Sở hữu giọng hát trong trẻo, cao vút, ca sĩ Bảo Yến được công chúng yêu nhạc biết đến nhiều kể từ khi giành quán quân Sao Mai năm 2015 dòng nhạc thính phòng. Sau 10 năm du học tại Liên bang Nga, Bảo Yến vừa hoàn tất chương trình đào tạo nghiên cứu sinh, và trong thời gian chờ trở lại Nga bảo vệ luận án tiến sĩ lần cuối trước hội đồng quốc gia, nữ ca sĩ về Việt Nam, tham gia một vài chương trình nghệ thuật phù hợp. Đặc biệt, ngày 2/9 vừa qua, Bảo Yến lần đầu tiên hát trong Hòa nhạc quốc gia “Điều còn mãi”. Giọng ca bay bổng, lảnh lót của cô như được thăng hoa trong tác phẩm “Bài ca trên núi” của nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương, góp phần tạo nên dấu ấn khó quên cho một chương trình nghệ thuật uy tín.
Ca sĩ, Tiến sĩ âm nhạc Bảo Yến |
Nghe âm thanh chương trình tại đây:
Lần đầu tiên tham gia chương trình Hòa nhạc quốc gia Điều còn mãi, Bảo Yến đã rất lo lắng và áp lực. Đây là một chương trình mang tính chuyên môn, nghệ thuật cao, làm việc cùng dàn nhạc giao hưởng và nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng – người rất khắt khe và khó tính trong chuyên môn. Hòa nhạc diễn ra vào ngày 2/9 và trong khung giờ cũng rất đặc biệt, được đứng tại Nhà hát lớn và cất cao những giai điệu ngợi ca quê hương đất nước, Bảo Yến rất tự hào.
Bảo Yến là người con của Lào Cai, vì vậy nên âm hưởng của vùng miền núi phía Bắc phần nào đã ngấm vào trong máu, trong con người mình, tâm hồn mình. Về mặt tinh thần, những ca khúc về miền núi đã khá gần gũi với Bảo Yến, nhưng trong thanh nhạc, trong thể hiện ca khúc thì cũng đòi hỏi những yếu tố về kỹ thuật. Đặc biệt, lần này anh Trần Mạnh Hùng đã viết lại toàn bộ tiết tấu của “Bài ca trên núi”. Phần 1 của ca khúc vẫn giữ nguyên gốc, nhưng phần 2 là một tiết tấu mới – đây cũng là một thử thách lớn mà anh Trần Mạnh Hùng đặt ra cho Bảo Yến.
Bảo Yến rất hào hứng với những dự án làm mới ca khúc cũ. Bảo Yến theo đuổi âm nhạc hàn lâm, nên cách tiếp cận với âm nhạc rất nghiêm túc và chỉn chu. Bảo Yến rất hứng thú với những thử thách trong âm nhạc, bởi vì phải có những thử thách như vậy, phải có những đổi mới thì mới có sự phát triển. Chính vì vậy, với mỗi ca khúc, Bảo Yến luôn muốn tìm cách để biến hóa nó, làm mới nó, dù chỉ một chút thôi. Bảo Yến cũng luôn đưa cá tính của mình vào trong từng ca khúc để người nghe có thể nhận ra ca sĩ hát chính là Bảo Yến.
Bảo Yến tự thấy mình là người may mắn, khi đang học trường ĐH Sư phạm nghệ thuật Trung ương với mong muốn sau này về lại quê hương làm một giáo viên âm nhạc. Thế rồi nhờ sự chăm chỉ và chất giọng tốt, cô giáo đã đưa Bảo Yến sang thi vào Học viện âm nhạc quốc gia Việt Nam. Sau đó Bảo Yến đã được nhận học bổng toàn phần của Chính phủ để đi du học tại Liên bang Nga. Đó là điều may mắn, là cơ hội vô cùng lớn đối với Bảo Yến. Tuy vậy, khi bắt đầu hành trình này, Bảo Yến cũng rất mông lung, nhưng cũng nhờ sự kiên định, Bảo Yến đã theo đuổi đến cùng, sau khi tốt nghiệp hệ chuyên gia loại giỏi (tương đương với thạc sĩ ở Việt Nam), Bảo Yến đã học tiếp lên Tiến sĩ. Và mới đây Bảo Yến đã hoàn thành 10 năm du học vất vả ở Liên bang Nga.
Năm 2014, mới sang Nga được 1 năm, cô giáo đã đưa Bảo Yến tham gia một cuộc thi hát thính phòng và sau đó giành giải nhì. Năm 2015, Bảo Yến tham gia cuộc thi Sao mai Tiếng hát truyền hình và dành ngôi vị quán quân dòng nhạc thính phòng. Những giải thưởng là ngoài sức tưởng tượng của em, trở thành động lực lớn để em có thể nuôi dưỡng lòng kiên trì và quyết tâm học hỏi của mình.
Hiện tại mới trở về Việt Nam, Bảo Yến đang trong quá trình làm quen lại môi trường trong nước bởi đi xa cũng đã lâu. Thứ nhất, Bảo Yến mong muốn phát triển sự nghiệp biểu diễn, ra các sản phẩm âm nhạc, làm các concert từ nhỏ đến lớn, và tham gia biểu diễn cùng dàn nhạc giao hưởng nhiều hơn. Bên cạnh đó, em muốn phát triển sự nghiệp giảng dạy, bởi 10 năm du học cũng đã trang bị cho em những kiến thức có thể truyền đạt lại cho thế hệ các em sau này.
Chuyên ngành thanh nhạc cổ điển thì kỹ thuật rất khó, thời gian đào tạo lại lâu. Một ca sĩ cần nhiều thời gian và đánh đổi rất nhiều để có thể học và hoàn thiện kỹ thuật cá nhân. Thế nhưng nó lại có giá trị to lớn, bởi kỹ thuật cổ điển là kỹ thuật cơ bản, và khi hát tốt cổ điển rồi thì mình có thể vận dụng vào cách hát cho các dòng nhạc khác. Trong nhạc thính phòng có các nguyen lý về vận dụng hơi thở, vị trí âm thanh, khẩu hình... rất hiệu quả khi áp dụng sang các dòng nhạc khác. Với những kiến thức đã học, cộng với kinh nghiệm của bản thân, Bảo Yến rất mong có các cơ hội để truyền tải lại cho các em.