Ngày 09/12 hằng năm được Liên hiệp quốc (LHQ) chọn là Ngày Quốc tế phòng chống tham nhũng. Theo các chuyên gia, cuộc chiến chống tham nhũng hiện nay trên thế giới gặp nhiều thách thức trong bối cảnh xung đột gia tăng tại nhiều khu vực, đồng thời vấn đề minh bạch trong các cuộc đàm phán về khí hậu ngày càng trở nên cấp bách.
Ảnh minh hoạ: CNBCTV18 |
Tham nhũng là thách thức mang tính toàn cầu trong nhiều thập kỷ qua và chống tham nhũng luôn là một trong những ưu tiên hành động lớn nhất trong lĩnh vực quản trị toàn cẩu của LHQ và các tổ chức quốc tế. Tuy nhiên, cuộc chiến chống tham nhũng trên thế giới đang chứng kiến nhiều bước lùi trong những năm gần đây. Trong báo cáo về Chỉ số cảm nhận tham nhũng (CPI) công bố đầu năm nay, Tổ chức Minh bạch quốc tế (TI) nhận định sự suy yếu của các hệ thống nhà nước pháp quyền trên thế giới đang khiến tham nhũng tăng mạnh tại nhiều khu vực trên thế giới trong giai đoạn từ 2016-2023, thể hiện rõ nhất ở việc có 23 quốc gia rơi xuống mức xếp hạng thấp nhất từ trước đến nay, trong đó có cả sự tụt lùi của những quốc gia dân chủ vốn có tiếng là minh bạch, như: Iceland, Hà Lan, Thụy Điển. Ngoài ra, 2/3 trong tổng số 180 quốc gia được TI xếp hạng có số điểm dưới trung bình (50 điểm) và chỉ số CPI trung bình toàn cầu (43 điểm) không được cải thiện trong 12 năm liên tiếp. Khoảng 155 quốc gia trên thế giới không ghi nhận tiến bộ nào trong lĩnh vực chống tham nhũng trong thập kỷ qua.
Tổng giám đốc Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc Achim Steiner. Ảnh: UNDP |
Theo ông Achim Steiner, Giám đốc Chương trình phát triển của LHQ (UNDP), tham nhũng vắt kiệt nguồn lực của các quốc gia và trong bối cảnh thế giới hiện nay, tham nhũng cũng là một trong những nguyên nhân chính gây ra các xung đột: “Tham nhũng ước tính gây thiệt hại mỗi năm khoảng 2,6 nghìn tỷ USD, khiến các nguồn tài chính bị hướng chệch khỏi các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs). Điều đó có nghĩa là người dân không được tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc y tế thiết yếu, trẻ em không được hưởng nền giáo dục chất lượng. Tham nhũng không chỉ đi cùng với các xung đột mà nó cũng thường xuyên là một trong những gốc rễ của xung đột”.
Nhằm đẩy mạnh các nỗ lực chống tham nhũng trên toàn cầu, bên cạnh những chiến lược đã được triển khai nhiều năm qua về cải thiện hệ thống giám sát, quản trị, trách nhiệm giải trình… LHQ năm nay đề cao đến vai trò của giới trẻ, khi lấy chủ đề của Ngày Quốc tế chống tham nhũng năm nay là "Đoàn kết với giới trẻ trong phòng, chống tham nhũng: Định hình tương lai liêm chính". Đây là chủ đề xuyên suốt của chiến dịch phòng, chống tham nhũng toàn cầu từ ngày 9/12 năm nay đến 9/12 năm sau. Theo ông Achim Steiner, giới trẻ là những người bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi tham nhũng bởi tham nhũng tước đoạt quyền tiếp cận giáo dục, việc làm, dịch vụ công và các cơ hội khác của thanh niên ngày nay. Tham nhũng cũng đẩy nhanh các cuộc khủng hoảng về khí hậu, thiên nhiên và ô nhiễm, gây tác động sâu sắc đến quyền và nguyện vọng của các thế hệ tương lai. Tuy nhiên, giới trẻ cũng có những sáng kiến, cách làm sáng tạo để tạo ra một tương lai liêm chính, có tiềm năng trở thành những tác nhân mạnh mẽ tạo nên sự thay đổi trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng.
Theo Cơ quan Phòng, chống ma túy và tội phạm của LHQ (UNODC), một trong những ưu điểm lớn nhất của thế hệ trẻ là biết tận dụng ưu thế về công nghệ, như: chuỗi khối (blockchain), trí tuệ nhân tạo (AI), Internet, mạng xã hội cùng các ứng dụng khác để phát triển các giải pháp sáng tạo, giúp giải quyết nạn tham nhũng trên quy mô toàn cầu. Do đó, trong thông điệp đưa ra nhân Ngày Quốc tế phòng chống tham nhũng năm nay, UNODC kêu gọi các chính phủ, các tổ chức quốc tế tích cực lắng nghe những người trẻ tuổi, vì ý tưởng hiện tại của họ có thể nắm giữ chìa khóa cho các giải pháp tốt nhất để chống tham nhũng và củng cố tính liêm chính trong tương lai. Một lí do khác, theo bà Ghada Waly, Giám đốc điều hành UNODC, đó là chống tham nhũng là yếu tố quan trọng để đạt được các SDGs mà LHQ đặt ra vào năm 2030, tức thời điểm mà thế hệ trẻ hiện nay là những nhân tố chính: “Chống tham nhũng là một phần của cuộc đua toàn cầu nhằm đạt được các SDGs vào năm 2030, một cuộc đua mà chúng ta đang bị bỏ lại phía sau. Chống tham nhũng là trọng tâm của SDG16, tức nỗ lực gia tăng pháp quyền, thực thi công lý, cải thiện niềm tin của công chúng. Do đó, chống tham nhũng có ý nghĩa trực tiếp với tất cả các SDGs”.
Theo Tổ chức Minh bạch quốc tế (TI), trong bối cảnh hiện nay, khi khủng hoảng khí hậu ngày càng trở nên nghiêm trọng, việc chống tham nhũng, gia tăng sự minh bạch trong các cuộc đàm phán về khí hậu cũng sẽ ngày càng trở nên cấp bách hơn. Đây cũng là vấn đề được nhiều hiệp hội dân sự và tổ chức bảo vệ môi trường cảnh báo trong vài năm qua, khi các Hội nghị Thượng đỉnh các bên tham gia Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu lần thứ 28 và 29 (COP28 và COP29) tại Dubai (UAE) năm ngoái và Baku (Azerbaijan) năm nay bị chỉ trích khi có sự xuất hiện quá nhiều nhóm vận động hành lang cho các tập đoàn năng lượng. Riêng tại COP28 năm ngoái ở Dubai, thống kê cho thấy có khoảng 2.000 nhóm vận động hành lang cho các công ty năng lượng truyền thống (nhiên liệu hóa thạch) tham dự Hội nghị. Do đó, trong Ngày Quốc tế chống tham nhũng năm nay, Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) nhấn mạnh để đạt được các mục tiêu về khí hậu, cần biện pháp bảo vệ mạnh mẽ hơn cho các cuộc đàm phán quan trọng về lĩnh vực này. TI kêu gọi tất cả nhà lãnh đạo toàn cầu bảo vệ các quy trình về khí hậu bằng cách cung cấp sự minh bạch hơn về cách thức tiến hành các cuộc đàm phán về khí hậu. Bên cạnh đó, cần bảo vệ không gian công cho hành động của thanh niên tại các cuộc đàm phán quan trọng về khí hậu.
Theo TI, mỗi năm, hàng tỷ USD được huy động để tài trợ cho các sáng kiến hạn chế khí thải, tài trợ cho việc thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo vệ các khu vực bảo tồn quan trọng. Nhưng nếu không có các biện pháp chống tham nhũng mạnh mẽ, những nguồn lực thiết yếu này có nguy cơ bị phân tán và khoảng cách tài chính khí hậu hiện tại có nguy cơ không bao giờ được thu hẹp.