Quy hoạch phát triển nông thôn mới

Lan Anh
Chia sẻ
(VOV5)- Đến nay có khoảng 60%  trong tổng số xã hoàn thành quy hoạch chung xây dựng nông thôn mới, trong đó có 3 tỉnh Vĩnh Phúc, Thái Bình và An Giang đã cơ bản hoàn thành cả quy hoạch chi tiết khu sản xuất và trung tâm xã.

(VOV5)- Sau ba năm thực hiện Chương trình (2009-2011), các nội dung xây dựng nông thôn mới đều được triển khai và cơ bản đạt yêu cầu đề ra. Về quy hoạch nông thôn mới, đến tháng 6/2010 đã cơ bản hoàn thành quy hoạch chi tiết ở 11 xã điểm trong cả nước. Xây dựng cơ sở hạ tầng được xác định là khâu mở đầu trong xây dựng nông thôn mới. Ngoài nguồn vốn ban đầu do Trung ương hỗ trợ, các địa phương còn lồng ghép, huy động các nguồn lực khác đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng. Có 8/11 xã cơ bản hoàn thành các tiêu chí về hạ tầng, làm thay đổi rõ nét diện mạo nông thôn, tác động trực tiếp đến phát triển kinh tế, cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, thúc đẩy hoạt động văn hóa. So với năm 2008, thu nhập của người dân các xã điểm năm 2011 đã tăng bình quân khoảng 62,6%, tỷ lệ hộ nghèo ở xã giảm. Đa số xã đạt các tiêu chí về giáo dục, y tế, làng văn hóa, nước sạch, công trình vệ sinh... 11/11 xã đạt tiêu chí về xây dựng hệ thống chính trị.

Quy hoạch phát triển nông thôn mới - ảnh 1
Ảnh: internet

Ông Tăng Minh Lộc, Cục trưởng Cục kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn, Chánh văn phòng Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia về nông thôn mới, cho biết: "Cả nước có 9121 xã ở nông thôn, 51% số đó đang triển khai làm quy hoạch, khoảng 20% số xã đạt chuản nông thôn mới năm 2015. Còn hiện nay phần lớn đang làm cái chung, cái chi tiết thì nhiều xã đã làm được nhưng tới đây chúng ta chỉ đạo cũng có trọng điểm. bởi quy hoạch là công việc đòi hỏi kiến thức và tiền của. Đây là công việc đòi hỏi tất cả các xã phải tiến hành trước. Trong năm 2011, 2012 này chúng ta ưu tiên hơn những xã đăng ký về đích trước. Như vậy các đơn vị tư vấn phải giúp họ tốt hơn, nguồn lực cũng đầu tư tốt hơn và mình chỉ đạo quyết liệt hơn"

Thực tiễn tại các xã điểm không những đã giúp Chính phủ, các bộ, ngành có cơ sở ban hành và bổ sung nhiều chính sách, cơ chế thiết thực, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các xã điểm, mà còn áp dụng cho triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới ra đại trà; đồng thời cho thấy một số tiêu chí đã ban hành cần được cân nhắc để điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện thực tế ở các vùng khác nhau như tiêu chí về kiên cố hóa kênh mương, đường nội đồng; tiêu chí về chợ; về mức tăng thu nhập gấp 1,4-1,5 lần trong vùng; về chuyển dịch cơ cấu lao động trong nông nghiệp. Sau ba năm thực hiện, đã thấy được hình hài nông thôn mới trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở Việt Nam, cả về quy hoạch, xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất, văn hóa, xã hội, môi trường, tạo việc làm, tăng thu nhập, xây dựng hệ thống chính trị...; đã kiểm nghiệm được những mặt được và hợp lý của bộ tiêu chí, những tiêu chí nào phù hợp đi vào cuộc sống, sắp tới phải làm tiếp, những tiêu chí nào chưa đạt, chưa phù hợp như tiêu chí về thu nhập, môi trường, chuyển đổi cơ cấu lao động...

Quy hoạch phát triển nông thôn mới - ảnh 2
Ảnh: internet

Theo ông Tăng Minh Lộc, việc thực hiện quy hoạch nông thôn mới hiện nay được đánh giá thực trạng theo 19 tiêu chí trong bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành.  "Trên  cơ sở đó phải quy hoạch lại theo hướng phát triển văn minh hiện đại, đảm bảo được sự phát triển bền vững . Một trong những quy định bắt buộc như Thủ tướng Chính phủ nói là đến năm 2012 cơ bản các xã phải xong quy hoạch nông thôn mới. Chỉ khi quy hoạch xong mới thực hiện các nội dung mới. Nói một cách khác là quy hoạch phải đi trước, mở đầu, là điều kiện tiên quyết xây dựng nông thôn mới. Đây là cách làm chúng ta rút kinh nghiệm cay đắng từ rất nhiều năm qua khi nông thôn chúng ta không quy hoạch, chính vì vậy nó sẽ phát triển một cách tự phát, bừa bãi, lộn xộn, môi trường cảnh quan bị phá huỷ, ô nhiễm. Nông thôn bị biến dạng không còn nét văn hoá truyền thống đẹp mà rất nhiều vùng quê chúng ta có."

Trong Hội nghị trực tuyến triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới với lãnh đạo các tỉnh thành phố và các bộ, ban ngành trung ương vừa diễn ra, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, cho rằng từ thực tiễn triển khai cho thấy ở đâu cấp ủy, chính quyền quan tâm sâu sát từ chủ trương đến tổ chức thực hiện thì kết quả phong trào đạt hiệu quả tốt và coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên. Trước mắt, năm 2012 các tỉnh, thành  cơ bản hoàn thành việc quy hoạch tổng thể ở các xã, trong đó chú ý quy hoạch sản xuất vì đây là gốc của vấn đề. Bên cạnh đó, ưu tiên cho công tác tuyên truyền, thống nhất nhận thức cho người dân và các cấp lãnh đạo ở cơ sở.

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nhấn mạnh:"Chương trình Mục tiêu quốc gia về nông thôn mới là một trong những nội dung, giải pháp rất quan trọng để triển khai thực hiện Nghị Quyết Trung ương 7 về Nông nghiệp – Nông dân – Nông thôn. Chương trình đến nay đã trở thành phong trào và đi vào cuộc sống thì chúng ta càng phải quyết tâm thực hiện và thực hiện bằng được, dù quá trình triển khai còn nhiều khó khăn. Phải huy động được cả hệ thống chính trị tiếp tục vào được, đặc biệt phải làm cho người dân nhận thức được vai trò của mình là người làm chủ và là chủ thể. Các cơ quan, chính quyền, cấp ủy phải tập trung chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức triển khai trên địa bàn từng xã cho phù hợp."

Việc quy hoạch cũng phải phù hợp với từng vùng miền. Người lãnh đạo không thể tự quyết định mà bản thân người dân thấy  họ cần cái gì thì họ sẽ tự quyết định. Vùng nào cần gaio thông sẽ quy hoạch giao thông trước, vùng nào cần điện thì sẽ ưu tiên phát triển điện hàng đầu…Người dân phải thực sự làm chủ. Trong tình hình hiện nay các vùng cao như tây Nguyên, Tây Bắc hay vùng Tây Nam bộ, việc triển khai quy hoạch còn gặp nhiều khó khăn do địa hình, điều kiện tự nhiên, yếu tố con người. Tuy nhiên để triển khai thực hiện tốt việc quy hoạch nông thôn mới cần có chương trình bài bản hơn nữa và thường xuyên kiểm tra đôn đốc thực hiện; phải tiếp tục hoàn thiện, bổ sung, cụ thể hóa những tiêu chí, mô hình nông thôn mới chung và phù hợp cho từng vùng, bao gồm cả việc điều chỉnh chỉ tiêu cho phù hợp, miền núi khác đồng bằng, nông thôn khác đô thị... Xây dựng nông thôn mới thời kỳ tiến lên công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đồng thời phải giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc./.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu