Ấn Độ và Hiệp hội thương mại tự do châu Âu (EFTA), gồm 4 nước thành viên Iceland, Liechtenstein, Na Uy và Thụy Sĩ, hôm 10/03 ký kết Hiệp định đối tác kinh tế và thương mại (TEPA). Theo nhiều chuyên gia, thỏa thuận này có thể xem là một cú hích lớn đối với chiến lược thương mại có tham vọng toàn cầu của Ấn Độ.
Hiệp định đối tác kinh tế và thương mại (TEPA) mà Ấn Độ ký với 4 nước châu Âu không phải là thành viên Liên minh châu Âu được hoàn tất sau 16 năm, với tổng cộng 21 vòng đàm phán.
Các đại biểu tham dự lễ ký kết hiệp định TEPA giữa Ấn Độ và Hiệp hội thương mại tự do châu Âu ở New Dehlhi ngày 10/03/2024. Ảnh ANI/TTXVN
|
Bước ngoặt với Ấn Độ
Hiệp hội Thương mại tự do châu Âu (EFTA), gồm 4 nước: Iceland, Na Uy, Liechtenstein và Thụy Sỹ, đều là những nước không nằm trong Liên minh châu Âu (EU). EFTA được thành lập năm 1960 để thúc đẩy thương mại tự do và hội nhập kinh tế giữa 4 nước thành viên. Tuy chỉ có tổng dân số gần 15 triệu người nhưng tính đến cuối năm 2021, EFTA là khối thương mại lớn thứ 10 thế giới về buôn bán hàng hóa và thứ 8 về trao đổi dịch vụ. Theo thống kê, trong tài khóa 2022-2023, thương mại hai chiều giữa Ấn Độ và 4 nước EFTA là 18,65 tỷ USD, trong đó Ấn Độ thâm hụt 14,8 tỷ USD. Thụy Sỹ là đối tác thương mại lớn nhất của Ấn Độ trong EFTA, tiếp theo là Na Uy.
Hiệp định đối tác kinh tế và thương mại (TEPA) mà Ấn Độ ký với EFTA có 14 chương, bao gồm thương mại hàng hóa, quy tắc xuất xứ, quyền sở hữu trí tuệ (IPR), thương mại dịch vụ, xúc tiến đầu tư và hợp tác, mua sắm chính phủ, rào cản kỹ thuật đối với thương mại và tạo thuận lợi thương mại. Điểm khác biệt của TEPA so với các hiệp định thương mại tự do (FTA) truyền thống khác là các cam kết mang tính ràng buộc giữa các bên được quy định ở một cấp độ cao hơn hẳn.
Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ, Piyush Goyal. Ảnh: File |
Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ, Piyush Goyal nhận định TEPA là một mốc lịch sử với các FTA trên thế giới: “Lần đầu tiên trong lịch sử thế giới, chúng tôi ký kết 1 Hiệp định thương mại tự do với các cam kết có tình ràng buộc là các quốc gia EFTA sẽ đầu tư 100 tỷ USD vào Ấn Độ, với nền tảng hỗ trợ vững chắc từ các chính sách kinh tế vĩ mô trọng yếu của Ấn Độ”
Để đảm bảo các nước EFTA đầu tư 100 tỷ USD và tạo 1 triệu việc làm tại Ấn Độ trong 15 năm tới, các bên cũng đã thống nhất sẽ xây dựng quy trình tham vấn thường trực để giám sát việc triển khai cam kết. Bên cạnh đó, TEPA cũng có một số nội dung khác của một FTA thế hệ mới, như: cam kết đảm bảo quyền tự do của các hiệp hội; công nhận quyền đàm phán tập thể; loại bỏ tất cả các hình thức lao động cưỡng ép, lao động trẻ em; loại bỏ phân biệt đối xử.
Với các ưu điểm trên của TEPA, Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ, Piyush Goyal Goyal tự tin cho rằng TEPA sẽ thúc đẩy sáng kiến “Sản xuất tại Ấn Độ”, trong khi các nước EFTA được tiếp cận thị trường 1,4 tỷ dân có tốc độ tăng trưởng hàng đầu thế giới. Theo chuyên gia Ajay Srivastava của quỹ nghiên cứu (think tank) về kinh tế của Ấn Độ mang tên “Sáng kiến nghiên cứu thương mại toàn cầu” (GTRI), khi TEPA có hiệu lực, dự kiến trong vòng 1 năm tới, người tiêu dùng Ấn Độ sẽ được hưởng lợi nhờ giá nhập khẩu nhiều sản phẩm chất lượng cao từ các nước EFTA, như: đồng hồ, điện thoại, thiết bị y tế, rượu, chocolate, cá hồi… sẽ giảm mạnh do rào cản thuế được gỡ bỏ. Tuy nhiên, Ajay Srivastava cho rằng việc Ấn Độ chưa cấp quy chế Tối huệ quốc (MFN) cho các nước EFTA tiếp cận thị trường dịch vụ tài chính Ấn Độ cho thấy TEPA vẫn cần phải được nâng cấp trong tương lai.
Mở rộng tham vọng
Bên cạnh việc mang lại các lợi ích kinh tế rõ ràng cho Ấn Độ và các nước EFTA, theo Giáo sư Gulshan Sachdeva từ Trung tâm nghiên cứu châu Âu của Đại học Jawaharlal Nehru (Ấn Độ), TEPA còn là một bước đệm quan trọng để Ấn Độ hướng đến việc hoàn tất FTA có quy mô lớn hơn với EU bởi trong 4 nước EFTA, ngoại trừ Thụy Sỹ thì Na Uy, Iceland và Lichtenstein đều nằm trong Khu vực Kinh tế châu Âu (EEA), cho phép tự do lưu chuyển hàng hóa, vốn, dịch vụ và lao động với Thị trường đơn nhất của Liên minh châu Âu. Ngoài ra, cả 4 nước EFTA đều tham gia vào Hiệp định Schengen, cho phép tự do di chuyển trong không gian Liên minh châu Âu.
Giáo sư Sangeeta Khorana, Khoa Thương mại quốc tế của trường Đại học Aston (Anh), cũng cho rằng Ấn Độ đang ngày càng thể hiện rõ tham vọng trở thành một cường quốc thương mại toàn cầu và TEPA là bước đi tiếp theo của Ấn Độ, sau các FTA mà nước này ký với UAE, Australia gần đây cũng như các quan hệ đối tác kinh tế giữa Ấn Độ với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Argentina, Colombia. Ngoài ra, Ấn Độ cũng đang trong quá trình đàm phán FTA với EU, Anh, Oman, Liên minh thuế quan Nam Phi (SACU), đồng thời đang rà soát lại để nâng cấp FTA với Nhật Bản, Hàn Quốc. Về lâu dài, Giáo sư Sangeeta Khorana cho rằng thương mại được Ấn Độ xác định là 1 trong những trụ cột để thể hiện vai trò địa chính trị ngày càng tăng của nước này trong bối cảnh đang có sự dịch chuyển mạnh của chuỗi cung ứng toàn cầu.
Theo Giáo sư Gulshan Sachdeva, sau TEPA, Ấn Độ có thể sẽ tập trung ưu tiên hoàn tất FTA với EU và Anh. Các mong muốn đẩy nhanh tốc độ đàm phán đang được cả Thủ tướng Ấn Độ, Narendra Modi lẫn các lãnh đạo EU và Anh, như: Chủ tịch Ủy ban châu Âu, Ursula von der Leyen; Thủ tướng Anh Rishi Sunak tuyên bố công khai trong thời gian qua.
Tuy nhiên, Giáo sư Gulshan Sachdeva cho rằng các đàm phán FTA với EU sẽ phức tạp hơn, không chỉ bởi quy mô thị trường EU lớn hơn nhiều lần EFTA, mà còn vì Ấn Độ có thể sẽ phải chấp nhận một số nhượng bộ lớn hơn trong lĩnh vực đầu tư hay đấu thầu công.