Việt Nam ứng phó biến đổi khí hậu vì mục tiêu phát triển du lịch bền vững

Chia sẻ
(VOV5)- Sáng 17/8, tại Hà Nội, Tổng cục Du lịch, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch tổ chức hội nghị “Việt Nam: Hướng tới du lịch bền vững trong kỷ nguyên biến đổi khí hậu” với sự tham gia của 200 đại biểu.
(VOV5)- Sáng 17/8, tại Hà Nội, Tổng cục Du lịch, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch tổ chức hội nghị “Việt Nam: Hướng tới du lịch bền vững trong kỷ nguyên biến đổi khí hậu” với sự tham gia của 200 đại biểu.

Việt Nam ứng phó biến đổi khí hậu vì mục tiêu phát triển du lịch bền vững - ảnh 1
Thứ trưởng Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch Đặng Thị Bích Liên phát biểu tại hội nghị (Ảnh: TTtinvov)


Hội nghị được thực hiện với sự hỗ trợ kỹ thuật của Dự án Chương trình Phát triển Năng lực Du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội (Dự án EU-ESRT, do Liên minh châu Âu tài trợ).  Mục tiêu của hội nghị là nhằm tăng cường sự quan tâm của các cơ quan, tổ chức quốc tế về biến đổi khí hậu đối với hoạt động du lịch cũng như chia sẻ thực hiện tốt về thích ứng và ứng phó với biến đổi khí hậu trong hoạt động du lịch.


Phát biểu khai mạc hội nghị, bà Đặng Thị Bích Liên, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cho biết: "Du lịch Việt Nam vẫn đang duy trì được tốc độ phát triển tương đối nhanh, tuy nhiên vẫn còn tiềm ẩn nhiều thách thức đối với sự phát triển, đặc biệt là năng lực cạnh tranh của điểm đến và tính bền vững của phát triển du lịch. Thực tiễn phát triển du lịch trong giai đoạn vừa qua cho thấy cần có sự phối hợp liên ngành, liên vùng. Mặt khác, hoạt động du lịch có khả năng thu hút và cần có sự tham gia rộng rãi của cộng đồng dân cư. Do vậy cần xác lập những mô hình hoạt động có hiệu quả nhằm khuyến khích sự tham gia của toàn xã hội dưới sự quản lý thống nhất của Nhà nước góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế - xã hội, giữ gìn và bảo vệ tài nguyên, môi trường."


Tại Hội nghị các đại biểu nhận định: ngành Du lịch cần định ra các chính sách mới, quyết liệt, nhất quán và triển khai thực hành kinh doanh “Xanh” gắn du lịch với các hành động bảo vệ môi trường và khí hậu. Việc đối thoại chính sách và học hỏi giữa các bên liên quan cũng cần được thực hiện song song với việc phối hợp các chương trình nghiên cứu và phát triển để đẩy mạnh nghiên cứu khoa học trong ngành Du lịch. Ngoài ra, cần tăng cường truyền thông nhằm tác động tới thái độ và mong đợi của khách du lịch về thực hành bảo vệ môi trường khi đi du lịch.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu