các nước ký kết RCEP đóng góp thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước.

Đối với công tác bảo hộ công dân, trong năm 2020 nhu cầu cũng cao hơn rất nhiều lần. Do đại dịch Covid 19, Việt Nam là một trong số ít các nước đã đưa công dân mắc kẹt từ các nước trở về nước. Chúng ta đã triển khai hơn 260 chuyến bay mang theo 77 nghìn người từ 59 quốc gia và vùng lãnh thổ trở về nhà an toàn.

Phóng viên: Như Phó thủ tướng vừa chia sẻ, trong năm 2020, chúng ta đã đảm nhiệm vai trò kép, vừa là Chủ tịch luân phiên của ASEAN, vừa là Uỷ viên không thường trực HĐBA nhiệm kỳ 2020-2021 một cách xuất sắc. Với hai vai trò vị trí quan trọng như vậy thì chúng ta kết hợp như thế nào để cân bằng được lợi ích của ASEAN trong Liên Hợp quốc, vừa thể hiện được tiếng nói của Việt Nam tại diễn đàn đa phương?

PTT Phạm Bình Minh: Với vai trò Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, chúng ta đã phát huy tốt, kết hợp được với vai trò Chủ tịch của ASEAN đưa được vào 2 nội dung hết sức quan trọng, đó là tổ chức được phiên họp mở của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc về việc tăng cường thực thi Hiến chương Liên Hợp Quốc. Đây là cuộc họp mở có sự tham gia đông đảo nhất nếu không nói là đông đảo nhiều nhất trong vài năm qua tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Điều đó để nói lên là chúng ta đã đi cùng tiếng nói chung, nguyện vọng chung của các nước đều mong muốn trước tiên các nước thành viên của Liên Hợp Quốc phải tôn trọng Hiến chương Liên Hợp Quốc, đề cao vai trò của luật pháp quốc tế trong việc xử lý các vấn đề.

Cũng trong tháng Chủ tịch của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc chúng ta đã đưa được vấn đề là quan hệ hợp tác giữa Hội đồng Bảo an với ASEAN. Đây cũng là lần đầu tiên chúng ta đã đưa được vấn đề quan nêu cao được sự hợp tác giữa Hội đồng Bảo an với một tổ chức khu vực, đó là ASEAN. Bởi chúng ta có được vai trò là Chủ tịch ASEAN nên chúng ta đã lồng ghép và đưa được vấn đề đó vào trong Hội đồng Bảo an. Hay nói cách khác là chúng ta đã nêu được vai trò, hình ảnh của ASEAN tại Hội đồng Liên Hợp Quốc.

Phóng viên: Phó thủ tướng đánh giá như thế nào về xu hướng của năm 2021 và công tác đối ngoại của chúng ta sẽ tiếp tục được triển khai như thế nào?

PTT Phạm Bình Minh: Dự báo tình hình thế giới và khu vực năm 2021 có lẽ sẽ tiếp tục biến động, trong đó có dịch bệnh Covid-19. Đó là những thách thức đối với tất cả các nước và đối với Việt Nam. Nhưng đồng thời chúng ta cũng nhìn nhận có rất nhiều cơ hội, đó là xu thế mong muốn hòa bình tiếp tục phát triển. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang phát triển, trong đó kinh tế số,  những vấn đề liên quan đến công nghệ cao là những cơ hội phát triển không chỉ về kinh tế xã hội mà còn tạo ra những phương thức hoạt động mới cho chúng ta. Với tình hình như vậy, trong năm 2021, chúng ta sẽ tiếp tục củng cố, làm sâu sắc hơn quan hệ của Việt Nam với các nước, các đối tác, đặc biệt các đối tác chiến lược, các đối tác toàn diện, các nước láng giềng.

Việt Nam tiếp tục chủ động hội nhập quốc tế thông qua các hoạt động ở Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Nhưng đồng thời trong ASEAN, chúng ta phải làm sao phát huy được những kết quả của năm Chủ tịch vừa qua, tiếp tục duy trì đà phát triển của ASEAN cũng như những sáng kiến, những nội dung của ASEAN trong năm 2020.

Việt Nam đã tham gia, đã ký kết các hiệp định thương mại tự do và tiếp tục sẽ có các hiệp định thương mại tự do được phê chuẩn. Vì vậy phải làm sao thực thi một cách hiệu quả, tận dụng được các cơ hội của các hiệp định thương mại tự do đã mang lại.

Nhiệm vụ quan trọng nhất, đó là duy trì môi trường hòa bình, ổn định, bảo vệ độc lập, chủ quyền biển đảo của đất nước. Đó là mục tiêu hết sức lớn lao xuyên suốt.  Và trong bối cảnh dịch bệnh còn nhiều diễn biến phức tạp, công tác bảo hộ công dân cũng sẽ là một trọng tâm của ngành ngoại giao trong thời gian tới.

Phóng viên: Phó Thủ tướng vừa nhắc đến một nhiệm vụ quan trọng của đối ngoại, đó là đảm bảo môi trường hòa bình, ổn định, bảo vệ độc lập, chủ quyền biển đảo của đất nước. Vậy trong năm qua, chúng ta đã làm gì để đảm bảo được chủ quyền cũng như duy trì được sự ổn định, thượng tôn pháp luật quốc tế tại Biển Đông?

PTT Phạm Bình Minh: Trước tiên phải nói là tình hình biển Đông thì trong năm 2020 cũng vẫn tiếp tục diễn ra phức tạp và có nhiều yếu tố làm cho tình hình bất ổn định, song chúng ta đã tiếp tục duy trì được môi trường ổn định ở Biển Đông thông qua nhiều biện pháp, trong đó các biện pháp về quan hệ song phương với các nước. Trong tất cả các cuộc trao đổi của lãnh đạo cấp cao với các nước cũng như trong các cuộc tiếp xúc của các cấp, vấn đề biển Đông luôn luôn được Việt Nam nêu. Với mục tiêu, yêu cầu phải đảm bảo được môi trường hòa bình, ổn định tại Biển Đông, tôn trọng luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982), không có các hành động làm phức tạp tình hình tại Biển Đông. Đó là chủ đề xuyên suốt các nội dung xuyên suốt của chúng ta.

Thứ hai, tại các hội nghị quốc tế và đặc biệt trong ASEAN chúng ta đã đưa vấn đề Biển Đông, để Biển Đông tiếp tục là vấn đề được quan tâm trong ASEAN. Trong năm Chủ tịch ASEAN, chúng ta tiếp tục nêu và tạo được sự đồng thuận, ủng hộ của trong ASEAN cũng như bên ngoài. Quan trọng nhất đó là vấn đề tuân thủ luật pháp quốc tế, coi UNCLOS 1982 là cơ sở pháp lý cho quyền và lợi ích hợp pháp của các nước. Đây là nội dung được nêu trong các văn kiện của ASEAN và được các nước ASEAN đồng thuận, được các nước bên ngoài ủng hộ. Trên thực tế các nước trong năm 2020 đã nhấn mạnh nhiều vào yếu tố tuân thủ luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982.

Thứ ba, chúng ta vẫn tiếp tục các hoạt động kinh tế bình thường trên những vùng biển hợp pháp trong vùng đặc quyền kinh tế của chúng ta.

Phóng viên: Vâng, xin trân trọng cảm ơn Phó Thủ tướng !

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu