Nông dân vùng biên Huổi Luông, Lai Châu thoát nghèo nhờ trồng chuối

Khắc Kiên
Chia sẻ
(VOV5) - Cây chuối được người dân xã Huổi Luông đưa vào trồng đại trà từ năm 2009, đến nay có khoảng 750 ha. 

(VOV5) - Mấy năm gần đây, nhờ trồng chuối mà đời sống nông dân ở nhiều xã vùng biên giới huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu đã ổn định và phát triển hơn. Trong đó xã Huổi Luông đi đầu trong việc đưa cây chuối trở thành hàng hóa; giúp không ít gia đình giàu lên nhờ trồng chuối. 

Nông dân vùng biên Huổi Luông, Lai Châu thoát nghèo nhờ trồng chuối - ảnh 1
Nông dân bản Pô Tô chăm sóc chuối

Nghe âm thanh bài viết tại đây:




Dọc theo đường biên giới vào trung tâm xã Huổi Luông, trên những triền đồi bạc màu trơ trọc đất đá ngày nào, giờ đây là bạt ngàn màu xanh của chuối. Anh Tẩn Chỉn Phù, một nông dân ở bản Pô Tô, xã Huổi Luông, cho biết: Gia đình anh có 6 nhân khẩu, là hộ nghèo trong xã cách đây vài năm. Tuy nhiên, sau khi trồng hơn 1 héc ta chuối, gia đình anh đã có cuộc sống ổn định hơn, nhờ đó mà con cái có điều kiện để ăn học. “Gia đình tôi mới trồng chuối được 2 năm nay và giờ cho thu hoạch một tuần được hơn 1 triệu đồng. Bây giờ gia đình tôi trồng cả ngô và chuối nên cũng đã đủ ăn rồi. Trong bản giờ mọi người trồng chuối hết rồi, chỉ làm ít ngô thôi. Trồng cây gì cho thu nhập cao là bà con trồng, miễn sao đủ ăn và có nhiều tiền là được” - anh Phù nói.


Với gia đình anh Giàng Phủ Lìn ở bản La Vân, xã Huổi Luông bắt đầu trồng chuối cách đây hơn 3 năm. Sau khi trồng thử nghiệm, thấy cây chuối cho thu nhập nhiều hơn hẳn nên gia đình anh đã trồng hết chuối trên diện tích ngô, sắn trước đây. Từ đó, nhờ tiền bán chuối, gia đình anh không chỉ có thu nhập ổn định mà còn giúp bà con trong bản cây giống để nhân rộng diện tích. Anh Giàng Phủ Lìn chia sẻ: “Trong bản tôi và toàn xã Huổi Luông giờ đây bà con tập trung trồng chuối hết, vì thu nhập cao hơn cây ngô, cây sắn. Nguyên nhân bà con trồng nhiều là do cây chuối phù hợp với đất đồi dốc nơi đây và phát triển tốt hơn cây trồng cũ. Trong bản tôi giờ đây nhà ít thì trồng khoảng 1.000 gốc, nhà trồng nhiều cũng có từ 2.000 đến 3.000 gốc”.


Nông dân vùng biên Huổi Luông, Lai Châu thoát nghèo nhờ trồng chuối - ảnh 2
Người dân xã Huổi Luông chở chuối đi bán (Ảnh: Báo Lai Châu)


Nhiều năm nay, khu vực “chợ chuối” của xã luôn tập trung đông người. Chuối nhiều nên ngày nào thương lái cũng có mặt từ sáng sớm để thu mua. Dịp này, chuối đang được giá, mỗi kg chuối có giá trung bình khoảng 10 nghìn đồng. Chị Phàn Thị Hoa, một thương lái mua chuối ở “chợ chuối” Huổi Luông cho biết nguồn chuối thương phẩm ở đây khá ổn định, nhờ vậy nên ngày nào ít thì vợ chồng chị cũng nhập được vài tấn chuối rồi xuất cho thương lái nước ngoài. 
“Bây giờ dân ở đây toàn trồng chuối và hàng ngày mang đến điểm tập kết để bán cho các thương lái. Giá chuối cũng cao hơn so với nhiều loại nông sản khác nên bà con có thu nhập khá cao. Giá ở thời điểm này trong khoảng từ 4,2 đến 4,3 đồng, tương đương với hơn chục nghìn 1 kg” - chị Hoa nói.


Cây chuối được người dân xã Huổi Luông đưa vào trồng đại trà từ năm 2009, đến nay có khoảng 750 ha. Do cho giá trị kinh tế cao nên đã nhanh chóng được nhân rộng và trở thành sản phẩm hàng hóa, cũng như thu nhập chính của bà con các dân tộc địa phương. Ông Lý A Hành, Chủ tịch UBND xã Huổi Luông, huyện Phong Thổ cho biết: Cây chuối đã giúp bà con giảm tỷ lệ hộ nghèo từ trên 70% năm 2010 xuống còn 15% vào năm 2015. Cây chuối cho thấy sự phù hợp trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, không những giúp bà con xóa đói, giảm nghèo, mà còn giúp nhiều hộ nơi đây vươn lên làm giàu một cách nhanh chóng. Đời sống của bà con được cải thiện nhiều có thể thấy qua thu nhập bình quân đầu người hơn 5 triệu đồng/năm của 5 năm trước, đến nay, mức thu nhập bình quân đã tăng hơn 3 lần. Theo ông Hành: “Nương ngô trước đây năng suất thấp nên bà con đã thay đổi sang trồng chuối để có năng suất cao hơn. Trung bình hàng năm, 1ha chuối bà con thu được 150 triệu. Bây giờ bà con thay đổi cơ cấu cây trồng, chuối có giá nên đời sống thay đổi rất nhiều. Trong vòng 3 năm nay, bà con đã mua được rất nhiều ô tô”. 


Cây chuối không chỉ khẳng định được hiệu quả trên triền núi dốc Huổi Luông, mà đã được nhân rộng ra các địa bàn biên giới khác như Bản Lang, Ma Ly Pho, Ma Ly Chải. Đồng bào dân tộc ở các địa phương đã đưa cây chuối vào trồng đại trà và coi là cây mũi nhọn trong xóa đói giảm nghèo và làm giàu.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu