Hà Nam hiện có 58 làng nghề được công nhận đang hoạt động, trong đó có 32 làng nghề truyền thống. Với lợi thế đó, Hà Nam đã tích cực, chú trọng phát triển các sản phẩm OCOP (mỗi xã một sản phẩm) tại các làng nghề, tạo cơ hội để phát huy giá trị văn hóa, lịch sử của địa phương, nâng cao thu nhập cho người dân.
Nghe âm thanh tại đây:
Cùng với nhiều địa phương trên cả nước, tỉnh Hà Nam luôn chú trọng thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu; xây dựng các ngành nghề, làng nghề, trong đó đặc biệt quan tâm, tạo các điều kiện thuận lợi để các cơ sở, hộ kinh doanh, các HTX, tổ hợp tác có sản phẩm OCOP phát triển sản xuất, góp phần thúc đẩy công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp nói chung, làng nghề truyền thống nói riêng.
Một số sản phẩm OCOP của tỉnh Hà Nam |
Nhắc đến các sản phẩm OCOP tại Hà Nam đi lên từ làng nghề, không thể không nhắc đến những cái tên như Gốm Quyết Thành, bánh đa nem làng Chều, mây tre đan Ngọc Động hay rượu làng Vọc…Từ khi được công nhận và xếp hạng OCOP, các sản phẩm đã tăng khả năng cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Qua đó, cũng giúp thay đổi tập quán sản xuất, khơi dậy và phát huy thần tự lực, tự tin, sáng tạo, khởi nghiệp trong các tầng lớp nhân dân, hướng người dân vào kinh tế thị trường, thúc đẩy phát triển sản xuất khu vực nông thôn. Ông Phạm Việt Hùng, Phó chủ tịch UBND xã Chuyên Ngoại, thị xã Duy Tiên, tỉnh Hà Nam, cho biết:“Chúng tôi tiếp tục rà soát và cũng đã có định hướng, ví dụ như làng mộc Yên Mỹ, tổ hội trầu sen của thôn Từ Đài, cây ăn quả, cây cam của thôn Từ Đài, đã có định hướng để cho bà con có thể đăng ký chất lượng đảm bảo tiêu chuẩn OCOP và cũng căn cứ vào đó nhằm mục đích phát triển kinh tế-xã hội của địa phương”.
Nhiều làng nghề ở Hà Nam cũng đang đẩy mạnh chương trình OCOP, mở ra hướng đi mới trong phát triển các sản phẩm nông nghiệp có lợi thế ở địa phương, góp phần giúp nông sản đặc trưng của Hà Nam có điều kiện khẳng định thương hiệu, vươn xa hơn tới các thị trường tiêu thụ trong nước và quốc tế. Nhiều doanh nghiệp, chủ cơ sở có sản phẩm OCOP tại làng nghề chia sẻ việc tham gia Chương trình OCOP đã giúp cho họ tự nhìn nhận, đánh giá lại chất lượng các sản phẩm của mình, từ đó tìm các giải pháp để nâng cao chất lượng sản phẩm. Bên cạnh nỗ lực sản xuất, đồng thời quan tâm hơn đến việc nâng cao chất lượng, cải tiến mẫu mã, tăng cường liên kết nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ để phát triển bền vững. Ông Trần Xuân Thực, Chủ tịch hiệp hội cá kho Nhân Hậu, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam cho biết: “Năm 2019 gia đình tham gia Chương trình sản phẩm OCOP. Kể từ khi gia đình đạt được tiêu chí sản phẩm OCOP 3 sao đến nay, thì sản lượng sản xuất tăng lên và qua đó, sản phẩm này cũng được nhiều người biết đến hơn và thị trường tiêu thụ được mở rộng hơn. Các hộ sản xuất kinh doanh tiếp tục đảm bảo được tiêu chí, giữ vững chất lượng sản phẩm, giữ uy tín với khách hàng”.
Đánh giá về hiệu quả của chương trình mang lại, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Nam Ngô Mạnh Ngọc cho biết chương trình có sự hỗ trợ của Nhà nước, bước đầu đã tạo động lực thúc đẩy cho các chủ thể tham gia thực hiện, nhằm phát triển sản phẩm của mình ngày một hoàn thiện hơn, đồng thời lựa chọn những ý tưởng sáng tạo để nâng cấp sản phẩm đạt chất lượng cao, tạo lợi thế cạnh tranh trên thị trường, gia tăng giá trị sản phẩm, nâng cao thu nhập cho người sản xuất và nhân ra diện rộng:Bước đầu tỉnh đã đạt mục tiêu chương trình OCOP đặt ra. Thứ nhất, tạo điều kiện thúc đẩy các tổ hợp tác, hợp tác xã, làng nghề phát triển sản xuất. Thứ hai tạo điều kiện để chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp nông thôn, chuyển dịch cơ cấu lao động, phát triển ngành nghề, nâng cao thu nhập người nông dân.
Sản phẩm gốm Quyết Thành |
Thời gian tới, tỉnh Hà Nam tiếp tục đưa các sản phẩm OCOP giới thiệu trên sàn giao dịch thương mại điện tử. Các sản phẩm được hoàn thiện hơn về nhãn mác, quan tâm về chất lượng, an toàn thực phẩm, kiểm soát mã số, mã vạch, truy xuất nguồn gốc... tạo hành lang pháp lý cho các chủ thể khi tham gia vào các chuỗi, siêu thị, mở rộng thị trường tiêu thụ, tăng doanh thu, bảo đảm phát triển bền vững. Ông Ngô Mạnh Ngọc, Phó giám đốc Sở NN PTNT Hà Nam, cho biết thêm:Một là mở rộng địa bàn, thị trường tiêu thụ sản phẩm OCOP. Thứ hai là hỗ trợ chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, thông qua các dự án liên kết chuỗi trong sản xuất nông nghiệp, tạo điều kiện hỗ trợ cho các cơ sở, hộ sản xuất, doanh nghiệp mở rộng dây chuyền sản xuất. Đây cũng là cơ hội để nâng cao thu nhập cho bà con nông dân, hoàn thành các chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh trong thời gian tới.
Nhìn từ thành công của các sản phẩm làng nghề có thể thấy chủ trương xây dựng và phát triển thương hiệu cho các sản phẩm làng nghề theo Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) đã đem lại hiệu quả kinh tế tích cực, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân và giúp nâng tầm sản phẩm làng nghề. Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) được tỉnh Hà Nam thực hiện là điểm đột phá để phát triển kinh tế nông thôn, kinh tế làng nghề, đặc biệt là làng nghề truyền thống; mở ra cơ hội phát triển cho các sản phẩm chủ lực, các sản phẩm đặc sản, đặc trưng có lợi thế của các địa phương trên địa bàn tỉnh. Chính vì vậy, việc thúc đẩy các làng nghề tham gia Chương trình OCOP sẽ tạo điều kiện để bảo tồn và phát triển nghề, làng nghề, giữ gìn bản sắc văn hóa của địa phương.