Nông dân Hà Nội kết nối tiêu thụ nông sản trong mùa dịch

Phương Thoa
Chia sẻ
(VOV5) - Với sự linh hoạt, năng động, ngành nông nghiệp Hà Nội đã thích ứng được với bối cảnh mới.

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

Dịch Covid-19 khiến ngành nông nghiệp thành phố Hà Nội gặp khó khăn trong việc sản xuất, tiêu thụ nông sản. Để hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp, các hợp tác xã, các đơn vị liên quan đến ngành nông nghiệp ở Hà Nội mở rộng nhiều kênh tiêu thụ nông sản, thành lập chuỗi tiêu thụ hàng nông sản nhằm bảo đảm ổn định sản xuất, kinh doanh trong tình hình hiện nay.

Xác định đồng hành cùng nông dân, các hợp tác xã là trách nhiệm của chính mình và cũng để duy trì phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn đã nhanh chóng chuyển hướng hoạt động với những giải pháp linh hoạt, phù hợp với thực tế. Để tránh tập trung đông người, nhiều hợp tác xã bố trí cho xã viên, nông dân thay nhau sản xuất, thu hoạch để kịp thời vụ và đủ phục vụ người tiêu dùng. Nhằm giúp các sản phẩm nông sản dễ dàng tiêu thụ, đáp ứng nhu cầu của người dân Thủ đô, các doanh nghiệp, hợp tác xã dán tem QR Code để truy xuất nguồn gốc các loại nông sản, giúp người tiêu dùng an tâm về chất lượng hàng nông sản.

Thông thường mỗi ngày, Hợp tác xã nông nghiêp hữu cơ Tàm Xá tiêu thụ dễ dàng khoảng 2 tấn rau thông qua hệ thống siêu thị và các điểm bán hàng nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên số lượng rau củ của Hợp tác xã tiêu thụ giảm nhiều. Ông Lê Đức Thắng, Phó Giám đốc Hợp tác xã nông nghiêp hữu cơ Tàm Xá, cho biết: “Các thành viên hợp tác xã mong muốn đưa những sản phẩm rau củ sạch đến tận tay người tiêu dùng. Vì vậy, cần có nhiều những chuỗi liên kết thì càng tốt, nhất là trong thời gian dịch bệnh như thế này.”

Chỉ tính riêng xã Tàm Xá, huyện Đông Anh, có 64 héc-ta sản xuất rau an toàn. Trong đó, có 2,5 héc-ta chuyển hẳn sang trồng rau hữu cơ chất lượng, cho thấy việc mở rộng diện tích rau theo quy trình hữu cơ là hướng đi hiệu quả. Tuy nhiên, vài tháng qua, lượng rau tiêu thụ chậm khiến người nông dân lo lắng. Bà Lê Thị Thanh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tàm xá, huyện Đông anh, cho biết: “Tiêu thụ các sản phẩm của chúng tôi làm ra thì bà con mới yên tâm được, chứ chúng tôi làm ra mà không có không có người tiêu thụ, hàng hóa không bán được. Đó là nỗi lo của bà con nông dân.”

Phần lớn hệ thống siêu thị, đơn vị bán lẻ có uy tín tại Hà Nội đã chủ động liên hệ với các hợp tác xã sản xuất rau, quả, thịt… tại Hà Nội để đặt hàng, cử nhân viên về hỗ trợ đóng gói, thu mua. Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp còn hỗ trợ chi phí giết mổ, vận chuyển trong việc thu mua gà mía, lợn, bò... tại các huyện ngoại thành. Các quận, huyện ở Hà Nội đều tổ chức các điểm bán hàng bình ổn giá tại các khu dân cư, khu chung cư; các hợp tác xã liên kết với các chuỗi cung ứng để tiêu thụ nông sản... Trung tâm hỗ trợ phát triển phụ nữ Hà Nội đã đứng ra kết nối cung cầu bao tiêu sản phẩm rau củ quả, đồng thời hỗ trợ cả hai phía người nông dân và người tiêu dùng. Trung tâm triển khai chương trình thông qua mạng lưới hội phụ nữ cơ sở mở các điểm bán hàng nông sản. Bên cạnh đó, Trung tâm còn qua mạng xã hội nhận các đơn hàng, đưa sản phẩm tới từng nhà người dân. Chị Trịnh Lan Nhi, người dân quận Hà Đông, cho biết: “Tôi biết đến chuỗi tiêu thụ nông sản qua trang web của Trung tâm. Trong 1 tuần nhà tôi đặt 3-4 lần rau củ quả của Trung tâm. Vì củ quả giữ được độ tươi lâu hơn, rau cũng rất tươi. Nói chung tôi thấy rất đảm bảo an toàn và giá cả cũng bình thường. Mọi  người mang đến tận nhà, rất thuận tiện.”

Ngoài liên kết với các hợp tác xã tiêu thụ nông sản trong thành phố, Trung tâm hỗ trợ phát triển phụ nữ Hà Nội còn kết nối với các tỉnh, thành phố lân cận Hà Nội, với phương châm “giảm bớt chi phí trung gian, đưa sản phẩm an toàn tới tay người tiêu dùng với mức giá hợp lý, ưu đãi”. Đến nay, Trung tâm đã tiêu thụ hơn 500 tấn sản phẩm nông sản với khoảng 10 loại sản phẩm rau củ quả của các Hợp tác xã ở các vùng miền, như: xoài, khoai lang, khoai tây, bí đỏ, rau củ quả…; đồng thời phát miễn phí hàng trăm xuất quà gồm lương thực, thực phẩm, hàng nông sản giúp đỡ cho người có hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng do dịch Covid-19.

Bà Nguyễn Thị Hảo, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ phát triển phụ nữ Hà Nội, cho biết: “Trung tâm đã mở một số điểm tiêu thụ hàng nông sản tại thành phố và các quận huyện để kết nối tiêu thụ sản phẩm. Với chức năng của Trung tâm chúng tôi sử dụng văn phòng kết nối gắn với việc cung ứng các nhu cầu thiết yếu cho những người có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt là những phụ nữ.”

Với sự linh hoạt, năng động, ngành nông nghiệp Hà Nội đã thích ứng được với bối cảnh người dân hạn chế ra đường, hạn chế tiếp xúc, góp phần phòng, chống dịch Covid-19. Khi có sự đồng hành của các cấp chính quyền và cộng đồng doanh nghiệp, cùng với sự chung sức của người nông dân, ngành nông nghiệp Thủ đô sẽ vượt qua được thách thức hiện tại, duy trì và phát triển sản xuất, kinh doanh, bảo đảm nguồn cung nông sản thực phẩm an toàn cho thị trường thành phố Hà Nội.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu