Các quốc gia châu Âu, bao gồm các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) và Anh, thời gian qua đang liên tiếp thúc đẩy các kế hoạch quốc phòng chung. Theo giới chuyên gia, đây là sự chuẩn bị cần thiết và bắt buộc với châu Âu trong bối cảnh xung đột tại Ukraine ngày càng nhiều rủi ro, đồng thời ông Donald Trump, người có nhiều quan điểm cứng rắn với châu Âu, sắp trở lại nắm quyền tại Mỹ.
Từ trái sang: Bộ trưởng Ngoại giao và Châu Âu Pháp Jean-Noel Barrot, Bộ trưởng Ngoại giao Ý Antonio Tajani, Bộ trưởng Ngoại giao Ba Lan Radoslaw Sikorski, Bộ trưởng Ngoại giao Đức Annalena Baerbock và Ủy viên Liên minh châu Âu (EU) của Estonia Kaja Kallas trước cuộc hội đàm chung ngày 19/11 tại thủ đô Warsaw (Ba Lan). Ảnh: AFP |
Hôm 19/11, Ngoại trưởng 4 quốc gia hàng đầu Liên minh châu Âu là Đức, Pháp, Italia, và Ba Lan nhóm họp trực tiếp tại thủ đô Warsaw của Ba Lan, cùng với sự tham gia trực tuyến của Ngoại trưởng Tây Ban Nha và Anh, để thảo luận về tương lai an ninh châu Âu. Bên cạnh các tuyên bố về việc cần tiếp tục ủng hộ Ukraine trong xung đột với Nga, kết quả đáng chú ý nhất của cuộc họp này là việc các bên tham gia tuyên bố ủng hộ ý tưởng phát hành trái phiếu quốc phòng chung nhằm huy động hàng trăm tỷ USD đầu tư nâng cao năng lực quốc phòng chung của châu Âu.
Ý tưởng này dựa trên mô hình từng được EU tiến hành thành công trong giai đoạn phục hồi hậu đại dịch Covid-19, khi các nước thành viên Liên minh lần đầu tiên trong lịch sử chấp nhận vay chung-trả nợ chung để huy động được 750 tỷ euro phân bổ (hơn 782 tỷ USD) để hỗ trợ các nước thành viên phục hồi kinh tế.
Số tiền cụ thể mà trái phiếu quốc phòng chung dự kiến huy động chưa được công bố nhưng theo giới quan sát, khoản tiền mà châu Âu cần có cho các dự án quốc phòng chung trong tương lai có thể lên tới 500 tỷ euro trong 1 thập niên tới, tương đương con số từng được Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC), bà Ursula von der Leyen, đề cập hồi tháng 6. Ngoại trưởng Ba Lan, ông Radoslaw Sikorski gọi đây là một quyết định lịch sử trong bối cảnh châu Âu đang phải đối mặt với các thách thức an ninh lớn nhất từ sau chiến tranh Lạnh bởi cuộc xung đột tại Ukraine. “Có thể nói đây là lần đầu tiên, tại Warsaw, mà 5 quốc gia thành viên lớn nhất của Liên minh châu Âu cùng ủng hộ một trái phiếu quốc phòng chung của châu Âu. Đây là một sự kiện rất lớn”.
Theo ông Pierre Haroche, giáo sư về chính trị châu Âu và quốc tế tại Đại học Công giáo Lille (Pháp), sự kết hợp giữa xung đột tại Ukraine với việc ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ và sẽ trở lại nắm quyền từ đầu năm sau đang đặt nền quốc phòng châu Âu dưới sức ép lịch sử. Một mặt, chính quyền mới tại Mỹ nhiều khả năng sẽ cắt giảm, thậm chí chấm dứt viện trợ quân sự cho Ukraine, buộc các nước châu Âu gánh vác trọng trách này. Mặt khác, giống như những gì đã diễn ra trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Donald Trump (2016-2020), gần như chắc chắn chính quyền mới của Mỹ sẽ gia tăng áp lực, ép các nước châu Âu trong khối quân sự Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tăng chi tiêu quốc phòng, đồng thời giảm dẩn các cam kết an ninh của Mỹ tại châu Âu để chuyển trọng tâm sang châu Á-Thái Bình Dương.
Do đó, theo chuyên gia Pierre Haroche, đây là thời điểm bước ngoặt để châu Âu lần đầu tiên xây dựng ngân sách quốc phòng chung của cả khối. Việc có ngân sách quốc phòng chung, với quy mô nhiều trăm tỷ USD, sẽ giúp các nước châu Âu triển khai được các dự án quốc phòng lớn trong một số lĩnh vực mà châu Âu hiện vẫn đang phụ thuộc nhiều vào Mỹ, như: phòng thủ tên lửa; vệ tinh trinh thám; năng lực tấn công tầm xa; năng lực sản xuất thiết bị bay không người lái (UAV) quy mô lớn…
Chia sẻ quan điểm này, bà Jasmin Riedl, Giáo sư Nghiên cứu chính trị tại Học viện Kỹ thuật quân sự Munich (Đức), nhận định cuộc xung đột hiện nay tại Ukraine cho thấy châu Âu phụ thuộc vào Mỹ nhiều đến mức nào về an ninh-quốc phòng nên trong nhiệm kỳ mới, Tổng thống đắc cử Mỹ, Donald Trump sẽ không chỉ gây sức ép với châu Âu về chi tiêu quốc phòng trong NATO mà còn có khả năng gây chia rẽ các nước châu Âu trong nội bộ NATO, bởi các nước này, điển hình là các thành viên ở Đông Bắc Âu và các thành viên Tây Nam Âu, có các cách tiếp cận và lợi ích khác nhau trong NATO và trong quan hệ với Nga.
Điều đáng ngại hơn, theo bà Jasmin Riedl, là châu Âu dường như cũng chưa có sự chuẩn bị tốt cho các kịch bản này. “Chúng ta đã từng hy vọng rằng Liên minh châu Âu sẽ đoàn kết với nhau trong nhiệm kỳ đầu của ông Donald Trump, không chỉ trong các vấn đề về chính sách thương mại mà còn các vấn đề an ninh. Nhưng thực tế không như thế, và tôi nghĩ là mọi việc cũng sẽ không khá hơn trong nhiệm kỳ 2 của ông Trump. Châu Âu không chuẩn bị tốt hơn cho nhiệm kỳ 2 của ông Trump”.
Theo đánh giá của bà Jasmin Riedl, điều duy nhất mà các nước châu Âu có chung nhận thức vào thời điểm này, đó là châu Âu sẽ không thể chờ đợi vào một mối quan hệ suôn xẻ với Mỹ bởi ông Donald Trump đã thể hiện rất rõ các xu hướng chính sách cứng rắn. Vì thế, theo Jasmin Riedl, giờ là lúc châu Âu cần khẩn cấp đẩy mạnh năng lực tự chủ quốc phòng. Minh họa cho nhận thức này, hôm 20/11, 18 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã chính thức kí Ý định thư về việc tăng cường hợp tác và cùng nhau chia sẻ chi phí phát triển các hệ thống phòng thủ chung. Bên cạnh đó, một số quốc gia EU cũng triển khai hợp tác trong 3 lĩnh vực quốc phòng khác, như: tác chiến điện tử; xây dựng hệ thống tàu chiến mặt nước thế hệ mới…
Theo ông Stefano Cont, Giám đốc bộ phận Năng lực, Trang bị và Kế hoạch (CAP) của Cơ quan quốc phòng châu Âu (EDA), các dự án mới sẽ giúp các quốc gia thành viên EU tập trung nguồn lực để cùng nhau phát triển các công nghệ mới, thay vì lãng phí tài chính khi bị trùng lặp nghiên cứu riêng lẻ. Đây chính là kinh nghiệm rút ra từ các kế hoạch phát triển máy bay chiến đấu thế hệ mới, còn gọi là Hệ thống không chiến tương lai (FCAS) hay xe tăng chiến đấu chủ lực thế hệ mới (MBT) mà các nước Pháp, Đức, Anh, Tây Ban Nha, Italia… đang triển khai từ vài năm qua.
Về mặt ngân sách quốc phòng, EDA cho biết chi tiêu quốc phòng của EU dự kiến sẽ đạt mức 326 tỷ euro (344 tỷ USD) vào năm nay, tương đương 1,9% GDP của khối, tăng 30% so với cùng kỳ năm 2021, thời điểm trước khi xảy ra cuộc xung đột Nga-Ukraine. Ba Lan là quốc gia chi tiêu quốc phòng cao nhất tính theo tỷ lệ, khi dành khoảng 2,4% GDP cho quốc phòng. Theo Ngoại trưởng Ba Lan, Radoslaw Sikorski, để đảm bảo sự tự chủ quốc phòng cho châu Âu, các quốc gia cần chi nhiều hơn mức mục tiêu 2% GDP theo yêu cầu của NATO và trên thực tế nhiều quốc gia đang có xu hướng chi nhiều hơn con số đó.