Bản Sin Súi Hồ ở Lai Châu làm du lịch cộng đồng

Diệu Linh
Chia sẻ
(VOV5) - Bản du lịch cộng đồng Sin Súi Hồ, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu, là điểm du lịch mới, hấp dẫn bởi vẻ đẹp của cảnh quan thiên nhiên hoang sơ với những nếp nhà chứa đựng các giá trị văn hóa độc đá giấu mình trong vách núi. Chỉ cần đến một lần, bạn sẽ muốn quay trở lại cùng những con người chất phác, hồn hậu và cách làm du lịch chuyên nghiệp của đồng bào Mông nơi đây.
(VOV5) - Bản du lịch cộng đồng Sin Súi Hồ, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu, là điểm du lịch mới, hấp dẫn bởi vẻ đẹp của cảnh quan thiên nhiên hoang sơ với những nếp nhà chứa đựng các giá trị văn hóa độc đá giấu mình trong vách núi. Chỉ cần đến một lần, bạn sẽ muốn quay trở lại cùng những con người chất phác, hồn hậu và cách làm du lịch chuyên nghiệp của đồng bào Mông nơi đây.


Nghe nội dung bài viết tại đây:




 Bản Sin Súi Hồ ở Lai Châu làm du lịch cộng đồng - ảnh 1

Những hướng dẫn viên du lịch người địa phương tại bản

Cách trung tâm thành phố Lai Châu 35km, chênh vênh trên độ cao 1.400 mét, xã Sin Súi Hồ- huyện Phong Thổ, nói theo tiếng địa phương là “Suối có vàng”, là nơi sinh sống lâu đời của đồng bào Mông. Trong số gần trăm bản du lịch cộng đồng xuất hiện hơn chục năm nay ở vùng núi Tây Bắc, Sin Súi Hồ mới được công nhận từ tháng 6 năm ngoái. Ấn tượng về sự chuyên nghiệp nhưng vẫn giữ nét mộc mạc đáng yêu của làng du lịch cộng đồng Sin Súi Hồ là trên tấm biển bằng lưới đen nẹp bằng hai thanh tre gộc ở cổng bản có hàng chữ thêu bằng dây thừng: "Điểm du lịch cộng đồng, bản Sin Súi Hồ".

Ở Sin Súi Hồ, tên chủ nhà lúc nào cũng được ghi lên tấm biển làm bằng gỗ trước cửa, hoặc trên cánh cổng to đầu ngõ cùng những nội dung mà du khách quan tâm như số điện thoại, có Wi-Fi…gắn bằng những hòn cuội nhỏ màu trắng, hoặc sợi thừng uốn thành chữ. 


 Bản Sin Súi Hồ ở Lai Châu làm du lịch cộng đồng - ảnh 2
Du khách đến thăm bản 

Trên đường vào bản Sin Súi Hồ, du khách bắt gặp một không gian chợ phiên của đồng bào Mông với nhiều sản vật đặc trưng của dân tộc mình như: lợn mán, măng chua, gạo nếp, ngô, thảo quả, váy áo, khăn thổ cẩm…Trong làn sương trắng dày đặc, dọc con đường vào bản, hai bên lối đi vào nhà hoặc dưới những gốc cây cổ thụ là những chậu địa lan khoe sắc khiến bạn như lạc vào thế giới của loài hoa nơi núi rừng Tây Bắc. Anh Vàng A Lai, người dân tộc Mông, ở bản Sin Súi Hồ tự hào nói về văn hóa của dân tộc mình: "Dân tộc Mông có nét văn hóa truyền thống như lễ hội, các điệu múa và khèn môi, khèn lá. Khèn lá dành cho cả nam và nữ khi gọi bạn là nét văn hóa riêng của người Mông…".

Mấy năm gần đây, loại hình du lịch cộng đồng  phát triển. Du khách được thưởng thức những món ăn do người dân chế biến như thịt lợn luộc, rau rừng, măng chua, rau sắn...Với những du khách thích tìm hiểu, khám phá nghệ thuật ẩm thực, những điệu múa, tiếng khèn, câu hát của người Mông, chủ nhà sẽ trực tiếp hướng dẫn cho du khách thực hành. Vào những ngày đông khách tham quan, dân bản sẽ tổ chức biểu diễn văn nghệ để đón khách. Anh Vàng A Chỉnh, Trưởng bản Sin Súi Hồ, cho biết, cả bản có hơn 100 hộ dân, thì có 6 hộ làm du lịch cộng đồng mỗi nhà phục vụ 8 đến 10 khách mỗi ngày. Hoạt động này đã mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân: "Từ lúc làm du lịch là gia đình có khấm khá hơn, ví dụ tiền cho con cháu đi học đầy đủ hơn. Làm du lịch mình phục vụ được cho khách ngày càng đông, một tối giá nghỉ ở đây 80 nghìn/đồng/người. Trước khi làm du lịch, gia đình tôi được Uỷ ban nhân dân tỉnh tập huấn. Giờ thì mình đã làm được du lịch,  mọi người trong bản làm du lịch, đón khách tốt rồi".


 Bản Sin Súi Hồ ở Lai Châu làm du lịch cộng đồng - ảnh 3
Phong cảnh, đời sống của đồng bào vùng cao rất được du khách ưa thích

Nói về điểm du lịch cộng đồng Sin Súi Hồ, ông Lê Quang Minh, Trưởng phòng nghiệp vụ du lịch Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lai Châu, cho biết: do toàn bộ các hộ dân tại đây đều là người Mông, nên cuộc sống của họ là cả một kho chuyện để du khách khám phá. Điểm nhấn thu hút du khách ở đây là nghề trồng địa lan, làm thảo quả, dệt thổ cẩm, đồ lưu niệm bằng gỗ hoặc bằng tre…Ngành văn hóa- thể thao tỉnh Lai Châu đang có chính sách hỗ trợ về chuyên môn để bà con người Mông làm du lịch:  "Chúng tôi hỗ trợ một số dụng cụ nấu nướng, mời giảng viên dạy cách bày biện ẩm thực. Hiện tại, bà con chưa phải đóng thuế gì. Nếu lên Thác Trái Tim ở bản Sin Súi Hồ để khám phá rừng nguyên sinh, du khách chỉ phải mua 10.000 đồng/vé, cũng là để bà con người Mông bản địa có thêm nguồn thu làm vệ sinh môi trường. Chúng tôi muốn Sin Súi Hồ giữ được bản sắc văn hóa dân tộc Mông, không bị phát triển quá nóng, thương mại hóa quá mức".

Tỉnh Lai Châu đã có chương trình giúp người dân Sin Síu Hồ vay vốn ưu đãi làm du lịch, tiếp tục hỗ trợ đào tạo chuyên môn cho người làm du lịch cộng đồng. Năm 2016 này, tỉnh đầu tư 180 tỷ đồng mở rộng đường từ thành phố Lai Châu lên Sin Súi Hồ, đáp ứng nhu cầu đi lại của du khách. Khi đó, Sin Súi Hồ sẽ là điểm du lịch cộng đồng hấp dẫn du khách gần xa.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu