Diễn đàn nước thế giới (WWF) lần thứ 10 diễn ra từ ngày 18 đến 24/05 tại Bali, Indonesia. Theo giới chuyên gia, trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt, nước đang trở thành một trong những vấn đề toàn cầu cấp bách nhất mà các quốc gia trên toàn thế giới phải chung tay giải quyết trong thời gian tới.
Logo Diễn đàn Nước thế giới lần thứ 10. Nguồn: WWF |
Là sự kiện lớn nhất thế giới được tổ chức 3 năm/lần để thảo luận về các vấn đề liên quan đến nước, Diễn đàn nước thế giới (WWF) lần thứ 10 năm nay có chủ đề “Nước cho sự thịnh vượng được sẻ chia”. Khoảng 30.000 đại biểu đến từ 172 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có nguyên thủ và lãnh đạo nhiều quốc gia, tham dự sự kiện. Theo Loic Fauchon, Chủ tịch Hội đồng nước thế giới (WWC), số lượng tham gia đông đảo tại WWF 10 cho thấy các vấn đề liên quan đến an ninh nguồn nước đang ngày càng mang quy mô toàn cầu và trở thành thách thức lớn với nhiều quốc gia.
Zane Swanson, chuyên gia về an ninh lương thực và nước toàn cầu, đến từ Trung tâm nghiên cứu quốc tế và chiến lược – CSIS (Anh), cho rằng những đợt hạn hán và thiếu nước trầm trọng trong những năm qua, mới nhất là tại Tây Ban Nha, Mexico, Zambia… là dấu hiệu cho thấy thế giới đang tiến gần đến một cuộc khủng hoảng nước toàn cầu. Số liệu của Cơ quan Môi trường Liên hiệp quốc (UNEP) cho thấy khoảng 4 tỷ người, tức 1/2 dân số thế giới, thiếu nước sinh hoạt ít nhất 1 tháng trong năm. Tổ chức Nông lương LHQ (FAO) cũng dự báo sang năm tới (2025), khoảng 1,8 tỷ người trên toàn cầu rơi vào tình trạng “khan hiếm nước cùng cực”. Đến năm 2030, các yêu cầu về nước ngọt trên toàn cầu sẽ vượt quá 40% so với nguồn cung. Cơ sở hạ tầng về nước cũng đang là vấn đề cấp bách, khi thế giới dự kiến cần khoảng 6,7 ngàn tỷ USD vào năm 2030 và 22,6 ngàn tỷ USD vào năm 2050 để xây dựng hạ tầng nước nhưng hiện chi tiêu cho vấn đề nước chỉ chiếm trung bình 2% chi tiêu công trên phạm vi toàn cầu. Thực trạng này càng khiến vấn đề ô nhiễm nguồn nước trầm trọng hơn. Phó Tổng thư ký LHQ phụ trách các vấn đề kinh tế và xã hội, ông Li Junhua, cho biết: “Bất chấp một số tiến bộ đáng kể, thế giới vẫn đang đối mặt với tình trạng khẩn cấp về cơ sở hạ tầng. Hơn 2 tỷ người trên trái đất hiện không được tiếp cận với nguồn nước uống được quản lý an toàn”.
Indonesia đã triển khai khoảng 17.000 nhân viên an ninh để đảm bảo an toàn cho Hội nghị. Nguồn: WWF |
Sự khan hiếm và suy kiệt các nguồn nước đang làm gia tăng các căng thẳng xã hội tại nhiều quốc gia. Tại Mexico, từ đầu năm nay đụng độ đã xảy ra giữa những cộng đồng ở miền Tây nước này do tranh chấp nguồn nước. Ở cấp độ quốc gia, vấn đề về các con đập xây trên 2 con sông Tigris và Euphrates cũng gây ra các tranh cãi giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Iraq. Theo Thư ký điều hành Ủy ban Kinh tế Liên hiệp quốc tại châu Âu (UNECE), bà Olga Algayerova, các tranh chấp về nước xuyên biên giới đang gia tăng tại nhiều khu vực trên thế giới và hiện mới chỉ trên 20 quốc gia xây dựng được các thỏa thuận hợp tác cùng khai thác các lưu vực sông xuyên biên giới. Việc thiếu vắng các cơ chế hợp tác này không chỉ khiến thế giới khó đạt được mục tiêu phát triển bền vững 6.5 (SDG 6.5) về “triển khai việc quản lý tài nguyên nước hợp nhất ở mọi cấp độ” mà còn gia tăng nguy cơ xung đột, đặc biệt nếu có các hành động đơn phương. Do đó, theo bà Algayerova, xây dựng các cơ chế hợp tác liên biên giới để quản lý nguồn nước là thách thức lớn với cộng đồng quốc tế: “Biến đổi khí hậu tác động nghiêm trọng đến các lưu vực sông liên biên giới và việc áp dụng các biện pháp thích ứng đơn phương có thể dẫn đến việc thích ứng sai lầm, tạo nên rủi ro và căng thẳng. Ngược lại, hợp tác liên biên giới giúp việc thích ứng với biến đổi khí hậu hiệu quả hơn, thông qua việc chia sẻ dữ liệu, chi phí và lợi ích”.
Trong nội bộ các quốc gia và vùng lãnh thổ, một vấn đề lớn khác liên quan đến nước là việc xây dựng các chính sách quản lý tài nguyên nước một cách công bằng cho các thành phần dân cư. Theo số liệu của Hội đồng nước thế giới, các cư dân bản địa hay các thổ dân liên quan đến 80% hệ sinh thái thủy sinh trên thế giới nhưng tại nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ, những người này hầu như không có tiếng nói trong việc xây dựng các chính sách quản lý nguồn nước. Francisco Cali Tzay, Báo cáo viên đặc biệt của LHQ về quyền của người bản địa, cho biết: “Việc loại bỏ những người bản địa ra khỏi việc quản lý nguồn nước và vệ sinh tác động đến đời sống kinh tế xã hội và quyền của người bản địa. Hầu hết các hệ thống quản lý nguồn nước quốc gia ở các nước đều hoạt động mà không có sự đồng tình của người bản địa”.
Theo các chuyên gia, các vấn đề liên quan đến nước sẽ ngày càng trở nên cấp bạch hơn cùng với tốc độ của biến đổi khí hậu, bởi 9/10 hiện tượng biến đổi khí hậu cực đoan nhất, như: hạn hán, lũ lụt, cạn kiệt nước ngầm, băng tan, suy giảm đa dạng sinh học… có liên quan đến nước.