Thông tin về địa danh Đèo Lũng Lô; triển vọng phát triển du lịch Halal, các di sản văn hóa

Chia sẻ
(VOV5) - Tuần qua, gửi thư về chương trình, thính giả ở khắp nơi chia sẻ nhiều tình cảm với Đài TNVN và các ngày lễ lớn của dân tộc Việt Nam.

Gửi thư về chương trình, thính giả muốn được thông tin về đèo Lũng Lô, địa danh gắn liền với chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ; triển vọng phát triển ngành du lịch Halal; những di sản văn hóa được Tổ chức Khoa học văn hóa và giáo dục của Liên hợp quốc UNESCO công nhân.

Nghe âm thanh tại đây:
 

Chào quý vị, chào các bạn,

Tuần qua, gửi thư về chương trình, thính giả ở khắp nơi chia sẻ nhiều tình cảm với Đài TNVN và các ngày lễ lớn của dân tộc Việt Nam.

Thính giả Najimudin, đại diện  Câu lạc bộ những thính giả nghe đài quốc tế ở Tây Bengal, Ấn Độ gửi thông báo đã  bắt được sóng các chương trình của Đài TNVN. Thính giả viết: Thông qua các chương trình của các bạn, tôi đã biết thêm nhiều thông tin về Việt Nam. Thính giả Tomas Tolkaz, từ Ba Lan cũng gửi báo cáo về các chương trình của Đài mà ông đã bắt được sóng và ghi lại được. Những tin tức quốc tế và những chương trình luôn làm tôi thích thú vì những thông tin đang tin cậy. Thính giả Diego Echeverri, ở Colombia, chia sẻ ông nghe VOV được 18 năm. VOV đã trở thành người bạn đáng tin cậy với ông suốt thời gian qua. Nghe các bài viết trên trang web vov5, nhiều thính giả cũng có các yêu cầu như chị Vũ Thị Hương muốn được kết nối với Hội người Việt Nam ở Kazaxtan hoặc là Nguyễn Thành An cũng rất thích khi đọc bài viết về Lễ hội chùa Bà Thiên Hậu ở Bình Dương.. Nhiều thính giả cũng chúc mừng người dân Việt Nam nhân các ngày kỷ niệm 30-4, 1-5 và 70 năm chiến thứng Điện Biên Phủ.

Thính giả Thongsing gửi thư về chương trình, muốn tìm hiểu về địa danh đèo Lũng Lô. Chúng tôi xin thông tin:

Nằm giữa ranh giới của tỉnh Sơn La và tỉnh Yên Bái, Đèo Lũng Lô chính là đoạn đường huyết mạch để tiếp tế lương thực, chuyển quân nhằm phục vụ mục tiêu đánh tan cứ điểm Điện Biên Phủ. Cung đường huyền thoại ghi nhận biết bao dấu ấn lịch sử này trở thành một trong những cung đường phượt vô cùng nổi tiếng tại tỉnh Yên Bái. Đèo Lũng Lô dài 15 km,  trải qua biết bao thăng trầm, con đèo huyền thoại này giờ đây đã thay đổi khá nhiều so với lúc trước, nhiều khúc đèo bị cắt thành nhiều đoạn. Tuy nhiên những dấu ấn lịch sử đặc sắc thì vẫn mãi còn tồn tại, ghi lại những năm tháng đấu tranh hào hùng của dân tộc Việt Nam. Bởi vì tầm quan trọng của đoạn đường này mà trong suốt thời kỳ kháng chiến, Đèo Lũng Lô luôn được bộ đội công binh, thanh niên xung phong và dân công hỏa quyết tâm canh giữ và bảo vệ đến hơi thở cuối cùng. Hành trình của bạn sẽ càng thêm tuyệt vời hơn nếu chinh phục Đèo Lũng Lô trở thành một trong những mục tiêu nhất định phải đạt được trong chuyến khám phá và trải nghiệm.

Thính giả Sok Kim Heng, ở Campuchia, muốn tìm hiểu về triển vọng phát triển du lịch Halal tại Việt Nam.

Theo báo cáo chỉ số Hồi giáo toàn cầu, năm ngoái, có khoảng 140 triệu lượt khách du lịch Halal (còn gọi du lịch thân thiện với người Hồi giáo) đi du lịch khắp nơi trên thế giới. Dự kiến đến năm 2028, con số này sẽ lên tới khoảng 230 triệu lượt, chi tiêu lên tới 225 tỷ USD. Cho đến nay, Việt Nam mới đón được chưa đầy 1 triệu khách du lịch Halal. Việt Nam đang nỗ lực để thu hút dòng khách du lịch này. Du lịch Halal tuân thủ các nguyên tắc và quy định của đạo Hồi, bao gồm các dịch vụ như ăn uống, điểm cầu nguyện, di chuyển, giải trí và mua sắm. Các du khách Halal không chỉ quan tâm đến các điểm đến nổi tiếng, mà còn phải đáp ứng được tiêu chí riêng của người Hồi giáo. Hiện nay ở Việt Nam, cộng đồng Islam giáo có xấp xỉ 100.000 tín đồ, tập trung ở 14 tỉnh, thành phố. Tuy nhiên, Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn và thách thức trong việc khai thác thị trường này, như thiếu thông tin, hiểu biết và nhận thức về văn hóa Hồi giáo; thiếu chứng nhận Halal cho các sản phẩm và dịch vụ; thiếu hợp tác và liên kết với các tổ chức và doanh nghiệp Halal; thiếu chiến lược và chính sách thúc đẩy du lịch Halal. Vì vậy, Việt Nam cần có những giải pháp cụ thể để khắc phục những hạn chế này và tận dụng cơ hội từ thị trường du lịch Halal. Đó là du lịch phải tương thích, các ẩm thực Halal, không gian văn hóa Halal và đặc biệt là người phục vụ, nguồn nhân lực du lịch của Việt Nam cần phải đào tạo để hiểu theo phong cách phục vụ cho người Hồi giáo.

Thính giả Lay Vuthy, người Campuchia, muốn tìm hiểu về vai trò của gia đình người Việt đối với văn hóa đọc cho giới trẻ

Từ góc độ gia đình, sự quan tâm, hướng dẫn chỉ bảo của bố mẹ sẽ tạo cho giới trẻ thói quen đọc sách lành mạnh và những kỹ năng cần thiết để lựa chọn sách đọc. Vì vậy, để hình thành thói quen đọc sách mang tính “bền vững” phải đặt những viên gạch đầu tiên từ chính gia đình. Mỗi đứa trẻ khi lớn lên, được nuôi dưỡng thói quen đọc sách từ sớm sẽ giúp chúng hình thành tính cách này đến lúc trưởng thành. Do vậy muốn phát triển văn hóa đọc phải làm sao tạo dựng thói quen đọc sách cho trẻ từ nhỏ. Gia đình là môi trường tuyệt vời để hình thành thói quen đọc sách cho trẻ nhỏ. Muốn trẻ ham mê đọc sách, bản thân bố mẹ phải là người có thói quen đó. Tuy nhiên, trong bối cảnh cuộc sống hiện đại, văn hóa đọc trong mỗi gia đình đang có nhiều thách thức. Sự phát triển mạnh của công nghệ, sự xuất hiện tràn lan của các phương tiện giải trí như youtube, facbook, tiktok…hay  sự thiếu hụt về thời gian chăm sóc con cái của cha mẹ, do áp lực ngày càng lớn của công việc.. khiến thói quen đọc sách bị mờ nhạt dần. Ít gia đình hình thành được một thói quen lâu dài và bền chặt cho các thành viên của mình với việc đọc sách. Vì vậy, vai trò của mỗi gia đình trong hành trình xây dựng một văn hóa đọc bền vững vô cùng quan trọng. Thành hay bại, tất cả đều ở sự quyết tâm, đồng lòng và công sức của mỗi gia đình trong xã hội.

Thính giả Algeria, Naghmouchi Nouari, hỏi Việt Nam có những di sản nào đã được UNESCO công nhận?

8 di sản văn hóa Việt Nam tự hào được UNESCO công nhận, trong đó 5 di sản vật thể và 3 di sản phi vật thể. 5 di sản vật thể là Phố cổ Hội An, Thánh địa Mỹ Sơn, Cố đô Huế, Hoàng Thành Thăng Long và Thành Nhà Hồ. 3 di sản phi vật thể là Nhã nhạc cung đình Huế, không gian văn hóa cồng Chiêng Tây nguyên và Dân ca quan họ…

Thính giả Heinz Günter Hessenbruch, ở Remscheid, Đức, hỏi người Việt Nam ăn gì cho bữa sáng? Giữa bữa trưa và bữa tối người Việt có ăn bữa phụ không?

Bữa sáng, người Việt có nhiều thói quen khác nhau. Người thì ăn sáng ở nhà gồm bánh mỳ, bún phở cà phê…, số khác thì ăn sáng ở các quán ăn ngoài đường với các món như bún phở, bánh mỳ, xôi, cà phê…

Giữa bữa trưa và bữa tối, người Việt cũng có ăn bữa phụ với những thức ăn nhẹ khác bữa chính, bữa phụ không cần đầy đủ bốn nhóm bột, đạm, đường, béo và rau quả. Nhiều loại thực phẩm tốt cho bữa phụ như: chuối, khoai lang, khoai mì, đậu phộng luộc, mía, sinh tố, xôi, bánh bao...

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu