Ca khúc đề tài xã hội: Trở lại với những hiệu ứng tích cực

Bảo Trang
Chia sẻ
(VOV5) - Đề tài xã hội thuyết phục người nghe bởi mang nhịp đập nhiệt huyết và những xúc cảm sâu thẳm nơi trái tim người nghệ sĩ...

Sau một thời gian dài nhường chỗ cho dòng nhạc thị trường ăn khách, thời gian gần đây, đề tài xã hội đã trở lại là một trong những chủ đề được nhiều nhạc sĩ – ca sĩ lựa chọn cho các sản phẩm âm nhạc của mình. Sự hồi sinh của hướng sáng tác về đề tài xã hội hiện nay mang một hơi thở mới, có tầm ảnh hưởng sâu rộng và đi sâu vào những vấn đề thường nhật. Bởi vậy, nó cũng thật gần gũi và mang lại hiệu ứng tích cực trong cộng đồng.

Ca khúc đề tài xã hội: Trở lại với những hiệu ứng tích cực - ảnh 1

Ca khúc Ghen Cô vy là sản phẩm nhằm hưởng ứng cuộc chiến chống đại dịch Covid-19

Nghe âm thanh chương trình tại đây:

Ghen cô vy là một sáng tác của nhạc sĩ Khắc Hưng, do hai ca sĩ Min và Erik hát lại từ ca khúc Ghen. Ghen cô vy ra đời nhằm hưởng ứng cuộc chiến chống đại dịch Covid-19, nằm trong dự án của Viện sức khỏe, nghề nghiệp và Môi trường thuộc Bộ Y tế. Với mục đích hướng dẫn vệ sinh đúng cách để phòng chống dịch bệnh, bài hát này kết hợp cùng "Vũ điệu rửa tay" do Quang Đăng nhảy đã xuất hiện và gây bão trên hàng loạt kênh truyền thông quốc tế, đi kèm với đó là cái tên Việt Nam được nhắc đến đầy tự hào, khi là một trong những quốc gia có tầm kiểm soát dịch tốt nhất.

Không thể phủ nhận rằng, trong những ngày cả thế giới đang gồng mình để chống lại dịch bệnh, thì Ghen cô vy đã mang lại hiệu ứng tích cực không chỉ từ giai điệu, ca từ mà cả "vũ điệu rửa tay" đều đang trở thành làn sóng trên các mạng xã hội. Cũng từ sau Ghen cô vy, nhiều ca khúc đã được các nghệ sĩ cho ra mắt công chúng, với mong muốn cùng chung tay chống lại bệnh dịch toàn cầu. Và mới đây, ca khúc Ngủ một chút đi anh của nhạc sĩ Tô Văn đã nhận được sự phản hồi tích cực của mọi người. Với ca từ đơn giản, ca khúc đã gửi gắm những cảm xúc và lòng biết ơn đối với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng như những người đang góp sức trong việc đẩy lùi dịch bệnh.

Khi thể hiện ca khúc này, ca sĩ Việt Tú cũng tràn đầy cảm xúc. "Tôi rất xúc động vì những ca từ và giai điệu của bài hát. Nó không cầu kỳ mà rất giản dị, mộc mạc. Tôi và nhạc sĩ Tô Văn mong muốn góp một phần nhỏ bé để chia sẻ, lan tỏa sự yêu thương, cảm thông cùng những năng lượng tích cực đến với mọi người, cùng chung tay đẩy lùi đại dịch covid 19" - Việt Tú chia sẻ.

Trong những cái tên được giới trẻ yêu thích khi viết về đề tài xã hội, nổi lên nhạc sĩ – ca sĩ Tạ Quang Thắng. Chọn cho mình một lối đi riêng, Tạ Quang Thắng đã truyền quan niệm sống tràn đầy lạc quan, tin tưởng đến đông đảo người nghe về những thân phận nhỏ bé của người cần lao, về những trăn trở của thế hệ trẻ trước cuộc sống, trước lịch sử.

Tạ Quang Thắng cho biết: "Khi tôi ra mắt album đầu tiên có 8 ca khúc, thì trong đó có 7 ca khúc viết về đề tài xã hội. Những đề tài ấy đến với tôi rất tự nhiên, ví dụ như khi tôi tham gia chương trình về môi trường thì tôi đã tìm hiểu và viết một bài hát về các chị lao công quét rác trên đường. Rồi khi đi cùng các bác cựu chiến binh trên con tàu không số, thì tôi lại sáng tác ca khúc về kỉ niệm tàu không số… Các ca khúc như một cuốn nhật ký ghi lại những điều mà tôi đã trải qua vậy".

Trong ca khúc Sống như những đóa hoa của Tạ Quang Thắng, lời bài hát chất chứa những tâm sự sâu lắng, khát khao của những người khuyết tật không được hưởng hạnh phúc trọn vẹn ngay từ lúc mới sinh. Nhưng họ đã vươn lên bằng ý chí, nghị lực sống, trở thành những đóa hoa tỏa ngát hương thơm. Ca khúc này đã trở thành bài hát chính thức của chương trình Tỏa sáng nghị lực Việt, và cái tên Sống như những đóa hoa cũng được đặt cho nhiều chương trình từ thiện.

Những vấn đề xã hội, thời sự luôn là chủ đề khó khai thác trong âm nhạc, nhưng cũng chính là nơi thể hiện rõ cá tính, quan điểm âm nhạc của người sáng tác. Nó thuyết phục người nghe bởi mang nhịp đập nhiệt huyết và những xúc cảm sâu thẳm nơi trái tim người nghệ sĩ...

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu