Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Nhờ hiệu quả kinh tế của cây măng tây mang lại mà đời sống của người nông dân nơi đây ngày càng cải thiện, nâng cao.
Xã An Hải được biết đến là vùng đất khô cằn, khí hậu nắng nóng, khắc nghiệt nhất ở tỉnh Ninh Thuận, rất khó canh tác các loại cây trồng. Lãnh đạo xã và người dân nơi đây nhạy bén, sáng suốt chuyển đổi giống cây trồng thích hợp với khí hậu, thổ nhưỡng là cây măng tây, nhờ đó kinh tế nông thôn nơi đây chuyển biến tích cực, tạo bước đột phá giúp nông dân làm giàu.
Măng tây được phân loại tại điểm thu mua sản phẩm của Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Tuấn Tú |
Năm 2010, xã An Hải bắt đầu trồng thử nghiệm 1 ha cây măng tây. Đến nay xã đã phát triển diện tích trồng cây măng tây hơn 110 ha, trong đó diện tích cây măng tây của Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Tuấn Tú (thôn Tuấn Tú) chiếm hơn nửa.
Hiện nay, xã An Hải chủ yếu trồng cây măng tây giống từ Hà Lan, bởi đây là giống cho năng suất cao và chất lượng tốt, cây trồng một lần nhiều năm sau mới phải trồng lại. Cứ khoảng 1 ha cây măng tây cho thu hoạch từ 5-7kg/ngày, bán ra thị trường giá 50.000/kg. Như vậy, trung bình mỗi ha măng tây trong thời kỳ thu hoạch, sau khi trừ các chi phí, người nông dân có lãi từ 300 triệu đồng đến 400 triệu đồng/năm. Ở thôn Tuấn Tú, xã An Hải, gia đình ông Hùng Ky là một trong những hộ nông dân tiêu biểu.
Từ hộ nghèo nhưng nhờ trồng cây măng tây, đến nay ông Hùng Ky đã trở thành tỷ phú và đảm nhận chức vụ Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Tuấn Tú: "Tháng 8/2016 khi đó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tới thăm gia đình tôi và đánh giá rất cao giá trị cây măng tây. Cây măng tây là cây làm giàu cho người nông dân. Giả sử mình có 1000 m2 đất thì cứ sáng ra mỗi ngày là có lãi 500 ngàn đồng. 1 ha măng tây có thể cho doanh thu trên dưới 1 tỷ đồng/năm. Bà con ở đây rất phấn khởi. Cây măng tây trồng được quanh năm và thu hoạch quanh năm. 1 năm thu hoạch được 9 tháng, còn 3 tháng nghỉ dưỡng. Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Tuấn Tú kết hợp với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm cho nông dân."
Theo các hộ dân trồng măng tây ở xã An Hải, cây măng tây đang được thị trường ưa chuộng, giá bán cao, công chăm sóc ít, thu hoạch gần như quanh năm. Nhiều mô hình trồng cây măng tây ở xã An Hải đã tạo được sự liên kết bền chặt theo hướng đôi bên cùng có lợi giữa các xã viên với hợp tác xã, giữa hợp tác xã với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm.
Lãnh đạo xã An Hải và Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Tuấn Tú tới thăm vườn măng tây của ông Não Văn Xây (người thứ 2 từ trái sang) |
Ông Não Văn Xây, người dân xã An Hải, thành viên Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Tuấn Tú, kể: "Hộ nghèo không có vốn đầu tư thì Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Tuấn Tú cung cấp giống cho hộ nghèo, cho không giống. Xã mời bà con tới hội thảo, cuối năm Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Tuấn Tú tổ chức cho bà con đi tham quan, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất. Bà con tập trung trồng cây măng tây nhiều lắm, cố gắng làm ăn. Thôn Tuấn Tú 80% thoát nghèo rồi."
Là loại cây chủ lực, xã An Hải khuyến khích bà con nông dân mở rộng diện tích trồng cây măng tây. Định hướng phát triển cây măng tây được xã An Hải thực hiện bài bản và khoa học. Theo đó, cơ chế, chính sách về vốn vay đầu tư từ các tổ chức tín dụng được người dân tiếp cận dễ dàng; nông dân đẩy mạnh áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất; liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm giữa nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp cũng ngày một bền chặt.
Ông Hồ Thanh Phong, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã An Hải, cho biết: "Mô hình trồng cây măng tây không thể tự phát mà phải liên kết theo chuỗi giá trị, đạt hiệu quả sạch tiêu chuẩn VietGap (VietGAP là viết tắt của Vietnamese Good Agricultural Practices, có nghĩa là thực hành sản xuất nông nghiệp tốt ở Việt Nam) và tiếp đến là sản xuất hữu cơ. Trên địa bàn xã An Hải có 1 Hợp tác xã, ngoài ra có thành lập các tổ thu mua để giúp bà con nông dân bao tiêu sản phẩm. Địa phương tạo điều kiện hỗ trợ một phần giống cho bà con nông dân. Hỗ trợ về kỹ thuật, mở các lớp tập huấn quy trình sản xuất, thu hoạch sản phẩm cho bà con nông dân. Rồi cấp giấy chứng nhận VietGap cho bà con nông dân. Đầu vào, đầu ra tiêu thụ măng tây ổn định, góp phần phát triển kinh tế-xã hội của địa phương cũng như tăng thu nhập cho nông dân."
Từ khi trồng măng tây, đời sống đồng bào dân tộc Chăm ở xã An Hải khá lên rõ rệt, diện mạo nông thôn đổi thay. Thời gian tới, người dân xã An Hải tiếp tục rà soát, xây dựng những vùng chuyên canh cây măng tây để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và hướng tới xuất khẩu.