Trà Shan tuyết ở đây là hoàn toàn tự nhiên, bởi người dân ở đây không chăm bón cho cây trà mà cứ để tự nhiên như vậy. Cây có hoa, có quả rơi xuống, chim chóc và sóc ăn quả đó, mang hạt đi sang nơi khác thì ở đó lại mọc lên cây mới.
Phóng viên: Đã qua 3 năm hoạt động, hiện tại Không gian trà bao gồm những hạng mục gì thưa ông?
Ông Đặng Thái Sơn: Ban đầu Không gián trà mở ra chỉ để có chỗ thưởng trà, giới thiệu các sản phẩm trà. Đến khi khách du lịch lên đây, họ cần chỗ ăn chỗ nghỉ thì chúng tôi lại làm những bungalow ở phía dưới sườn núi. Chúng tôi rất giữ gìn những cây trà cổ thụ, nên khi xây dựng chúng tôi không đánh đi bất kỳ cây nào. Tất cả những cây trà đều được giữ nguyên, thế nhà sẽ lựa theo thế cây. Buổi sáng khi khách mở cửa ra là có thể tự tay hái lá trà và pha nước uống. Đó cũng là một trải nghiệm rất thú vị cho du khách.
Những bungalow được dựng lên cạnh gốc trà cổ thụ |
Tiếp đến, chúng tôi xây dựng khu nhà hàng để phục vụ ẩm thực. Rất nhiều món ăn được gắn liền với cây trà Shan tuyết, ví dụ như món gà đen hấp lá trà cổ thụ, món thịt trâu thịt ngựa xông hơi lá trà, hay lợn quay nguyên con được tẩm ướp với lá trà cổ thụ... Du khách rất thích thú với những món ăn này.
Khu nhà hàng phục vụ các món ăn kết hợp hương vị trà |
Hiện tại, chúng tôi còn xây dựng Ngôi làng hạnh phúc. Chúng tôi khôi phục nghề rèn, nghề dệt truyền thống của người Mông, làm nên những quầy bán thổ cẩm, và lập nên những lớp học sẻ chia, thiết kế những khu để chụp ảnh, trồng hoa sim, hoa tớ dày... để du khách có thêm nhiều trải nghiệm.
Những đồi hoa được trồng và chăm chút để du khách có thêm trải nghiệm khi tới Suối Giàng |
Phóng viên: Như vậy là cùng với không gian văn hóa trà được mở rộng ra thì văn hóa bản địa cũng đã được mang tới và giới thiệu cho du khách phải không thưa ông?
Ông Đặng Thái Sơn: Tập tục văn hóa của người Mông vốn là du canh du cư. Theo truyền thuyết kể lại, khi họ đến vùng Suối Giàng này thì bắt gặp một cây cổ thụ, thân cây rất to và mốc meo. Trong lúc mệt mỏi, họ ngắt búp cây để nhấm nháp, thấy hậu vị rất ngọt và đặc biệt là thấy trong người khỏe lại nên họ đã nghĩ rằng được trời cứu giúp. Người Mông bắt đầu định cư ở đây và sống dựa vào cây trà để phát triển kinh tế. Đến nay có thể nói đồng bào đã biết làm giàu từ cây trà.
Du khách thưởng thức những nét đẹp văn hóa bản địa khi tới Suối Giàng |
Suối Giàng được thiên nhiên ưu đãi từ tài nguyên đến khí hậu. Khi đến với Không gian văn hóa trà này, du khách sẽ được những nghệ nhân người Mông chia sẻ về văn hóa trà bản địa. Bà con ở đây cũng có những đội văn nghệ để giới thiệu những làn điệu dân ca Mông, sáo Mông, khèn môi, khèn lá... Bên cạnh đó là nét đẹp làng nghề truyền thống lâu đời của người Mông, ngắm những bộ quần áo được hoàn thành trong vòng 2-3 năm... Trong không gian này, du khách sẽ cùng những người dân bản địa chia sẻ những câu chuyện thú vị và tìm hiểu những nét đẹp văn hóa dân tộc Mông.
Nhảy sạp và cùng nhau giao lưu văn nghệ |
Phóng viên: Vâng, còn về những Lớp học sẻ chia nằm trong Ngôi làng Hạnh phúc mà ông đã nhắc đến?
Ông Đặng Thái Sơn: Khi không gian văn hóa trà mở ra, chúng tôi nghĩ rằng cần có sự bền vững. Những lớp học sẻ chia được lập ra với thông điệp: "Hãy cho đi một phần những gì mà bạn đang có". Có thể không phải là vật chất, các bạn có thể chia sẻ kiến thức bằng cách đến đây và dạy cho trẻ em người Mông. Hiện tại Lớp học sẻ chia đang dạy về 3 điều: Dạy pha trà, dạy ngoại ngữ và dạy kỹ năng sống. Điều đó sẽ giúp cho các em bé ở đây hiểu được văn hóa trà Suối Giàng, hiểu về giá trị đặc biệt của cây trà Shan tuyết, và mong muốn các con sẽ góp phần bảo vệ cây trà, vì đó chính là linh hồn của cả Suối Giàng. Bên cạnh đó, các con được học ngoại ngữ do các giáo viên tình nguyện đến dạy.
Lớp học sẻ chia trong Ngôi làng hạnh phúc |
Các em nhỏ được học pha trà, học ngoại ngữ và học kỹ năng sống |
Phóng viên: Sau nhiều khó khăn để chuẩn bị cho Không gian văn hóa trà Suối Giàng ra đời, cũng như sau 3 năm nơi đây đi vào hoạt động, ông có thể chia sẻ về những điều mà Không gian văn hóa trà đã mang đến vùng đất này?
Ông Đặng Thái Sơn: Ban đầu, chúng tôi chỉ mong muốn có một nơi để mời mọi người uống trà khi tới Suối Giàng. Sau 3 năm nhìn lại, thực sự cũng không thể nghĩ được rằng chúng tôi đã đi được những bước như thế này. Khởi đầu với trà, và đến giờ chúng tôi đã làm cả du lịch nữa. Trà vẫn là hồn cốt, là chất dẫn sang những lĩnh vực, những môi trường khác.
Một góc không gian văn hóa trà Suối Giàng |
Khi chúng tôi mới đặt chân đến đây, người dân cũng chưa tin tưởng, vẫn băn khoăn về việc mà chúng tôi làm. Nhưng trải qua thời gian, những điều tốt đẹp Không gian văn hóa trà đã mang lại cho vùng đất này, du khách tới đây cũng đã có những trải nghiệm thú vị, khi họ được vào tận nhà và tìm hiểu đời sống của người dân bản địa... Những điều đó cũng mang lại thêm thu nhập cho bà con, nâng cao chất lượng cuộc sống. Điều đáng mừng là tụi trẻ con trên này, khi chúng tôi mới đến thì các bé còn rất rụt rè và nhút nhát, nhưng giờ thì đã biết chào hỏi, cười nói, pha trà mời khách.
Góc nhìn từ Không gian văn hóa trà nơi đỉnh núi mờ sương |
Trà chính là chất dẫn, để mọi người gần gũi và kết nối với nhau. Chúng tôi rất vui khi đã góp được một phần nho nhỏ để lan tỏa văn hóa trà Suối Giàng nói riêng và của Việt Nam nói chung.
Phóng viên: Vâng xin cảm ơn ông!