Các nền kinh tế lớn chuẩn bị cho việc ông Donald Trump trở lại Nhà Trắng

Quang Dũng
Chia sẻ
(VOV5) - Bên cạnh việc hạ lãi suất, EU cũng đang tìm các cách khác để giảm thiểu nguy cơ xung đột thương mại với Mỹ vào năm tới. 

Nhiều nền kinh tế lớn trong thời gian qua đang tiến hành một số động thái chính sách đáng chú ý. Theo giới chuyên gia, đây là sự chuẩn bị cần thiết cho những biến động kinh tế khó lường khi Tổng thống đắc cử Mỹ, ông Donald Trump chính thức nhậm chức vào tháng tới.

Các nền kinh tế lớn chuẩn bị cho việc ông Donald Trump trở lại Nhà Trắng - ảnh 1Tổng thống đắc cử Donald Trump tại Phoenix, bang Arizona ngày 22/12 - Ảnh: AFP

Hôm 12/12, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) quyết định cắt giảm lãi suất 0,25 điểm phần trăm, xuống còn 3% với lãi suất cho vay. Đây là lần thứ tư trong năm nay ECB cắt giảm lãi suất và trong tuyên bố đưa ra, ECB nhấn mạnh định chế tài chính này nhanh chóng nới lỏng chính sách tài khóa do lo ngại về lạm phát dường như đã hết và giờ là lúc thảo luận xem làm thế nào để tính toán tiến trình giảm lãi suất đủ nhanh để hỗ trợ nền kinh tế trì trệ của khu vực đồng tiền chung châu Âu – Eurozone, vốn đang có dấu hiệu tụt hậu tương đối rõ so với các đối thủ kinh tế khác. Theo các chuyên gia kinh tế, các tuyên bố chính sách gần đây cho thấy châu Âu đang ngày càng lo ngại về các kịch bản kinh tế không thuận lợi khi Tổng thống đắc cử Mỹ, ông Donald Trump nhậm chức vào đầu năm tới. Chuyên gia kinh tế Ngân hàng Mỹ (Bank of America), Ruben Segura Cayuela, nhận định ECB đang thay đổi cách tiếp cận trong việc điều hành lãi suất, từ quan điểm cứng rắn sang hướng mềm dẻo hơn và có thể sẵn sàng cắt giảm lãi suất sâu hơn nữa, xuống dưới mức 2% trong đầu năm tới. Yếu tố chính có thể khiến kịch bản này xảy ra là các lời đe doạ đánh thuế 60% với hàng hoá của Trung Quốc và 10% với hàng hoá tất cả các nước mà ông Donald Trump đưa ra sau khi trúng cử. Trong trường hợp lời đe doạ này thành hiện thực, các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của các nền kinh tế Eurozone, như: máy móc, dược phẩm… chắc chắn bị ảnh hưởng bởi nhu cầu nhập khẩu trên thế giới sẽ bị thu hẹp.

Lo ngại này được chính Chủ tịch ECB, bà Christine Lagarde, đề cập khi cảnh báo các hạn chế thương mại và các chính sách bảo hộ làm gia tăng lạm phát, đứt gãy dòng chảy thương mại toàn cầu và đe doạ trực tiếp kinh tế châu Âu. "Rủi ro về một sự đứt gãy lớn hơn của thương mại toàn cầu có thể tác động lớn đến tăng trưởng của khu vực đồng tiền chung – Eurozone khi làm suy giảm xuất khẩu và làm suy yếu kinh tế toàn cầu” - bà nói.

Bên cạnh việc hạ lãi suất, EU cũng đang tìm các cách khác để giảm thiểu nguy cơ xung đột thương mại với Mỹ vào năm tới. Trong tuyên bố đưa ra hôm 20/12, người phát ngôn Uỷ ban châu Âu Olof Gill khẳng định EU sẵn sàng đàm phán thương mại với ông Donald Trump, sau khi ông Donald Trump cảnh báo trên nền tảng truyền thông xã hội Truth Social về khả năng áp thuế EU nếu khối này không mua thêm dầu và khí đốt của Mỹ để bù đắp thâm hụt thương mại lớn giữa Mỹ và EU. Tuy nhiên, đàm phán với chính quyền mới của ông Donald Trump dựa trên cách tiếp cận nào là điều đang gây tranh cãi và chia rẽ lớn tại châu Âu trong thời gian qua, giữa một bên ủng hộ quan điểm cần cứng rắn và sẵn sàng đáp trả Mỹ với một bên coi sự đoàn kết liên Đại Tây Dương là yếu tố quan trọng nhất.

Các nền kinh tế lớn chuẩn bị cho việc ông Donald Trump trở lại Nhà Trắng - ảnh 2Cảng hàng hóa Long Beach, bang California, Mỹ - Ảnh: THX/TTXVN

Người phát ngôn Uỷ ban châu Âu, Olof Gill, cho biết: “Chúng ta cần phải hết sức rõ ràng về một điều, đó là EU và Mỹ gắn kết chặt chẽ về kinh tế và tổng thể cán cân thương mại và đầu tư. EU có thặng dư lớn trong thương mại hàng hoá với Mỹ nhưng Mỹ lại có thặng dư đáng kể trong thương mại dịch vụ với EU”.

Chung nỗi lo như châu Âu, một số nền kinh tế khác cũng đang có những động thái chuẩn bị về chính sách. Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới và nhiều lần bị ông Donald Trump đưa vào danh sách mục tiêu đánh thuế, dự kiến sẽ tổ chức đợt phát hành trái phiếu lớn nhất từ trước đến nay, trị giá khoảng 3.000 tỷ nhân dân tệ (yuan), tương đương khoảng hơn 410 tỷ USD, nhằm hỗ trợ cho các chính sách kích thích kinh tế, giảm nợ công của các địa phương. Tại Hàn Quốc, Ngân hàng Trung ương nước này hôm 27/11 đã hạ chi phí vay lần thứ hai trong nhiều tháng. Đây cũng là lần cắt giảm lãi suất liên tiếp đầu tiên của quốc gia này trong 15 năm. Giải thích cho quyết định này, Thống đốc Ngân hàng Hàn Quốc Rhee Chang-yong cho rằng đã có nhiều thay đổi trong tháng qua, trong đó có chiến thắng của ông Donald Trump trong bầu cử tổng thống Mỹ cũng như đảng Cộng hòa giành kiểm soát tại lưỡng viện Quốc hội Mỹ. Theo người đứng đầu Ngân hàng Hàn Quốc, các diễn biến này vượt xa dự đoán trước đó của phía Hàn Quốc, đồng thời tạo ra những làn sóng chấn động với tác động thương mại rộng khắp trên toàn cầu.

Không chỉ tạo nên bất an tại châu Âu và châu Á, kịch bản có những bất ngờ chính sách từ chính quyền mới của ông Donald Trump cũng buộc ngay cả những nhà điều hành chính sách tại Mỹ phải chuẩn bị. Ít ngày sau ECB, hôm 18/12, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cũng quyết định cắt giảm lãi suất lần thứ 3 liên tiếp kể từ tháng 9. Chủ tịch Fed, ông Jerome Powell, cho biết một số thành viên của cơ quan này đã bắt đầu đánh giá tác động từ các kế hoạch của ông Trump, như: tăng thuế nhập khẩu, mạnh tay với nhập cư… đối với việc hoạch định chính sách tiền tệ của họ trong những tháng tới.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu