Nghệ sỹ ưu tú Lệ Thanh - Mượt mà những làn điệu quan họ Bắc Ninh

Chia sẻ
(VOV5) - "Đến nay, gần 30 năm gắn bó và trưởng thành với dân ca quan họ Bắc Ninh, biết bao buồn vui thăng trầm của cuộc sống, tôi đã vượt qua được và trưởng thành, nhờ có dân ca quan họ".

Nghệ sỹ ưu tú Lệ Thanh là một liền chị quan họ tài sắc của vùng Kinh Bắc. Với chất giọng đẹp ngọt ngào, trong sáng, giọng ca Lệ Thanh luôn để lại những ấn tượng tốt đẹp trong lòng khán thính giả mỗi khi nghe hay xem chị trình diễn những bài dân ca quan họ Bắc Ninh.  Biên tập viên VOV5 đã gặp gỡ Nghệ sỹ ưu tú Lệ Thanh và nghe chị tâm sự về cái duyên đến với quan họ, đến với những làn điệu dân ca ngọt ngào và sâu lắng của vùng Kinh Bắc.

Nghệ sỹ ưu tú Lệ Thanh - Mượt mà những làn điệu quan họ Bắc Ninh - ảnh 1

Nghệ sỹ ưu tú Lệ Thanh

Nghe âm thanh tại đây:

Nếu đã có dịp xem nghệ sỹ ưu tú Lệ Thanh biểu diễn, chắc hẳn bạn sẽ ấn tượng bởi vẻ duyên dáng, nền nã của chị trong tấm áo tứ thân và chiếc khăn mỏ quạ, cũng giống như các liền chị quan họ khác nhưng vẫn có một nét đẹp riêng. Còn nếu gặp ngoài đời, Lệ Thanh lại cuốn hút người đối diện bởi vẻ tươi tắn và nhiệt thành, bởi chất giọng mượt mà của chị khi nói chuyện.

Nghệ sỹ ưu tú Lệ Thanh tâm sự: "Tôi sinh ra và lớn lên tại xã Tam Giang, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh. Ngay từ nhỏ, tôi đã đắm mình trong những lời ru của mẹ. Đến khi đi học, tôi hay được mọi người đặt theo những biệt danh rất vui, và là cây đơn ca văn nghệ của trường. Ví dụ năm học cấp 2, tôi tham gia Liên hoan văn nghệ của trường với ca khúc Dáng đứng Bến Tre, và đi đâu cũng được bạn bè gọi là “cô gái Bến Tre’. Đến cấp 3, tôi lại được bạn bè thích qua ca khúc “Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh”, và gọi tôi là “cô gái đi mô”. Dù có hát ca khúc của vùng miền nào thì chất liệu dân ca cũng đã ngấm vào tôi, đặc biệt là dân ca quan họ Bắc Ninh vì tôi sinh ra và lớn lên ở quê hương quan họ".

Năm 16 tuổi, Lệ Thanh trúng tuyển và trở thành sinh viên của Trường Văn hóa Nghệ thuật Hà Bắc. Năm 1987, sau khi tốt nghiệp, là 1 trong 10 anh chị em cùng lớp, chị được nhận ngay về làm diễn viên của Đoàn Dân ca Quan họ Bắc Ninh nay là Nhà Hát Dân Ca Quan họ Bắc Ninh. Lệ Thanh đã được các nghệ sĩ lớp trước như: NSƯT Thúy Cải, NSƯT Quý Tráng, NSƯT Lệ Ngải… tận tình dìu dắt, truyền dạy, và với sự khổ luyện miệt mài, Lệ Thanh đã nỗ lực phấn đấu và rèn luyện, vươn lên từ vị trí trong tốp phụ họa để có thể đứng hát đơn ca trong nhiều chương trình biểu diễn phục vụ công chúng trong nước và quốc tế. Chị chia sẻ: "Trong số những CD và DVD giới thiệu dân ca quan họ tới khán thính giả trong nước và bạn bè quốc tế, và trong gần 30 năm nay tôi đã được biểu diễn ở nhiều nước trên thế giới, tôi đã biểu diễn rất nhiều bài dân ca quan họ rất hay, như bài hát “Gọi đò”, bài “Cây trúc xinh” và “Ngồi tựa mạn thuyền”… Dân ca quan họ thì bài nào cũng hay, cũng đẹp, từ lời ca, âm nhạc đều rất tuyệt vời. Đến nay, gần 30 năm gắn bó và trưởng thành với dân ca quan họ Bắc Ninh, biết bao buồn vui thăng trầm của cuộc sống, tôi đã vượt qua được và trưởng thành, nhờ có dân ca quan họ. Tôi xin cảm ơn dân ca quan họ Bắc Ninh quê hương của tôi thật nhiều".

Nghệ sỹ ưu tú Lệ Thanh - Mượt mà những làn điệu quan họ Bắc Ninh - ảnh 2

NSƯT Lệ Thanh và con trai

Đã 30 năm gắn bó và trưởng thành với dân ca quan họ, Nghệ sỹ ưu tú Lệ Thanh đã giành được nhiều huy chương Vàng, Bạc và Bằng khen ở các kỳ hội thi, hội diễn với vai trò, vị trí khác nhau. Vậy nhưng, với người phụ nữ ấy, thành công lớn nhất là khi cái tên Lệ Thanh luôn được công chúng nhắc đến và khắc ghi bền vững trong lòng khán giả. Hiện tại, với vai trò là Trưởng phòng Nghệ thuật Sưu tầm nghiên cứu của Nhà hát Dân ca quan họ Bắc Ninh, Lệ Thanh có thêm nhiều thời gian để đóng góp, sưu tầm, gìn giữ, bảo tồn và phát triển Dân ca Quan họ được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Nghệ sỹ ưu tú Lệ Thanh cho biết "Hiện giờ tôi có nhiều điều ấp ủ lắm, nhưng trước mắt chúng tôi sẽ về những làng quan họ gốc để sưu tầm những làn điệu dân ca quan họ cổ của các nghệ nhân trong các làng quan họ bằng cách thu thanh trực tiếp từ các nghệ nhân, hoặc đưa các nghệ sỹ trẻ để học trực tiếp từ các cụ nghệ nhân, hoặc lưu vào băng đĩa, phục dựng lại những tư liệu về các cụ nghệ nhân còn sống… Sau đó có thể ký âm bằng những bản nhạc để lưu giữ trên giấy hoặc trên máy vi tính. Ngoài ra hàng năm Phòng nghệ thuật sưu tầm nghiên cứu cũng như Nhà hát dân ca quan họ Bắc Ninh có trách nhiệm phát triển dân ca quan họ Bắc Ninh, hàng năm xây dựng các chương trình, tiết mục mới về dân ca quan họ để nhằm đáp ứng nhu cầu thưởng thức của người xem, người nghe dân ca quan họ Bắc Ninh".

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu