Nuôi ong làm giàu và thích ứng với biến đổi khí hậu

Thanh Tùng
Chia sẻ
(VOV5) -  Gần đây, nghề nuôi ong lấy mật ở các địa phương tại Việt Nam ngày càng phát triển, đặc biệt ở các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long. Doanh thu xuất khẩu mật ong của Việt Nam hàng năm tới hàng trăm triệu đô la Mỹ. Con ong mật đã được lựa chọn là giống vật nuôi thích nghi tốt ở đồng bằng sông Cửu Long.

(VOV5) -  Với việc được công nhận nhãn hiệu tập thể, uy tín thương hiệu mật ong U Minh hạ, tỉnh Cà Mau ngày càng vươn xa ở thị trường trong nước và xuất khẩu. 


Nuôi ong làm giàu và thích ứng với biến đổi khí hậu - ảnh 1
Ước tính Việt Nam hiện có hơn 1,5 triệu đàn ong (Ảnh minh họa Internet)


Nghe âm thanh bài viết tại đây:






Ở rừng tràm U Minh Hạ hiện có hàng ngàn hộ làm nghề nuôi ong lấy mật. Mỗi người thợ ong có thể nuôi cả trăm tổ ong, những người theo nghề này có thu nhập khá cao. Ông Trần Văn Nhì, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau, cho biết: “Tôi làm ghề nuôi ong 39 năm rồi. Đây là nghề chính của người nông dân vùng U Minh Hạ. Tổ ong cứ khoảng 15 ngày đến 20 ngày là mình lấy được mật, cũng có khi gấp thì 12 ngày cũng có mật".

Xuất khẩu mật ong, sáp ong của Việt Nam được dự báo có nhiều triển vọng khả quan khi nhu cầu của thị trường thế giới tăng cao và trước cánh cửa hội nhập quốc tế. Đặc biệt khi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ký kết tăng thêm cơ hội xuất khẩu hàng nông sản Việt Nam, trong đó có mặt hàng mật ong. Ông Phạm Văn Đông, Cục trưởng Cục Thú ý, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, cho rằng: Có những năm Việt Nam xuất khẩu tới 50 ngàn tấn mật ong như 2014. Còn năm 2015 Việt Nam xuất khẩu hơn 40 ngàn tấn mật ong. Thị trường xuất khẩu là Liên minh châu Âu, châu Mỹ và nhiều quốc gia khác".

Các sản phẩm từ ong như mật, sáp có giá trị dược liệu chữa bệnh và giá trị kinh tế cao. Khai thác lợi thế từ thiên nhiên, kết hợp kinh nghiệm dân gian với khoa học kỹ thuật hiện đại, nhiều hộ nông dân đã vươn lên làm giàu bằng hình thức nuôi ong lấy mật kết hợp trồng cây cảnh. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ước tính Việt Nam hiện có hơn 1,5 triệu đàn ong. Trong đó, khu vực đồng bằng sông Cửu Long có gần 120 ngàn đàn ong, sản lượng mật ong đạt hơn 240 tấn/năm. Sau đợt hạn hán mới đây ở đồng bằng sông Cửu Long, tại “Hội nghị phát triển chăn nuôi trong điều kiện mặn xâm nhập, hạn hán”, cùng với nhiều giống vật nuôi khác, con ong đã được chọn là giống vật nuôi thích hợp cho người nông dân, bởi đặc tích thích nghi với thời tiết nắng hạn, ít sử dụng nước ngọt. Theo ông Nguyễn Văn Tranh, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Cà Mau, nghề nuôi ong đã tạo nhiều công ăn việc làm, tăng thu nhập cho nông dân: Với ong mật thì U Minh là rừng tự nhiên, chỉ việc chăm sóc, trông tổ ong cẩn thận là lấy được mật. Đây là lợi thế trong điều kiện nắng hạn ở Cà Mau. Trong năm qua, sơ kết có khoảng 100 ngàn tổ ong, mỗi tổ ong thu được từ 4-6 lít mật. Đây là nguồn thu nhập khá lớn. Với giá bình quân 300 ngàn đồng/lít mật ong thì tạo ra nguồn doanh thu lớn cho người dân sống ở rừng U Minh Hạ".

Việt Nam hiện nay nằm trong top 10 nước xuất khẩu mật ong hàng đầu thế giới. Đặc biệt, Việt Nam giữ vị trí số 1 về sản lượng trong số các nước xuất khẩu mật ong vào thị trường Mỹ.

Việc con ong được chọn là một trong những giống vật nuôi phù hợp trong điều kiện thời tiết bất lợi như hạn hán, mặn xâm nhập là hướng đi đúng của một số địa phương trong vùng đồng bằng sông Cửu Long. Bởi đây là một nghề phù hợp với điều kiện miền núi, không tốn nhiều không tốn nhiều diện tích, vốn đầu tư ban đầu không lớn, tốt cho môi trường sống xung quanh. 

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu