Nghề đan đát tre trúc ở xã Phú Tân, huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng từ lâu được biết đến không chỉ là nghề truyền thống mà đã trở thành một nét văn hóa riêng của bà con dân tộc Khmer. Nghề này đã giúp nhiều gia đình thoát nghèo, vươn lên ổn định cuộc sống.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Chỉ bằng những nguyên liệu là tre, trúc, nứa, với đôi bàn tay khéo léo, tinh tế, người dân xã Phú Tân đã tạo ra những sản phẩm phong phú, đa dạng sử dụng trong sinh hoạt hằng ngày, như: rổ, rá, thúng, xà ngom (dụng cụ chủ yếu dùng để bắt cá rô), xà neng (dụng cụ thực hiện được nhiều chức năng như xúc lúa, bắt cá, hái rau)… và các mặt hàng thủ công mỹ nghệ, như: chiếc ghe ngo nhỏ, khay đựng trầu…
Trung bình mỗi ngày, một người có thể đan được 1 - 6 sản phẩm tùy thuộc vào kích thước, chủng loại, đem về nguồn thu nhập khoảng 100.000 đồng/ngày (hơn 4 USD/ngày). Với phụ nữ hay những người lớn tuổi, đây là công việc phù hợp vì không tốn nhiều sức lao động, lại chủ động về thời gian.
Sản phẩm mây tre đan của Hợp tác xã mây tre đan Đất Phương Nam. Ảnh: Ngọc Anh |
Bà Lâm Thị Phên, người dân xã Phú Tân, cho biết: "Nghề đan đát của chúng tôi là nghề truyền thống của ông cha để lại. Nhà tôi có nghề này 3 đời rồi, từ ông ngoại đến cha tôi rồi đến tôi. Hồi nhỏ, 10 tuổi tôi đã biết làm rồi. Chúng tôi rất tự hào bởi vì làng của chúng tôi là một trong những làng nghề nổi tiếng ở tỉnh Sóc Trăng. Tuy không kiếm được nhiều tiền, nhưng vì yêu nghề nên tranh thủ lúc rảnh rỗi, tôi làm nghề, đỡ buồn mà lại có thêm thu nhập, phụ thêm đủ sống. Tôi mong muốn truyền lại nghề này cho con cháu tôi."
Trước đây, từng hộ gia đình trong xã Phú Tân làm nghề manh mún, nên họ đã liên kết lại với nhau hình thành các tổ, hợp tác xã, quy mô, hiệu quả hơn. Bà con khi làm ra sản phẩm không phải mất công, tốn kém vận chuyển tới cơ sở thu mua tại trung tâm thành phố Sóc Trăng hay các địa phương khác như trước đây để bán. Nay, các hợp tác xã cung cấp nguyên liệu và thu mua bao tiêu sản phẩm cho bà con. Sản phẩm cũng mở rộng từ đồ dùng sinh hoạt đến các sản phẩm lưu niệm, trang trí nội thất. Sản phẩm càng nhỏ thì giá trị càng cao vì phải đan rất tỷ mỉ, công phu, tinh xảo.
Anh Nguyễn Văn Huynh giới thiệu sản phẩm đặc trưng 12 món. Ảnh: Ngọc Anh |
Anh Nguyễn Văn Huynh, Giám đốc Hợp tác xã mây tre đan Đất Phương Nam, cho biết: "Những dụng cụ lao động truyền thống nhưng chúng tôi làm thu nhỏ lại để làm quà tặng du lịch.
Ở đây có bộ sản phẩm 12 món, lấy ý tưởng từ những sản phẩm đặc trưng của người dân Nam Bộ, như: nơm, rổ, rá, nia, thúng… những dụng cụ đánh bắt cá, đồ dùng truyền thống nhưng được thu nhỏ lại, tinh xảo hơn.
Địa phương quan tâm cho đi tham quan các mô hình ở các địa phương khác, như: Hà Nội, Huế, Đồng Tháp."
Huyện Châu Thành đã hỗ trợ thành lập các hợp tác xã, thu hút hàng trăm hộ dân tham gia nghề đan đát. Ngoài thu nhập ổn định, nhiều thành viên hợp tác xã còn được vay vốn ưu đãi mua thêm nguyên liệu, thiết bị, máy móc để phát triển sản xuất. Chính quyền địa phương đã tạo mọi điều kiện cho người dân phát triển làng nghề, như: tổ chức tập huấn áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, bảo quản; đi tham quan học tập tại các làng nghề đan đát truyền thống tiêu biểu tại một số địa phương trong nước; tham gia các hội chợ trong và ngoài tỉnh để qua đó quảng bá sản phẩm làng nghề…
Người dân xã Phú Tân làm nghề. Ảnh: Ngọc Anh |
Ông Nguyễn Văn Mỹ, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Châu Thành, cho biết: "Chúng tôi tuyên truyền vận động làm sao cho đồng bào gìn giữ, phát huy nghề để tạo công ăn việc làm, góp phần nâng cao thu nhập cho đồng bào. Kịp thời phát hiện những nhân tố tiềm năng, nghệ nhân, những người có tay nghề cao, lắng nghe họ có những ý kiến đề xuất đến chính quyền địa phương để hỗ trợ họ phát triển làng nghề. Chúng tôi tạo điều kiện cho làng nghề xây dựng thương hiệu. Cho các làng nghề tham gia các buổi xúc tiến, quảng bá sản phẩm, tham gia các hội chợ để giới thiệu sản phẩm trên thị trường."
Lãnh đạo địa phương tham quan Hợp tác xã mây tre đan Đất Phương Nam. Ảnh: Ngọc Anh |
Những sản phẩm của xã Phú Tân không những đã có mặt ở nhiều vùng miền trong cả nước mà còn được xuất khẩu. Anh Nguyễn Văn Huynh, Giám đốc Hợp tác xã mây tre đan Đất Phương Nam, cho biết: "Chúng tôi chưa có điều kiện xuất khẩu chính ngạch, mà thông qua công ty khác, làm gia công cho họ xuất khẩu đi Nhật Bản, Trung Quốc, Canada, Thái Lan… Trong nước thì bán ở Hà Nội, Hải Phòng, Lào Cai, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Nam Bộ. Bán lẻ, bán buôn, bán combo cũng có. Ngoài sản phẩm du lịch, chúng tôi còn làm những sản phẩm trang trí nội thất gia đình. Chúng tôi cũng làm mảng xây dựng hoặc thiết kế nhà hàng, khách sạn, những công trình nhà bằng tre."
Đến với xã Phú Tân, mọi người được tận mắt tham quan làng nghề đan tre trúc thủ công và được chiêm ngưỡng không gian nghệ thuật với đầy đủ những mặt hàng mây tre, đan đát được thu gom tập trung tại các cơ sở thu mua, hợp tác xã. Người dân nơi đây đã bảo tồn nghề truyền thống, gìn giữ nét đẹp văn hóa, mở rộng sản xuất, góp phần phát triển kinh tế địa phương.