Hà Nội đẩy mạnh chương trình OCOP giai đoạn 2019-2020

Ngọc Anh
Chia sẻ
(VOV5) - Tổng kinh phí chương trình là 265 tỷ đồng (hơn 11 triệu USD), góp phần thúc đẩy xây dựng nông thôn mới Thủ đô.

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

Chương trình mỗi xã một sản phẩm (gọi tắt là OCOP) được Chính phủ phê duyệt tháng 5/2018 nhằm phát triển kinh tế nông thôn, là một trong những giải pháp để thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.

Thành phố Hà Nội đang đẩy mạnh Chương trình OCOP giai đoạn 2019 - 2020, với tổng kinh phí 265 tỷ đồng (hơn 11 triệu USD), góp phần thúc đẩy xây dựng nông thôn mới Thủ đô.

Hà Nội đẩy mạnh chương trình OCOP giai đoạn 2019-2020 - ảnh 1Sản phẩm OCOP sơn mài làng Hạ Thái. 

Trọng tâm của chương trình OCOP là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân và kinh tế tập thể thực hiện. Chương trình xác định 6 nhóm hàng hóa, dịch vụ để thực hiện gồm: thực phẩm, đồ uống, thảo dược, lưu niệm - nội thất - trang trí, vải - may mặc và dịch vụ du lịch nông thôn. Sản phẩm OCOP được đánh giá theo 5 hạng, trong đó hạng 5 sao là cao nhất, bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng quốc tế.

Đối với Hà Nội, Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, được chọn là đơn vị chuyên trách để phối hợp với các địa phương triển khai chương trình OCOP. Chương trình OCOP Hà Nội là chương trình OCOP lớn nhất trong tất cả 63 tỉnh, thành phố trong cả nước.

Ông Nguyễn Văn Chí, Chi cục trưởng Chi cục phát triển nông thôn Hà Nội, Phó Chánh Văn phòng thường trực Văn phòng điều phối nông thôn mới thành phố Hà Nội, cho biết: “Giai đoạn 2019-2020, chúng tôi xác định sản phẩm OCOP vừa hoàn thiện, nâng cấp và đánh giá chất lượng sản phẩm. Lộ trình sản phẩm OCOP theo chỉ tiêu của Trung ương giai đoạn 2019 -  2020 là khoảng 2.500 sản phẩm OCOP, Hà Nội sẽ chiếm tỷ trọng rất lớn, khoảng 1000 sản phẩm OCOP. Trong năm 2019 Hà Nội đã chấm 300 sản phẩm, năm 2020 sẽ có khoảng 700 sản phẩm. Hà Nội sẽ xây dựng một Trung tâm sáng tạo và thiết kế và giới thiệu các sản phẩm OCOP cùng gắn với du lịch, dịch vụ du lịch. Chúng tôi dự kiến xây dựng Trung tâm này ở huyện Đông Anh vì gần sân bay quốc tế Nội Bài.”

Hà Nội đẩy mạnh chương trình OCOP giai đoạn 2019-2020 - ảnh 2

Sản phẩm OCOP gốm sứ làng Bát Tràng.

Hà Nội là địa phương có nhiều làng nghề nhất với khoảng 1350 làng nghề, chiếm 1/3 làng nghề cả nước. Hơn nữa, Hà Nội đang dẫn đầu cả nước trong việc ứng dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc nông, lâm, thủy sản, thực phẩm bằng tem điện tử thông minh QRcode (hơn 5.000 sản phẩm được gắn mã). Đây vừa là tiềm năng vừa là nền tảng để Hà Nội phát triển chương trình OCOP. Thành phố Hà Nội tiếp tục hỗ trợ các tập thể, cá nhân đăng ký nhãn hiệu, liên kết tiêu thụ sản phẩm OCOP cho nông dân.

Ông Tạ Văn Tường, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội, cho biết: “Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cùng Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã phối hợp tổ chức Chương trình kết nối chuỗi sản phẩm nông sản an toàn tiêu thụ trên địa bàn Hà Nội.

Trong khi đó cả nước mới có 1263 chuỗi, riêng Hà Nội và 21 tỉnh, thành phố đã có 727 chuỗi. Hà Nội tới đây sẽ kết nối với tất cả các tỉnh, thành phố trong cả nước, vùng miền để phát triển các chuỗi này. Hà Nội đã, đang và sẽ trở thành trung tâm sản xuất cây con giống chất lượng cao phục vụ cho cả nước. Ví dụ như vịt Đại Xuyên, gà Lương Mỹ, lợn Thụy Phương, Trung tâm nghiên cứu cây có múi, Học viện Nông nghiệp Việt Nam.”

Thành phố Hà Nội sẽ tiêu chuẩn hóa ít nhất 50% sản phẩm làng nghề, nông nghiệp hiện có. Hà Nội cũng đang đầu tư cho 3 làng nghề: Bát Tràng (huyện Gia Lâm), Vạn Phúc (quận Hà Đông) và Đường Lâm (thị xã Sơn Tây) phát triển sản phẩm OCOP gắn với du lịch. Thành phố tập trung thu hút các doanh nghiệp đầu tư sản xuất vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ sinh học.

Ông Đàm Tiến Thắng, Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội, khẳng định: “Hà Nội rất quan tâm đến chính sách phát triển làng nghề. Mỗi làng nghề có 1,2 hay nhiều doanh nghiệp đầu đàn trong làng nghề đó. Mỗi một ngành nghề cũng cần có 1,2 doanh nghiệp đầu đàn trong ngành nghề đó. Mỗi một thị trường nước ngoài cũng vậy. Những doanh nghiệp này như những con chim đầu đàn hỗ trợ cho những cơ sở sản xuất nhỏ trong làng nghề chưa có điều kiện về nhân lực, kỹ thuật, kinh nghiệm làm hàng xuất khẩu. Điều này Hà Nội đã làm được trong thời gian qua.”

Theo kế hoạch trong năm 2020, thành phố Hà Nội sẽ kiện toàn hệ thống quản lý, điều hành chương trình OCOP đồng bộ từ cấp thành phố đến cấp huyện, xã. Thành phố phấn đấu 100% doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ hộ có đăng ký sản xuất, kinh doanh tham gia chương trình OCOP được đào tạo, tập huấn, 100 sản phẩm OCOP hạng 5 sao. Mặc dù triển khai chương trình OCOP muộn hơn so với một số tỉnh, thành khác nhưng với cách làm bài bản, khoa học, có sự đúc rút kinh nghiệm từ những nơi khác, thành phố Hà Nội đã triển khai hiệu quả chương trình OCOP

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu