Xây dựng mô hình sản xuất cánh đồng lớn ở Ninh Thuận

Văn Cảnh-Đình Hùng
Chia sẻ
(VOV5) - Hợp tác xã Phước Hậu đã phát triển mô hình kinh doanh tổng hợp gắn với liên kết chuỗi giá trị trong nông nghiệp từ cánh đồng lớn.

Xã Phước Hậu được Ủy ban nhân dân huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận chọn làm điểm xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp cánh đồng lớn. Hợp tác xã Phước Hậu đã phát triển mô hình kinh doanh tổng hợp gắn với liên kết chuỗi giá trị trong nông nghiệp từ cánh đồng lớn. Hướng đi mới này hứa hẹn tạo bước đột phá trong sản xuất nông nghiệp ở địa phương.

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

Xây dựng cánh đồng lớn hướng đến một nền nông nghiệp hàng hóa, có năng suất, chất lượng và tính cạnh tranh cao. Mô hình liên kết cánh đồng lớn mang lại cho cả nông dân và doanh nghiệp những lợi ích to lớn, đặc biệt đảm bảo đầu ra cho bà con nông dân an tâm sản xuất.

Xây dựng mô hình sản xuất cánh đồng lớn ở Ninh Thuận - ảnh 1Kiểm tra mô hình cánh đồng lớn sản xuất, thu hoạch lúa giống ở xã Phước Hậu, huyện Ninh Phước. Ảnh: dantocmienui.vn 

Hợp tác xã Phước Hậu sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn trồng lúa với mô hình chăn nuôi lợn gắn với liên kết chuỗi giá trị trong tiêu thụ sản phẩm. Qua 4 vụ thực hiện mô hình cánh đồng lớn, Hợp tác xã Phước Hậu đã đạt được thành công bước đầu. Từ 53 hộ dân là thành viên Hợp tác xã ban đầu, đến nay đã có 447 hộ tham gia liên kết trong sản xuất mang lại hiệu quả thiết thực. Vốn của Hợp tác xã Phước Hậu từ mức 300 triệu đồng ban đâu nay đã lên tới lên 1,5 tỷ đồng. Hội đồng thành viên Hợp tác xã Phước Hậu hiện thực hóa bằng mô hình liên kết với các xã viên để cung ứng con giống và tiêu thụ sản phẩm. Để có địa điểm cho cán bộ hướng dẫn kỹ thuật, kinh nghiệm chăn nuôi và tìm đầu ra cho sản phẩm, Hội quán Phước Hậu đã được xúc tiến thành lập. Ông Vạn Sổ, Hội viên Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Phước Hậu, cho biết:“Vừa rồi chúng tôi tập huấn, hướng dẫn cách thức và thể lệ như thế nào vay vốn tập trung nuôi lợn. Nuôi lợn thì chúng tôi cũng có kinh nghiệm rồi, thức ăn của lợn theo hướng dẫn tập huấn vừa rồi rất đơn giản là toàn thực phẩm thô. Vì thế, bà con cũng mừng để gắn bó với Hội quán tại địa phương.”

Xây dựng mô hình sản xuất cánh đồng lớn ở Ninh Thuận - ảnh 2
Mô hình trồng măng tây xanh theo hướng an toàn được nhân rộng ở phường Văn Hải, thành phố Phan Rang-Tháp Chàm. - Ảnh:dantocmienui.vn

Đối với chăn nuôi, bà con xã viên thống nhất chọn đối tượng nuôi là lợn đen địa phương do đặc tính dễ nuôi, dễ tiêu thụ và đa số người dân có nhiều kinh nghiệm, đồng thời, tuân thủ nghiêm quy trình chăm sóc theo phương thức thả vườn, chỉ cho ăn thức ăn thô là phế phụ phẩm nông nghiệp. Sản phẩm được tiêu thụ một phần thông qua Hội quán Phước Hậu bằng hình thức bán cho khách du lịch và người dân địa phương, phần còn lại sẽ bán theo hợp đồng cho một số công ty ở thành phố Hồ Chí Minh. Ông Quảng Đại Hoàng, Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ tổng hợp Phước Hậu - Ninh Thuận, cho biết: “Hợp tác xã có phương án là mở rộng đa dạng ngành nghề để kinh doanh, muc tiêu là làm sao để mà nâng cao thu nhập cho bà con. Vừa qua Hợp tác xã đề xuất phương án với Hội nông dân tỉnh để hỗ trợ kinh phí từ nguồn quỹ của hội nông dân để bà con chăn nuôi lợn đen gắn với phát triển du lịch miệt vườn.”

Như vậy ngoài liên kết để tăng chuỗi giá trị từ cây lúa, mô hình nuôi lợn đen đã nhận được sự ủng hộ của Hội Nông dân. Đây cũng là Hợp tác xã thực hiện tốt mối liên kết 4 nhà gồm: nhà nông, nhà nước, nhà khoa học và doanh nghiệp. Ông Võ Chi, Phó Chủ tịch Hội nông dân tỉnh Ninh Thuận, cho biết: “Sắp tới, Hợp tác xã Phước Hậu triển khai liên kết nuôi lợn từ các xã viên, hội viên nông dân chăn nuôi lợn và đi đến bao tiêu sản phẩm. Hiện nay, Hợp tác xã đã có hướng tiêu thụ sản phẩm thịt lợn tại địa phương hoặc ở là các công ty tại thành phố Hồ Chí Minh.”

Hợp tác xã Phước Hậu là đơn vị đi đầu và thành công trong xây dựng cánh đồng lớn đầu tiên của tỉnh Ninh Thuận. Để nhân rộng mô hình sản xuất cánh đồng lớn ở địa phương, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận quy hoạch vùng sản xuất tập trung, tích cực ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất. Đồng thời lựa chọn các sản phầm đặc thù, đáp ứng yêu cầu tạo những sản phẩm nông nghiệp năng xuất cao, chất lượng, góp phần thúc đẩy ngành nông nghiệp tỉnh Ninh Thuận phát triển nhanh và bền vững.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu