Chúc mừng 77 năm VOV cùng phần trả lời thinh giả về văn hóa Việt Nam

Chia sẻ
(VOV5) - Qua chương trình, thính giả cũng mong muốn được thông tin về một số nội dung về đời sống và văn hóa của người Việt.

Tuần qua, chương trình nhận được thư của khá nhiều thính giả ở trong nước và nước ngoài chúc mừng 77 năm, ngày lập Đài TNVN và Phát thanh đối ngoại. Qua chương trình, thính giả cũng mong muốn được thông tin về một số nội dung về đời sống và văn hóa của người Việt.

Nghe âm thanh tại đây:
 

Chào quý vị, chào các bạn,

Những ngày này, mái nhà Ban đối ngoại VOV5 luôn rực rỡ, ngập tràn không khí Kỷ niệm 77 năm ngày thành lập Đài TNVN nói chung và 77 năm Chương trình phát thanh đối ngoại. Xin gửi lời tri ân tới các thính giả, các cộng tác viên đã và đang đồng hành cùng các chương trình và mong  luôn nhận được nhiều sự động viên và góp ý chân thành cho chúng tôi. Những lá thư tuần này, chúng tôi xin tiếp tục được mở:

Rất nhiều thính giả đã gửi lời chúc mừng nhân kỷ niệm 77 năm thành lập Đài Tiếng nói Việt Nam; bày tỏ sự thú vị khi được nghe và xem các chương trình…Các thính giả cũng mong muốn được nghe nhiều bài viết hay về đất nước và con người, văn hóa Việt Nam, được nghe các giọng đọc thân thuộc của Biên tập viên các chương trình. Chương trình cũng kết nối với thính giả là người Việt ở các nước để trao đổi thông tin về tình hình đất nước và nắm bắt được các hoạt động của người Việt ở sở tại.

Quý thính giả thân mến, khá nhiều thính giả muốn được biết về địa danh quảng trường Ba Đình, gắn với sự kiện trọng đại của dân tộc.

Theo nhà sử học Dương Trung Quốc, không gian của Quảng trường Ba Đình ngày 2/9/1945, đã trở thành một lễ đài rất trang nghiêm và hội tụ lòng dân vào trong nền độc lập của đất nước. Theo tài liệu lịch sử, Quảng trường Ba Đình xưa là cổng phía Tây của Kinh thành Thăng Long, nơi đây còn được gọi là Quảng trường Tròn. Đó là một khu đất gồm những bãi đất hoang và hồ ao mới lấp, rộng hàng chục héc-ta cạnh Phủ Toàn quyền Pháp (sau này là Phủ Chủ tịch). Tên Quảng trường Ba Đình do bác sỹ Trần Văn Lai, người giữ chức Thị trưởng Thành phố từ ngày 20/7 đến 19/8/1945 đặt tên. Sở dĩ, Thị trưởng Trần Văn Lai đặt tên là Ba Đình vì ông cảm phục nghĩa quân Đinh Công Tráng đã chống Pháp rất anh dũng ở căn cứ Ba Đình, huyện Nga Sơn, Thanh Hóa vào những năm cuối thế kỷ XIX. Ngày 19/8/1945,cách mạng tháng 8 thành công, giành chính quyền về tay nhân dân. Có nhiều địa điểm được đưa ra lựa chọn để làm nơi diễn ra sự kiện trọng đại - Lễ Độc lập và cuối cùng Quảng trường Ba Đình đã được chọn. Cho tới ngày hôm nay, Quảng trường Ba Đình vẫn luôn được mỗi người dân Việt Nam trân trọng và là địa danh thu hút du khách tham quan để tìm hiểu về lịch sử dân tộc.

Với câu hỏi của thính giả Walang Mpa, từ Jawa Barat, Indonesia,  nón lá có được sử dụng phổ biến ở Việt Nam không? Chúng tôi xin thông tin:

Theo các nhà nghiên cứu, chiếc nón lá đẹp, phù hợp với người phụ nữ Việt, nhưng nón lá dần biến mất khỏi đời sống hiện đại: trước tiên, do thay đổi tốc độ giao thông, sau đó do sự thay đổi của trang phục, thân phận phụ nữ. Phụ nữ xưa chỉ làm nội trợ; trừ nữ nông thôn gồng gánh, phụ nữ đi lại thong thả, duyên dáng, nón lá góp phần làm đẹp thêm nét duyên dáng ấy. Nay phụ nữ làm mọi việc như đàn ông, cũng cần nhanh và gọn gàng hơn.

Về câu hỏi có nhiều làng nghề còn làm nón không, chúng tôi xin được trả lời:

Trên đất nước Việt Nam chúng ta hầu như ở địa phương nào cũng có nghề làm nón. Những chiếc nón được sản xuất ra với mục đích đội đầu che nắng che mưa, nhưng ở mỗi vùng miền lại có những đặc trưng riêng trong cách sản xuất nhưng có thể nói Huế là trung tâm sản xuất nón lá của cả nước. Nghề làm nón lá hình thành và phát triển ở Huế từ hàng trăm năm nay, với rất nhiều làng nón nổi tiếng như: Dạ Lê, Phú Cam, Đốc Sơ, Triều Tây, Kim Long, Sịa... Ngày nay, các làng nghề nổi tiếng như Tây Hồ Xã Phú Hồ, Mỹ Lam xã Phú Mỹ huyện Phú vang, Phú Cam, Phước Vĩnh, Đốc Sơ, Triều Tây, Hương Sơ, TP Huế cho ra thị trường hàng triệu chiếc nón, không chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của người dân, mà còn là món quà lưu niệm đặc sắc cho du khách bốn phương khi đến Huế.

Thính giả Keo Rithy, ở Campuchia, muốn tìm hiểu về Làng nghề đậu bạc truyền thống ở Hà Nội.

Theo sử gia Phan Huy Chú, nghề đậu bạc Định Công đã có khoảng 1500 năm nay. Sản phẩm đậu bạc của Định Công nức danh khắp đất Kinh kỳ xưa và nhiều nghệ nhân được vào Kinh thành làm đồ trang sức cho Triều đình Làng Định Công hiện nay nằm bên bờ sông Tô Lịch, thuộc huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội. Để có được một sản phẩm bạc đậu, những người thợ phải mất tới hàng chục ngày công với những thao tác công phu, tỉ mỉ, đòi hỏi kỹ thuật, tay nghề cao. Người làm nghề phải nắm chắc 4 kỹ thuật cơ bản: trơn, đấu, chạm, đậu. Trong đó, kĩ thuật đậu bạc đòi hỏi phải có bàn tay khéo léo và nhỏ nhắn, tỉ mỉ. Sản phẩm đậu bạc đạt yêu cầu phải đậu đều tay, hàn luột, không đọng vảy và các chi tiết hài hòa, cân xứng.

 Một số thính giả muốn được thông tin về về hóa thạch được trưng bày trong bảo tàng thiên nhiên:

Lần đầu tiên tại Việt Nam, hàng nghìn mẫu vật hóa thạch được Bảo tàng Hóa thạch Hà Nội trưng bày tại Triển lãm “Hóa thạch - Hành trình khám phá nguồn gốc sự sống trên Trái đất”. Ở đây, khách tham quan có thể chiêm ngưỡng, chạm tay vào một số hóa thạch là những sinh vật đã từng tồn tại cách đây hàng tỷ, hàng trăm triệu năm được Bảo tàng Hóa thạch Hà Nội kỳ công sưu tập khắp nơi trên thế giới. Đó có thể là những sinh vật đã tuyệt chủng hay là những sinh vật là nguồn cơn cho sự tiến hóa phát triển của sinh giới… đang được lưu giữ trong từng lớp đá tưởng chừng như vô tri kia. Đó là Tay cuộn, Bọ Ba Thùy, Huệ biển, Hóa thạch răng người Homo Sapiens, hóa thạch Cù kỳ, đốt thân Huệ biển, hóa thạch Cúc đá, hóa thạch san hô, các hóa thạch Na Dương… tại Thừa Thiên Huế, Bắc Kạn, Hải Dương, Lạng Sơn, Quảng Bình, Quảng Nam, Hà Giang, Thái Nguyên. Hay đó là những hóa thạch quý giá được trưng bày tại triển lãm, như: Hóa thạch khủng long, viên đá cổ nhất Việt Nam có niên đại 2.936 tỷ năm, thương long, hóa thạch răng Megalodon…Đặc biệt là bộ sưu tập hóa thạch san hô và mẫu hổ phách lông vũ khủng long mà Bảo tàng Hóa thạch Hà Nội đang sở hữu được các chuyên gia đánh giá là hiếm và mang tính quý giá đối với ngành Cổ sinh vật học.

Từ Tokyo, Nhật Bản, thính giả Osam Mukudai mong muốn được nghe giới thiệu về cafe Việt Nam.

Cà phê không chỉ là thức uống mà còn là văn hóa, lối sống của người Việt. Những sáng tạo độc đáo như cà phê trứng, cà phê muối... đã chinh phục nhiều tín đồ ẩm thực thế giới. Cây cà phê đầu tiên được người Pháp mang đến Việt Nam vào năm 1857, từ các đồn điền nhất nhì Đông Dương này, cây cà phê đã có những trở mình mạnh mẽ, trở thành một trong những cây trồng có giá trị xuất khẩu cao nhất (sau lúa gạo). Trong những năm gần đây các ban ngành, nhà nước đã tìm cách nâng cao chất lượng cà phê xuất khẩu, bao gồm việc mở rộng các vùng sản xuất cà phê chè – Ngày nay chủ yếu được trồng ở các tỉnh phía Bắc như Quảng Trị (Quảng Trị) và Sơn La. Tuy nhiên, khu vực quan trọng nhất về cà phê nói chung vẫn là Tây Nguyên (Đăk Lăk, Kon Tum và Lâm Đồng. Tây Nguyên đã dẫn đầu sản xuất cà phê Robusta cả về diện tích và sản lượng. Có 5 loại cà phê phổ biến được ưa chuộng hiện nay là : Robusta, Arabica, Cherri, Moka, Culi.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu