Liên hợp quốc báo động về tình trạng bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái

Quang Dũng
Chia sẻ
(VOV5) - Nhận thức về vai trò của phụ nữ trong các vấn đề lớn toàn cầu vẫn chưa có những biến chuyển thực chất.

Trong các báo cáo mới nhất, công bố dịp kỷ niệm Ngày Quốc tế xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ (25/11), Liên hiệp quốc (LHQ) cảnh báo tình trạng bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái đang gia tăng. Theo giới chuyên gia, tình trạng này diễn ra cả trong phạm vi gia đình lẫn xã hội và ngày càng phức tạp hơn, trong bối cảnh nhiều quốc gia, khu vực rơi vào tình trạng bất ổn.

Liên hợp quốc báo động về tình trạng bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái - ảnh 1Bà Nyaradzayi Gumbonzvanda (phải), Phó Giám đốc điều hành UN Women. Ảnh: UN Women/Ryan Brown

Xuất phát từ Tuyên ngôn về xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ, do Đại hội đồng LHQ đưa ra năm 1993, kể từ năm 1999, ngày 25/11 hằng năm được LHQ lựa chọn là Ngày Quốc tế xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ, với mục đích nâng cao nhận thức của các quốc gia và cộng đồng về vấn đề bình đẳng giới và sự phát triển an toàn của phụ nữ và trẻ em gái. Tuy nhiên, trong dịp kỷ niệm 25 năm ngày chính thức ra đời sự kiện này, LHQ cảnh báo thực trạng hiện nay về bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái rất đáng báo động. Cụ thể, theo báo cáo nghiên cứu do Cơ quan LHQ về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) và Văn phòng LHQ về ma túy và tội phạm (UNODC) phối hợp thực hiện trong năm 2023, công bố ngày 25/11, tình trạng phụ nữ bị giết hại chủ yếu do bạo lực gia đình, hình thức bạo lực tiêu cực nhất đối với phụ nữ và trẻ em gái, ngày càng phổ biến và lan rộng trên toàn cầu.

Trong năm ngoái, thế giới ghi nhận 85.000 phụ nữ và trẻ em gái đã bị giết hại một cách có chủ ý. 60% trong số những vụ việc này (tương đương 51.100 vụ) do bạn trai hoặc người thân trong gia đình gây ra. Dữ liệu cho thấy 140 phụ nữ và trẻ em gái thiệt mạng mỗi ngày do nguyên nhân nói trên, tức là cứ 10 phút trôi qua lại có một phụ nữ hoặc một trẻ em gái bị giết hại.

Tính theo khu vực địa lý, châu Phi ghi nhận tỷ lệ phụ nữ bị giết hại ở mức cao nhất. Tiếp theo là châu Mỹ và sau đó là châu Đại Dương. Ở châu Âu và châu Mỹ, hầu hết trường hợp phụ nữ thiệt mạng do bạn trai giết hại, lần lượt với tỷ lệ là 64% và 58%, trong khi ở những khu vực khác, người thân trong gia đình là thủ phạm chính. Bà Nyaradzayi Gumbonzvanda, Phó Giám đốc điều hành UN Women, cho biết: “Các vụ sát hại có yếu tố giới tính liên quan đến phụ nữ và trẻ em gái tiếp tục là một tội ác bị bỏ mặc. Chúng tôi lo ngại trước việc các nỗ lực nhằm xác định các vụ sát hại này đang ngày càng chậm chạp. Do đó, chúng tôi kêu gọi sự cam kết của các quốc gia nhằm đảm bảo rằng tất cả các nạn nhân đều được ghi nhận và các số liệu, bằng chứng được tập hợp đầy đủ, qua đó giúp hiểu rõ hơn các vụ sát hại có yếu tố giới tính liên quan đến phụ nữ và trẻ em gái”.

Trước tình hình hiện nay, Giám đốc điều hành của UN Women, bà Sima Bahous nhấn mạnh sự cần thiết áp dụng những khuôn khổ luật pháp mạnh mẽ hơn, cải thiện việc thu thập dữ liệu, tăng cường trách nhiệm giải trình của chính phủ, cùng nhau hành động để tạo ra một nền văn hóa không khoan nhượng với bạo lực giới và tăng nguồn tài trợ cho các tổ chức và cơ quan hoạt động nhằm bảo vệ quyền của phụ nữ. Theo người đứng đầu UN Women, đã đến lúc các nhà lãnh đạo thế giới cần đoàn kết và khẩn trương hành động, tái cam kết và tập trung các nguồn lực cần thiết để chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ. Trong khi đó, bà Ghada Waly, Giám đốc điều hành của UNODC, cho rằng báo cáo hôm 25/11 nêu bật nhu cầu cấp thiết có các chế tài đủ mạnh để buộc thủ phạm phải chịu trách nhiệm, đồng thời đảm bảo hỗ trợ đầy đủ cho những nạn nhân sống sót, bao gồm quyền tiếp cận các cơ chế báo cáo an toàn và minh bạch. Bà Waly cũng kêu gọi xóa bỏ các định kiến giới và các chuẩn mực xã hội là gốc rễ làm gia tăng tình trạng bạo lực đối với phụ nữ.

Tuy nhiên, bên cạnh các thách thức về bạo lực trong gia đình, bạo lực giới tính trong các xã hội thông thường, các chuyên gia LHQ và các tổ chức về bình đẳng giới ngày càng lo ngại về tình trạng bạo lực, thậm chí là tình trạng giết hại, phụ nữ và trẻ em gái trong các xung đột, trong bối cảnh thế giới đang gia tăng bất ổn, với xung đột lan rộng ở nhiều nơi như hiện nay. Các số liệu của LHQ cũng cho thấy tỷ lệ phụ nữ bị sát hại trong các xung đột đang gia tăng đáng lo ngại. Giám đốc điều hành UN Women, bà Sima Bahous, cho biết: “Trong năm 2023, tỷ lệ phụ nữ bị sát hại trong các xung đột đã tăng gấp đôi. Số lượng các vụ bạo lực tình dục có liên quan đến xung đột tăng 50% và số lượng các bé gái bị xâm hại nghiêm trọng tăng 35%. Cứ 2 phụ nữ và bé gái trong vùng xung đột thì có 1 người đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực từ mức vừa phải đến mức trầm trọng”.

Đối mặt với thực trạng này, các chuyên gia cho rằng phụ nữ cần phải được trao cho các vai trò lớn hơn trong quá trình giải quyết xung đột và gìn giữ hòa bình tại các khu vực xảy ra xung đột, không chỉ bởi sự có mặt của nữ giới trong tiến trình này sẽ giúp đảm bảo quyền lợi của nữ giới, mà còn vì vai trò của nữ giới trong việc “mềm hóa” xung đột, giảm thiểu các nguy cơ leo thang. Phó Tổng thư ký LHQ, bà Amina Mohammed, nhận xét: “Phụ nữ vẫn đại diện quá ít trong các nỗ lực thương thảo hòa bình, giải quyết xung đột, bao gồm cả các xung đột gay gắt nhất trong các năm gần đây. Số liệu lịch sử cho thấy rõ thách thức này, khi từ 1992 đến 2019, phụ nữ chỉ chiếm 13% số lượng các nhà đàm phán và 6% số lượng các nhà hòa giải trong các tiến trình hòa bình”.

Theo Phó Tổng thư ký LHQ, các số liệu mới nhất cũng không cho thấy chiều hướng cải thiện, khi trong năm ngoái phụ nữ cũng chiếm dưới 10% số lượng các nhà thương lượng hòa bình. Điều này cho thấy nhận thức về vai trò của phụ nữ trong các vấn đề lớn toàn cầu vẫn chưa có những biến chuyển thực chất, do đó, các quốc gia và các cộng đồng sẽ phải phấn đấu rất nhiều trong thời gian tới mới có thể cải thiện được tình trạng bạo lực nhằm vào phụ nữ và trẻ em gái.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu