Nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo vừa qua đời ở tuổi 72. Ngày 9/1, tang lễ của ông được tổ chức tại Nhà tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội để gia đình, bè bạn, những người yêu mến tài năng của ông được nhìn thấy ông tiễn ông về cõi vĩnh hằng. Nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo đã đi xa, nhưng âm nhạc của ông vẫn như những dòng sông quê hương luôn hiện hữu trong lòng mỗi người.
Nhà thơ - nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo lúc sinh thời
|
Nghe âm thanh chương trình tại đây:
Khúc hát sông quê là một tác phẩm đã gắn liền với tên tuổi của nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo. Ca khúc này ra đời tại một trại sáng tác thực tế của các văn nghệ sĩ ở Bà Rịa – Vũng Tàu. Từ bài thơ rất dài của nhà thơ Lê Huy Mậu, Nguyễn Trọng Tạo đã chắt lọc những ca từ hay nhất, đắt giá nhất để viết nên ca khúc. Mỗi con người đều có thể tìm thấy mình trong từng ca từ, giai điệu của bài hát. Và nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo đã trở thành nhạc sĩ của làng quê chỉ với riêng bài Khúc hát sông quê ấy.
Tựa đề của ca khúc này cũng đã trở thành tên của đêm nhạc đầu tiên của ông. Ca sĩ Ngọc Châm, Chủ nhiệm chuỗi chương trình “Vàng son một thuở” – đơn vị tổ chức đêm nhạc Khúc hát sông quê, chia sẻ: "Ngọc Châm và ekip Vàng son một thuở đã kịp sản xuất cho nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo một đêm nhạc vào ngày 8/9/2017 tại Nhà hát lớn Hà Nội với chủ đề Khúc hát sông quê. Phải nói rằng đêm nhạc rất thành công, và sau đêm nhạc này, nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo rất vui và hạnh phúc vì đã tặng cho khán giả Thủ đô một đêm nhạc nhiều màu sắc. Ông vẫn nói rằng đó là một bức tranh tứ bình về vẻ đẹp quê hương đất nước Việt Nam. Ekip thực hiện chương trình cũng đã rất vui và hạnh phúc khi đã được đồng hành cùng ông trong đêm diễn để đời đó. Nay ông đã ra đi và để lại quá nhiều tiếc nuối, nhưng Ngọc Châm tin rằng những cống hiến của ông cho nền âm nhạc VN sẽ luôn sống mãi trong lòng khán giả - những người yêu mến ông và yêu mến những tác phẩm của ông".
Một ca khúc nổi tiếng khác của nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo là Làng quan họ quê tôi được phổ từ bài thơ "Làng Quan họ" của nhà thơ Nguyễn Phan Hách từ năm 1978. Bài hát này do ca sĩ Thanh Hoa và tốp nữ Đoàn ca nhạc Đài TNVN trình bày, phát sóng lần đầu tiên vào năm 1979. Sau đó, ca khúc được phát trên chương trình "Bài hát theo yêu cầu thính giả" và được dạy hát qua Đài. Đây cũng là bài hát chính thức của Đài Phát thanh - Truyền hình Bắc Ninh. Nhiều ca sĩ đã biểu diễn, in đĩa và được nhiều biên đạo dựng thành tiết mục múa.Điều đáng nói là, dù viết về quê hương Kinh Bắc nhưng nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo lại là người xứ Nghệ. Thế nhưng, những nốt nhạc của ông đã thấm sâu vào làng quê ngõ xóm của miền quan họ và để một dấu ấn đậm nét cho Bắc Ninh.
Giờ đây, nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo đã đi xa, nhưng âm nhạc của ông vẫn như những dòng sông quê hương luôn hiện hữu trong lòng mỗi người. Ân tình quê hương xứ Nghệ được ông gửi gắm trong các tác phẩm của mình vẫn sẽ luôn còn đó, như lời chia sẻ của nhạc sĩ Lê An Tuyên: "Ngày cuối năm 2018 trước khi rời Hà Nội, tôi có đến thăm anh Nguyễn Trọng Tạo. Tôi an ủi anh, bón cho anh những thìa cháo và động viên anh cố gắng điều trị để vượt qua cơn bạo bệnh. Thế mà chỉ mấy ngày sau tôi đã nhận được hung tin anh rời cõi tạm về chốn vĩnh hằng. Với anh, thơ ca, hội họa, nhạc hay tiểu luận… đã bồi đắp cho tôi nguồn cảm hứng với quê hương. Thứ ngôn ngữ đặc trưng của tình yêu thể hiện trong thơ nhạc của anh nơi chốn quê cứ níu chặt lấy tâm hồn tôi. Những lần về quê gặp anh trò chuyện, anh thường nhắc – em gái à, em đã biết phổ nhạc lên cuộc sống, lên quê hương, dù xa xứ và mưu sinh còn nhiều vất vả nhưng em hãy cố gắng lên, hãy nuôi dưỡng cảm xúc của mình và đừng bao giờ từ bỏ niềm đam mê âm nhạc… Hôm nay anh đã trở về với con sông quê, nhưng những tác phẩm của anh vấn đồng hành với em, với mọi người trong cuộc sống".
Nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo sinh ngày 25/8/1947 trong một gia đình nho học ở làng Trường khê (nay là Diễn Hoa), huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Ông sáng tác bài thơ đầu tiên năm 14 tuổi, sáng tác bài hát đầu tiên năm 20 tuổi và xuất bản tập thơ đầu tiên (Tình yêu sáng sớm, in chung cùng Nguyễn Quốc Anh) vào năm 27 tuổi. So với sự nghiệp văn thơ đồ sộ thì Nguyễn Trọng Tạo không viết nhiều về âm nhạc. Ông chỉ để lại hơn 100 tác phẩm, trong đó có nhiều bài hát được phổ thơ. Ông viết nhạc khá chậm như để chăm chút cho từng bài hát, giống như những câu chuyện đi vào lòng người yêu nhạc bốn phương.